Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh thường xuyên chỉ đạo, tổ chức quản lý chặt chẽ có hiệu quả tài nguyên khoáng sản, thực hiện cấp phép hoạt động thăm dò, quy hoạch, đấu giá, cấp phép khai thác, vận chuyển khoáng sản làm vật liệu xây dựng (VLXD) trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định của Luật Khoáng sản.
Khi Luật Khoáng sản năm 2010 ban hành, kèm các nghị định hướng dẫn thi hành, UBND tỉnh đã ban hành 23 văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực khoáng sản và các văn bản chỉ đạo, điều hành trong quản lý nhà nước về khoáng sản làm VLXD phù hợp với Luật Khoáng sản và điều kiện thực tế của địa phương. Các văn bản được tỉnh ban hành cơ bản đáp ứng được các yêu cầu về tính đồng bộ, kịp thời và phù hợp với các quy định của pháp luật, đảm bảo tính khả thi trong quá trình triển khai thực hiện; tạo hành lang pháp lý và góp phần nâng cao hiệu lực công tác quản lý nhà nước về tài nguyên – môi trường trên địa bàn tỉnh, góp phần cụ thể hóa, minh bạch hóa thủ tục hành chính, tạo nguồn lực phát triển KT-XH của tỉnh.
Từ những quy hoạch được phê duyệt, từ năm 2019 đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện cấp 24 giấy phép thăm dò khoáng sản cho 29 điểm mỏ; cấp 37 giấy phép khai thác khoáng sản (cấp mới 27 giấy, gia hạn 8 giấy, chuyển nhượng quyền khai thác 2 giấy); ban hành 19 quyết định đóng cửa mỏ (12 quyết định đóng cửa mỏ đá làm VLXD thông thường, 4 quyết định đóng cửa mỏ đất sét làm gạch ngói, 3 quyết định đóng cửa mỏ cát làm VLXD thông thường) và đang thẩm định nhiều hồ sơ tiếp tục đóng các cửa mỏ khai thác khoáng sản khác.
Quá trình hoạt động thăm dò, khai thác, hầu hết các đơn vị được cấp đã tích cực hoàn thiện các thủ tục pháp lý có liên quan, tuân thủ các nội dung quy định trong giấy phép khai thác được cấp và các quy định của pháp luật; thực hiện thông báo đầy đủ ngày bắt đầu xây dựng cơ bản mỏ, ngày bắt đầu khai thác, kế hoạch khai thác, giám đốc điều hành mỏ; nộp thiết kế mỏ, lập và cắm mốc khu vực khai thác và báo cáo định kỳ hoạt động khoáng sản theo quy định.
Qua đánh giá của ngành chức năng, các đơn vị được quyền khai thác khoáng sản làm VLXD tuân thủ đúng công suất, thiết kế khai thác. Hầu hết các đơn vị được cấp giấy khai thác đều sử dụng công nghệ khai thác gắn với chế biến và sử dụng khoáng sản, như: Khai thác đá vôi được nghiền sàng ra các chủng loại đá phục vụ nhu cầu xây dựng; khai thác đất sét gắn liền với các nhà máy gạch ngói, thực hiện hoán đổi đất sét các nhà máy để sử dụng tiết kiệm, hợp lý, nâng cao hiệu quả.
Hoạt động khai thác khoáng sản làm VLXD của các đơn vị được cấp phép trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã đóng góp tích cực cho tỉnh trong việc giải quyết những khó khăn trong thiếu nguồn vật liệu san lấp cho các dự án, công trình giao thông động lực, trọng điểm. Từ đó, nhiều dự án, công trình trên địa bàn tỉnh đã được hoàn thành đúng tiến độ, giải quyết triệt để hạ tầng giao thông thấp kém ở nhiều khu vực vùng sâu, vùng xa; tăng tính kết nối, liên thông giữa vùng đô thị với vùng cao, giữa vùng phát triển với vùng kém phát triển của tỉnh, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống người dân, giảm nghèo bền vững.
Đặc biệt, hoạt động khai thác khoáng sản làm VLXD trên địa bàn tỉnh đã tạo ra nhiều việc làm mỗi năm và đóng góp nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Tính riêng từ năm 2019 đến tháng 7/2024, hoạt động khai thác khoáng sản làm VLXD đã thu nộp vào ngân sách nhà nước gần 500 tỷ đồng thuế, phí các loại. Trong đó, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên, khoáng sản trên 176 tỷ đồng, thuế tài nguyên gần 162 tỷ đồng, phí bảo vệ môi trường gần 87 tỷ đồng, tiền thuê đất trên 73 tỷ đồng.
Trong thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các địa phương triển khai hiệu quả việc rà soát, quản lý chặt chẽ các dự án khai thác khoáng sản làm VLXD trên địa bàn, đảm bảo các dự án hoạt động theo đúng giấy phép, phương án tổ chức sản xuất, vận chuyển, tuyệt đối không để tổ chức, cá nhân lợi dụng để khai thác trái phép, bất hợp pháp và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.