Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 61 mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thuộc quyền cấp phép của UBND tỉnh. Hiện nay, các mỏ đã và đang được cấp phép, quản lý một cách chặt chẽ nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu ra cung cấp cho các đơn vị, dự án, công trình có nhu cầu sử dụng trên địa bàn tỉnh.
Ngay khi Luật Khoáng sản năm 2010 ban hành và các nghị định hướng dẫn thi hành luật có hiệu lực, UBND tỉnh đã ban hành 22 văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực khoáng sản, các văn bản chỉ đạo, điều hành trong quản lý nhà nước về khoáng sản phù hợp với Luật Khoáng sản và điều kiện của địa phương, như: Quy chế về đấu giá quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của tỉnh và sử dụng nguồn thu đấu giá quyền khai thác khoáng sản, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; quy định về việc xác định trữ lượng khoáng sản còn lại trong khu vực khai thác đối với các mỏ khoáng sản; quy định về giá tính thuế tài nguyên trên địa bàn tỉnh; quy định mức thu phí tham gia đấu giá quyền khai thác khoáng sản…
Việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật đã tạo hành lang pháp lý, góp phần nâng cao hiệu lực công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh, đồng thời góp phần cụ thể hóa, minh bạch hóa thủ tục hành chính, tạo nguồn lực phát triển KT-XH của tỉnh.
Tính từ năm 2019 đến hết năm 2023, UBND tỉnh đã cấp 37 giấy phép khai thác khoáng sản, trong đó cấp mới 29 giấy phép, gia hạn 6 giấy phép và chuyển nhượng quyền khai thác 2 giấy phép. Sau cấp phép, quá trình khai thác của các mỏ được các đơn vị hoàn thiện thủ tục pháp lý có liên quan, tuân thủ các nội dung quy định trong giấy phép khai thác được cấp và các quy định của pháp luật; thực hiện thông báo công khai ngày bắt đầu xây dựng cơ bản mỏ, ngày bắt đầu khai thác, kế hoạch khai thác, giám đốc điều hành mỏ; nộp thiết kế mỏ, lập và cắm mốc khu vực khai thác, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và báo cáo định kỳ hoạt động khoáng sản theo quy định.
Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường, các đơn vị được cấp quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng đã tuân thủ đúng công suất, thiết kế khai thác, sử dụng công nghệ khai thác gắn với chế biến và sử dụng khoáng sản, như: Khai thác đá vôi được nghiền sàng ra các chủng loại đá phục vụ nhu cầu xây dựng; khai thác sét gắn liền với các nhà máy gạch ngói, thực hiện hoán đổi sét các nhà máy để sử dụng tiết kiệm, hợp lý, nâng cao hiệu quả.
Công tác thanh, kiểm tra đối với hoạt động khai thác, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản nói chung và khoáng sản làm vật liệu xây dựng nói riêng được các cấp, các ngành triển khai thường xuyên, liên tục. Tính từ ngày 1/1/2019 đến nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành chức năng tiến hành 84 cuộc kiểm tra đối với hoạt động khai thác, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản làm vật liệu xây dựng, qua đó kịp thời phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính trên 4,5 tỷ đồng, thu hồi khối lượng vật liệu xây dựng có hành vi vi phạm với tổng số tiền gần 5 tỷ đồng; đồng thời chấn chỉnh các hành vi vi phạm, nâng cao vai trò quản lý nhà nước.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện ở một số địa phương, nhận thức về tầm quan trọng của công tác quản lý khoáng sản, đất đai và bảo vệ môi trường chưa đầy đủ; công tác lãnh đạo, chỉ đạo còn chưa thường xuyên, chưa sâu sát, thiếu kiểm tra, giám sát; các dự án đã cấp phép khai thác khoáng sản nhưng chậm đưa vào khai thác do khó khăn trong việc GPMB; trong hoạt động khai thác, chế biến đá một số đơn vị chưa chấp hành đầy đủ các biện pháp giảm thiểu bụi (chưa lắp đặt hệ thống phun sương dập bụi khu vực nghiền sàng, bố trí phương tiện tưới nước trên tuyến đường vận chuyển, thực hiện không đầy đủ chương trình quan trắc, giám sát môi trường định kỳ theo quy định). Tất cả những vấn đề tồn tại này đã được các cấp, các ngành nhìn nhận và đang có những giải pháp cấp thiết để khắc phục, nhằm quản lý, khai thác, sử dụng một cách hiệu quả nhất nguồn tài nguyên hữu hạn này, đảm bảo cho quá trình phát triển bền vững của tỉnh.