Với mục tiêu xây dựng tỉnh giàu đẹp, văn minh, hiện đại, nhân dân có cuộc sống ấm no, bình yên, hạnh phúc, Quảng Ninh đã kiên trì thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, bao trùm, trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh và nội lực. Đặc biệt, tỉnh có nhiều giải pháp quyết liệt, tăng cường công tác quản lý đất đai, đảm bảo cho mục tiêu phát triển bền vững.
Bám sát Nghị quyết số 18-NQ/TW (ngày 16/6/2022) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều quyết sách và chương trình hành động nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong hoàn thiện thể chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất đồng bộ và đảm bảo nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, bền vững…
Quảng Ninh đã tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong tổ chức thực hiện các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và trong thanh tra, kiểm tra, giám sát của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành đối với công tác quản lý và sử dụng đất đai, tài nguyên – khoáng sản, nhất là đất đô thị, KKT, KCN, đất lấn biển, đất có nguồn gốc lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, mặt nước ven biển. Đồng thời, thường xuyên rà soát, kịp thời phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng, vi phạm quy định pháp luật trong lập, điều chỉnh quy hoạch xây dựng, nhất là quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đấu giá tài sản, đấu giá thầu dự án, đấu giá quyền sử dụng đất nhằm trục lợi, tham nhũng, tiêu cực, gây thất thoát, lãng phí tài sản, ngân sách nhà nước.
Tỉnh chỉ đạo quyết liệt, thực hiện nghiêm việc giao đất, cho thuê đất đảm bảo thực hiện đúng quy định pháp luật, chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, đảm bảo công khai, minh bạch, xác định đúng dự án, đúng đối tượng, đúng trình tự và thủ tục quy định của pháp luật. Đồng thời, tăng cường quản lý chặt chẽ và hạn chế tối đa các trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Các địa phương trong tỉnh cũng tăng cường công tác kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng đất, hạn chế tối đa việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất của các doanh nghiệp nhà nước thoái vốn, cổ phần hóa và các loại đất sử dụng đa mục đích. Đồng thời, đảm bảo cân đối quỹ đất cho phát triển KT-XH; tăng diện tích rừng cảnh quan tại các trung tâm du lịch, dịch vụ; giữ vững tỷ lệ che phủ rừng 55% đến năm 2025, trên 50% đến năm 2030 và nâng cao chất lượng rừng.
Trên cơ sở chỉ đạo của tỉnh, các địa phương cũng xây dựng quy hoạch, kế hoạch chuẩn bị quỹ đất để bố trí ít nhất 50.000 suất tái định cư trong giai đoạn 2023-2030; chủ động xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo nguyên tắc bảo đảm công khai, minh bạch và thực hiện hiệu quả phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Đến nay, tổng số suất tái định cư đã có quy hoạch chi tiết và triển khai đầu tư hạ tầng kỹ thuật là 8.828 suất, tổng số suất tái định cư đã bố trí giai đoạn 2024-2025 là 6.863 suất; giai đoạn 2026-2030 (theo quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết) dự kiến bố trí tái định cư 34.309 suất…
Cùng với đó, tỉnh chỉ đạo thực hiện nghiêm quy hoạch, quản lý sử dụng bền vững không gian biển, đảo theo các vùng bảo vệ – bảo tồn, vùng đệm và vùng phát triển KT-XH; kiểm soát chặt chẽ các nguồn gây ô nhiễm từ đất liền, nhất là ở khu vực TP Hạ Long và các huyện Vân Đồn, Hải Hà…, các lưu vực sông liên vùng, biên giới và các quỹ đất được hình thành từ các dự án trọng điểm, động lực về hạ tầng giao thông, đô thị, các quỹ đất lấn biển… Song song với đó, tỉnh thường xuyên kiểm tra, rà soát kỹ hiện trạng, quy hoạch, quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ đất hình thành từ các dự án trọng điểm, động lực về hạ tầng giao thông, đô thị trên địa bàn tỉnh, như: Đường cao tốc từ cầu Bạch Đằng – Hạ Long – Vân Đồn – Móng Cái; đường bao biển nối TP Hạ Long với TP Cẩm Phả; đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long – Hải Phòng đến TX Đông Triều… và hai bên các tuyến đường giao thông quan trọng do cấp huyện đầu tư…
Bám sát chỉ đạo của Trung ương, những năm qua, tỉnh tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm và giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phòng chống tham nhũng, tiêu cực “lợi ích nhóm”. Tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục tồn tại, hạn chế, vi phạm và kiến nghị đã chỉ ra tại các kết luận kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán. Điển hình là các văn bản: Kết luận số 1059-TB/TU (ngày 31/10/2023) của Tỉnh ủy “về kết quả 3 năm thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TU (ngày 31/7/2020) của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác kiểm tra, giám sát và thanh tra việc quản lý, sử dụng đất đai và đầu tư công”; Thông báo số 1020-TB/TU (ngày 28/9/2023) của Tỉnh ủy chỉ đạo rà soát, sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật…
Đồng thời, tỉnh chỉ đạo chặt chẽ công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra; tăng cường trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước và thủ trưởng cơ quan thanh tra trong công tác chỉ đạo, điều hành, theo dõi, đôn đốc kiểm tra việc thực hiện các kết luận kiến nghị kiểm toán, quyết toán… đảm bảo tất cả các kiến nghị trong kết luận thanh tra được theo dõi, đôn đốc, tránh tình trạng bỏ, không thực hiện theo dõi…
Từ tháng 6/2022 đến 30/11/2023, Thanh tra tỉnh đã ban hành 51 kết luận thanh tra KT-XH liên quan đến lĩnh vực đất đai và 3 kết luận thanh tra trách nhiệm của Chủ tịch UBND các địa phương: Hạ Long, Quảng Yên, Uông Bí trong việc thực hiện các quy định về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng. Qua thanh tra đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế, biện pháp khắc phục và kiến nghị cơ quan chức năng sửa đổi chính sách pháp luật có liên quan.
UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thanh tra năm 2023, thanh tra chuyên đề diện rộng trên địa bàn tỉnh đối với 175 dự án sử dụng đất, mặt nước từ nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách chậm tiến độ. Qua đó, đã đôn đốc việc thực hiện kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đối với 69 dự án đảm bảo đúng quy định của pháp luật.