Thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản mặc dù đã được cải thiện nhưng chưa đạt như kỳ vọng; tăng trưởng tín dụng thấp, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế tiếp tục khó khăn, nợ xấu có xu hướng gia tăng. Trước thực trạng này, Thủ tướng Chính phủ vừa ký Công điện về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản hiệu quả, an toàn, lành mạnh, bền vững.
Các số liệu thống kê mới nhất được Bộ Tài chính công bố cho thấy, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang có những dấu hiệu phục hồi rõ nét. Bên cạnh khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt hơn 179 nghìn tỷ đồng trong 10 tháng năm 2023, các doanh nghiệp cũng đã mua lại lượng trái phiếu trước hạn lớn hơn tổng số phát hành, lên đến hơn 190 nghìn tỷ đồng. Các chuyên gia tài chính nhận định, sự phục hồi tích cực của thị trường trái phiếu doanh nghiệp từ quý II/2023 đến nay là nhờ yếu tố tác động cộng hưởng của các chính sách chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ và sự chuyển biến của các chủ thể tham gia thị trường.
Để thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản hiệu quả, an toàn, lành mạnh, bền vững, Bộ Tài chính cần rà soát, đánh giá kỹ lưỡng khả năng thanh toán, chi trả của các tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Quan trọng hơn, việc đồng thời triển khai các giải pháp về cơ chế, chính sách, điều hành của cơ quan chức năng cùng với quá trình xử lý nghiêm các vi phạm về phát hành trái phiếu trong thời gian qua đã có tác dụng đưa thị trường trái phiếu từng bước đi vào ổn định và tăng niềm tin cho nhà đầu tư. Đối với thị trường bất động sản cũng đã có những chuyển biến theo chiều hướng tích cực.
Nhìn một cách tổng thể, thị trường bất động sản vẫn còn khó khăn nhưng từ quý II/2023 đã xuất hiện các dự án chào bán trở lại với hơn 3.700 giao dịch thành công và con số này tiếp tục tăng lên trong quý III. Đây là chỉ báo cho thấy thị trường bất động sản đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất và chuyển sang phục hồi. Tuy nhiên, mức độ cải thiện của cả hai thị trường này chưa đạt như kỳ vọng, chưa đủ sức tháo gỡ những điểm nghẽn đang cản trở sự phát triển của doanh nghiệp cũng như quá trình phục hồi của nền kinh tế.
Để thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản hiệu quả, an toàn, lành mạnh, bền vững, Bộ Tài chính cần rà soát, đánh giá kỹ lưỡng khả năng thanh toán, chi trả của các tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nhất là các trái phiếu đến hạn thanh toán trong cuối năm nay và năm 2024; chủ động xây dựng kịch bản, đánh giá tác động và có phương án, biện pháp cụ thể, hiệu quả xử lý theo thẩm quyền, góp phần bảo đảm an toàn, an ninh thị trường tài chính, tiền tệ; không để bị động, bất ngờ và tiêu cực đến phát triển nhanh, bền vững của nền kinh tế.
Đồng thời có giải pháp yêu cầu doanh nghiệp phát hành thực hiện nghĩa vụ, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà đầu tư, các chủ thể liên quan. Qua đó củng cố, tăng cường và khôi phục niềm tin của nhà đầu tư, thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển an toàn, minh bạch, lành mạnh, bền vững.