Nhân vật của Tiểu Vy, Kỳ Duyên, Kaity Nguyễn, Thiên Ân… xinh đẹp nhưng xây dựng vội vàng, diễn biến tâm lý không tinh tế mà hơi khoa trương.
Các nhân vật nữ và vấn đề về phụ nữ luôn là chủ đề chính trong phim Việt. Có một loạt nhân vật nữ chính có tạo hình xinh đẹp, được chăm chút về tạo hình, còn sơ sài, nhân vật khó lưu lại trong lòng khán giả.
Nữ phim Việt quan trọng hơn nam?
Đạo diễn – nhà sản xuất Thu Trang giải thích với Tuổi Trẻ: “Vì khán giả nữ nhiều lắm. Khán giả nam ít khi đi xem phim, bồ rủ mới đi. Nên đa số nhân vật nữ chính của mình quan trọng hơn nhân vật nam”.
Nhân vật Thúy Vân của Thiên Ân trong Nụ hôn bạc tỉ của Thu Trang chủ động, độc lập, có ước mơ sự nghiệp. Cô là đứa con “hiểu chuyện đến đau lòng”, luôn cố gắng chăm sóc chị gái vì di nguyện của mẹ.
Nhưng đến khi vướng vào khoản nợ lớn, bị xã hội đen đe dọa, Thúy Vân lại xuôi theo lời khuyên của chị gái là tìm cách hẹn hò với thiếu gia giàu có để bào tiền.
Lựa chọn này dù đã được giải thích trong hoàn cảnh của phim nhưng vẫn khiến nhiều khán giả thấy chưa thỏa đáng.
Trong Bộ tứ báo thủ, nhân vật của Tiểu Vy và Kỳ Duyên là hai mẫu phụ nữ trái ngược nhau.
Quỳnh Anh (Tiểu Vy) đặt tình yêu lên trên tất cả, chăm sóc bạn trai từng bữa ăn giấc ngủ, không có công việc hay cá tính riêng. Quỳnh Anh non nớt vốn sống, bị Karen (Kỳ Duyên) nói thẳng: “Em đang rất ngu”.
Karen là người phụ nữ thành đạt, lãnh đạo, có quyền lực, chủ động tiếp cận, lập kế hoạch đưa chàng trai mình thích vào tròng. Là “tiểu tam” mà Karen đối đáp tự tin và thao túng, còn được mô tả là “biến thái”.
Nhưng khi Quỳnh Anh có nhiều hành động, suy nghĩ khó thông cảm thì Karen lại “gãy” ở nửa sau phim, hành xử vô lối và không nhất quán với cá tính ban đầu.
Còn Yêu nhầm bạn thân của Kaity Nguyễn không thêm thắt được những chi tiết về hoàn cảnh sống, điều kiện lớn lên, sự phát triển tâm lý liên quan đến xã hội Việt Nam… nên nhân vật không hẳn là có nội tâm thực sự.
Còn thiếu tinh tế
Theo giảng viên Hoàng Dạ Vũ – Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, không nên đòi hỏi phụ nữ trong phim phải đại diện cho toàn thể phụ nữ Việt Nam nhưng cần xây dựng trau chuốt, có chiều sâu hơn.
Về nhân vật Quỳnh Anh của Tiểu Vy, chị phân tích: “Khi xem phim ai cũng hiểu đạo diễn cố tình xây dựng tính cách nhân vật nữ là cô gái bánh bèo, an phận, thích dựa dẫm…
Ở một phần ba cuối phim, sau biến cố đổ vỡ, cô ấy mới muốn thay đổi và tự đứng lên tạo lập cuộc sống và ước mơ của mình.
Cô ấy cũng đâu đại diện cho tất cả phụ nữ Việt Nam?
Chúng ta nên quên kiểu phê bình “hình tượng phụ nữ Việt Nam” đi. Ngày nay mỗi nhân vật nữ là một chủ thể độc lập, chính điều đó mới đem đến sự đa dạng, đa chiều”.
Về Thúy Vân của Thiên Ân trong Nụ hôn bạc tỉ, Hoàng Dạ Vũ cho rằng: “Ban đầu cô ấy rất độc lập, không muốn dựa vào đàn ông nhưng chỉ vì nghe lời chị mà dễ dàng đóng vai mồi chài hai thiếu gia, mà mọi động cơ đều từ hoàn cảnh khó khăn bên ngoài chứ bản thân cô ấy không thấy dằn vặt gì.
Đó cũng là sự áp đặt của đạo diễn khi xây dựng, thể hiện nhân vật dễ dàng thay đổi quá, như đoạn cuối cũng vậy, không thấy động lực tình yêu giữa các nhân vật”.
Qua các phim Việt Nam gần đây, Hoàng Dạ Vũ nhận định phim Việt có điểm yếu là “không thể hiện được sâu quá trình diễn biến tâm lý nhân vật một cách tinh tế, ngầm ẩn mà thường chạy theo sự kiện. Mọi thứ được làm khoa trương ầm ĩ lên để che đi cái yếu của nội tâm”.
Chẳng hạn, Mai là phim khá nhất của Trấn Thành trong việc thể hiện nội tâm nhân vật vì thể hiện được nhiều uẩn khúc, giằng xé bên trong dù vẫn còn nhiều chỗ ầm ĩ.
Về lý do mẫu phụ nữ mạnh mẽ, chủ động trong phim Việt vẫn còn rất thiếu, Hoàng Dạ Vũ nói mẫu nhân vật này chưa được đông đảo người xem tiếp nhận vì vẫn còn định kiến giới.
Đồng thời, cách xây dựng nhân vật điện ảnh thường thể hiện quá trình thay đổi từ yếu đuối trải qua biến cố dần mạnh mẽ, chứ độc lập ngay từ đầu thì khó có chuyện để kể.
Các mẫu nhân vật phụ nữ mạnh mẽ cũng xuất hiện trong Chàng vợ của em, Bạn gái tôi là sếp, Chị chị em em… Tuy nhiên nếu cứ một chiều, thái quá sẽ dễ rơi vào lối mòn.