Trong những chuyến công tác của mình, tôi đã có nhiều dịp về với Quảng Yên, mảnh đất giàu trầm tích văn hóa và cũng là trấn lỵ, trung tâm kinh tế, chính trị một thời của vùng Đông Bắc Bộ. Những đổi thay theo thời gian cùng nhịp sống đô thị len lỏi vào những góc quê bình dị, nhưng văn hóa làng xã nơi đây không vì thế mà mất đi. Làng trong phố cũng là nét đặc trưng dễ nhận diện của vùng đảo Hà Nam, TX Quảng Yên.
Đảo Hà Nam (TX Quảng Yên) từ xa xưa thường được gọi là “Hà Nam Phong Cốc”. Hai tiếng Phong Cốc là niềm tự hào của cư dân Hà Nam và cũng để dễ phân biệt với vùng Hà Nam Phủ Lý.
Nằm giữa 8 phường, xã đảo Hà Nam, Phong Cốc hình thành từ đầu thế kỷ 15 với tên gọi Bồng Lưu, rồi Phong Lưu, sau là xã Phong Cốc, giờ là phường Phong Cốc. Năm 1963, một bộ phận phía Đông xã được tách ra thành lập xã Phong Hải (giờ là phường Phong Hải).
Tới nay, Phong Cốc vẫn còn giữ được nhiều nét văn hóa làng xã cùng những di tích cổ, phong tục tập quán truyền thống điển hình của văn hóa làng đảo.
Nhà văn Dương Phượng Toại, một người gắn bó với vùng Hà Nam Phong Cốc và cũng là tác giả của tập truyện ngắn “Điển cố làng” kể cho chúng tôi nghe nhiều câu chuyện lý thú, hóm hỉnh về miền quê nơi ông đang sống, những câu chuyện truyền đời đã trở thành câu cửa miệng của người làng mà ông gọi là điển cố của làng. Từ chuyện Quả cau phầng, Từ từ ông Nhính, Quay ngang Bà Huân…
Đọc những mẩu chuyện vừa cổ vừa kim, truyền thống xen lẫn đương đại, ta thấy hiển hiện sống động trong tâm trí một vùng dân cư quần tụ, qua bao đời vẫn bảo lưu được nét văn hóa dân gian truyền thống hàng trăm năm, bồi đắp để sức sống của nó bền bỉ theo thời gian, trở thành “mã văn hóa” nhận diện vùng đất này.
Không giấu được niềm tự hào khi nói về vùng quê của mình, nhà văn Dương Phượng Toại cho biết: Vùng quê của chúng tôi có thể nói là một vùng đồng bằng Bắc Bộ thu nhỏ. Trong mảnh đất này, chứa đựng biết bao phong tục tập quán tốt đẹp, mang trong mình và bảo tồn được nhiều di tích lịch sử và văn hóa lễ hội phong phú, đặc sắc. Đây cũng là vùng đất do các vị Tiên Công từ Kinh thành Thăng Long ra quai đê lấn biển, lập ấp lập làng. Và tới nay, những người dân Hà Nam Phong Cốc chúng tôi vẫn luôn tự hào về nguồn gốc kinh kỳ của mình.
Nhắc đến Phong Cốc là phải nói tới đình Phong Cốc – “trái tim” của làng đảo. Đình Cốc được xây dựng vào cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18, là ngôi đình to đẹp nhất trong 6 ngôi đình cổ còn lại hiện nay ở TX Quảng Yên, với nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc rất tinh xảo, đã được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia năm 1988.
Tọa lạc ở vị trí bến sông Cửa Đình, đình Phong Cốc gắn bó với đời sống của người dân vùng đảo Hà Nam suốt nhiều thế kỷ và là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, lễ hội quan trọng như lễ hội cầu mưa, lễ hội xuống đồng, Tết cơm mới.
Đó cũng là nơi gắn kết tình cảm giữa những dòng họ, là điểm tựa tinh thần của cư dân vùng đảo Hà Nam. Mỗi lần nhắc về đình Cốc là người dân Phong Cốc càng thêm tự hào về vẻ đẹp của một ngôi đình cổ kính với kiến trúc nghệ thuật độc đáo riêng có trong hệ thống đình làng Việt Nam.
Xưa kia, phía trước sân đình Cốc là không gian chợ Cốc, nơi buôn bán các sạp hàng bánh đủ loại, những đặc sản của địa phương, từ bánh dày, bánh gio, bánh mật, nem chạo… Nay chợ Cốc đã dời sang vị trí khác để nhường không gian cho việc tổ chức các hoạt động lễ hội phía trước sân đình, nhưng theo nếp cũ, người dân vẫn duy trì vài sạp hàng nhỏ phía sau đình, gợi nhớ cảnh nhộn nhịp của làng phố Cốc, chợ Cốc khi xưa.
Cùng với đình Cốc, 6 nhà thờ họ tại Phong Cốc cũng đã được công nhận là di tích quốc gia. Đặc biệt, các lễ hội truyền thống địa phương như Lễ hội Tiên Công, Lễ hội Xuống đồng là nét văn hoá đặc trưng hiếm có đang được người dân Phong Lưu xưa kế thừa và phát triển. Đây đều là những lễ hội đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Điểm nhấn của Lễ hội xuống đồng là Hội thi bơi thuyền chải được tổ chức trên sông Cửa Đình (phường Phong Cốc), trở thành hoạt động văn hóa, thể thao dân gian vô cùng đặc sắc của làng đảo Hà Nam với ước muốn cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng tốt tươi. Trong đó, nội dung bơi sào là nét đặc trưng riêng có ở Quảng Yên mà không vùng miền nào khác trên cả nước có được.
Ông Ngô Thanh Tùng, người dân khu 2, phường Phong Cốc, cho biết: Ngày xưa, khi sinh ra mảnh đất Hà Nam này thì hệ thống giao thông đường bộ hầu như không có mà dân cư di chuyển chủ yếu bằng đường thủy, trên thuyền gỗ hoặc thuyền nan. Thuyền nan dùng mái chèo để chèo, sinh ra bộ môn bơi dầm, còn thuyền gỗ phải dùng cây sào để đẩy, sinh ra bơi sào. Đây cũng là hoạt động thể thao rèn luyện sức khỏe cho người dân lao động và đồng thời là lễ hội đặc sắc của địa phương.
Có tham gia vào lễ hội xuống đồng của địa phương mới thấy hết được cái rộn ràng, náo nức của hội làng trong phố. Trước lễ hội cả tháng trời, người dân đã bắt đầu tập luyện cho phần thi bơi chải. Chiều nào sông Cửa Đình trước cửa đình Cốc cũng rộn ràng tiếng nói cười, tiếng trống hội. Không chỉ thanh niên mà cả những người trung niên còn sức khỏe vẫn hăng hái tham gia bơi chải.
Người dân vùng đảo Hà Nam quan niệm, bơi thuyền chải trong lễ hội xuống đồng là một nét văn hóa dân gian truyền thống, tạo tinh thần đoàn kết, nhất trí cao trong cộng đồng để làm thủy lợi, chống chọi lại thiên nhiên khắc nghiệt, bảo vệ đê điều, mùa màng. Qua đó động viên, khích lệ tinh thần lao động sản xuất của nhân dân sau một vụ mùa bội thu và chuẩn bị cho vụ mùa mới.
Những giá trị văn hóa truyền thống của địa phương cũng được gìn giữ và trao truyền tới thế hệ trẻ thông qua hoạt động trải nghiệm bơi thuyền chải trên sông dành cho thanh, thiếu niên do phường Phong Cốc triển khai, hay những lớp học hát đúm cho các em học sinh ở đủ mọi lứa tuổi, qua đó các em cũng hiểu hơn về những nét văn hóa đặc sắc của địa phương mình, thêm yêu những lễ hội, những làn điệu quê hương.
Văn hóa làng đảo qua bao đời vẫn được người dân hôm nay gìn giữ theo cách đó, trở thành một phần hơi thở làng quê trong nhịp sống phố phường hiện đại. Làng Phong Lưu xưa, phường Phong Cốc hôm nay đã được bồi đắp thêm những giá trị văn hoá mới, mang gương mặt của đô thị mới, nhưng vẫn còn đó những nếp nhà mái ngói đỏ, những căn nhà gỗ ba gian, những hộ gia đình lưu giữ nghề thủ công truyền thống, những địa danh thân thuộc như đình Cốc, chợ Cốc, cầu Miếu, Cầu Chỗ… thắm đượm hồn quê, là nỗi nhớ, là niềm tự hào của người làng Cốc hôm nay và mai sau.