Thời gian qua, triển khai nhiều giải pháp quyết liệt các đơn vị, lực lượng chức năng tập trung đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm về kinh tế, tham nhũng.
Các lực lượng chức năng đã áp dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ phát hiện và bắt giữ, xử lý nghiêm các vi phạm và tội phạm về kinh tế, tham nhũng. Công tác phối hợp, đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm và giải quyết tin báo tố giác tội phạm được đặc biệt chú trọng. Qua đó, đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án về tham nhũng, kinh tế, sở hữu xảy ra trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, qua thực hiện chức năng, nhiệm vụ, các đơn vị ban hành kiến nghị phòng ngừa với các cơ quan quản lý nhà nước trong việc phòng ngừa vi phạm, tội phạm, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực: Quản lý tài sản nhà nước, quản lý tài chính, kế toán, quản lý thuế… Các kiến nghị đều được cơ quan có liên quan tiếp thu, góp phần tích cực trong công tác phòng ngừa tội phạm và vi phạm về kinh tế, tham nhũng.
6 tháng đầu năm 2024 toàn tỉnh khởi tố 211 vụ/240 bị can về tội phạm kinh tế, sở hữu; tăng 40 vụ (23,4%), 5 bị can (2,13%) so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, tội xâm phạm sở hữu khởi tố 156 vụ/137 bị can, tăng 17 vụ so với cùng kỳ; đáng lưu ý tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” khởi tố 60 vụ/18 bị can, tăng 22 vụ so với cùng kỳ. Theo cơ quan chức năng, nguyên nhân gia tăng tội phạm này chủ yếu do sự phát triển bùng nổ của các trang mạng xã hội, dẫn đến việc các đối tượng lợi dụng để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi. Nổi lên ở nhóm tội này là hình thức giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát, toà án, thuế… đe dọa bị hại và yêu cầu chuyển tiền vào các tài khoản do chúng chỉ định để phục vụ điều tra; rủ rê người bị hại tham gia đầu tư tiền ảo, kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Tiktok, Facebook… để được hưởng hoa hồng, sau đó yêu cầu bị hại chuyển số tiền lớn rồi chiếm đoạt. Đặc biệt, xuất hiện thủ đoạn lừa đảo bằng hình thức rủ rê đăng ký tham gia các giải chạy, trải nghiệm đào tạo phi công…, sau đó mua sản phẩm để ủng hộ nhà tài trợ, rồi đưa ra nhiều lý do yêu cầu người bị hại chuyển tiền.
Cơ quan chức năng đã khởi tố 51 vụ/99 bị can về tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tăng 25 vụ/24 bị can so với cùng kỳ 2023; trong đó tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” khởi tố 17 vụ/26 bị can, tăng 14 vụ, 16 bị can. Thông qua việc mở hiệu cầm đồ, các đối tượng cho nhiều người vay tiền bằng các hình thức “vay lãi nằm”, “vay trả góp”, “vay nóng”, “bốc bát họ” với lãi suất từ 3.000-6.667 đồng/triệu đồng/ngày (tương đương 109,5%-243,3%/năm) để thu lời bất chính. Điển hình là vụ Ngô Văn Bằng, Bùi Thanh Mạnh, Bùi Văn Thân có hành vi sử dụng 943 triệu đồng cho 33 người vay với hình thức vay “lãi nằm”, mức lãi từ 3.000-4.000 đồng/triệu đồng/ngày, thu lời trên 491 triệu đồng, trong đó lãi suất vượt quá 20%/năm theo quy định của Điều 468 Bộ luật Dân số (tiền thu lời bất chính trên 416 triệu đồng).
Nhóm tội phạm tham nhũng, chức vụ có chiều hướng giảm, cơ quan chức năng đã khởi tố 3 vụ/5 bị can, giảm 3 vụ/13 bị can so với cùng kỳ. Điển hình, vụ Phạm Mạnh Quân được BQL Dự án đầu tư xây dựng TX Đông Triều tuyển dụng phân công làm việc tại bộ phận kỹ thuật tư vấn giám sát với nhiệm vụ thực hiện các công tác chuẩn bị đầu tư. Năm 2019 khi thực hiện dự án lựa chọn đơn vị lập hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu gói thầu dưới 500 triệu đồng, Quân đã thông đồng với nhân viên Công ty CP Tư vấn 889 lập hồ sơ năng lực “khống” của Công ty nhằm mục đích để Công ty đủ điều kiện được ký hợp đồng thực hiện 9 gói thầu tư vấn đấu thầu. Tổng số tiền BQL Dự án đã thanh toán cho 9 gói thầu là trên 363 triệu đồng. Quân bị cơ quan chức năng khởi tố về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Thời gian tới, các lực lượng tiếp tục triển khai quyết liệt đồng bộ các giải pháp, biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ và phòng ngừa xã hội, kết hợp với các biện pháp quản lý hành chính, đẩy mạnh ứng dụng KHCN, chuyển đổi số, chủ động đấu tranh phòng chống tội phạm.