“Mùa hè đẹp nhất’ và các phim Việt khác đều thua lỗ, nhường lại phòng vé cho phim ngoại. Phim rạp Việt vẫn chưa tìm ra cách thu hút khán giả vào mùa hè.
Phim Việt không có dòng phim mùa hè? Câu hỏi được đặt ra khi những bộ phim mang không khí mùa hè bởi tính chất sôi động hoặc hoài niệm như Móng vuốt hay Mùa hè đẹp nhất đều thất thu.
Các phim Việt khác có hơi hướng kinh dị, dân gian đều lùi lịch chiếu vào mùa thu, Halloween hoặc tháng 10, 11 để có khả năng đạt doanh thu tốt hơn.
Qua mùa hè, nhiều phim Việt có nội dung hứa hẹn hơn mới đổ bộ rạp. Đó là hai phim kinh dị tâm linh có yếu tố dân gian như Con Cám (25-10), Linh miêu (22-11) – lối đi khá hợp gu khán giả Việt trong năm qua, phim lãng mạn thanh xuân Ngày xưa có một chuyện tình (18-10) chuyển thể từ tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh…
Mùa hè không đẹp của phim Việt
Trong mùa hè này, phim Việt có Đóa hoa mong manh, Cái giá của hạnh phúc, B4S – Trước giờ yêu, Lật mặt 7: Một điều ước, Án mạng lầu 4, Móng vuốt và Mùa hè đẹp nhất ra rạp.
Trừ Lật mặt 7 lập kỷ lục doanh thu vào hàng top 2, top 3 phòng vé Việt nhờ thương hiệu có sẵn lâu năm của loạt phim và đạo diễn Lý Hải, còn lại đều là phim mới toanh và thua lỗ.
Án mạng lầu 4, Móng vuốt rời rạp sau thời gian ngắn ngủi trụ rạp với doanh thu lần lượt là 1,9 tỉ đồng và gần 3,9 tỉ đồng.
Chiếu được hai tuần, phim mới nhất trong số này là Mùa hè đẹp nhất mới đạt 3,6 tỉ đồng.
Không chỉ có chữ “mùa hè” trong tên phim, bộ phim còn có nội dung hướng đến học sinh sinh viên, với câu chuyện hoài niệm thời thanh xuân.
Nhưng Mùa hè đẹp nhất vẫn chưa thể thu hút đông đảo khán giả Việt, trừ một số nhóm khán giả có tuổi.
Trong các buổi cinetour, các khán giả U60, U70 cho biết họ thấy phim quen thuộc, xúc động.
Móng vuốt cũng là một phim phù hợp với mùa hè khi kể về nhóm bạn U30 trong một chuyến dã ngoại băng rừng. Phim mang không khí phiêu lưu, được bồi đắp cảm xúc bởi nhạc phim thuần rock máu lửa, nhiều cảnh quay kịch tính.
Một phim như vậy vốn phù hợp cho khán giả trẻ, nhóm bạn trẻ rủ nhau đến rạp, nhưng tiếc là thể loại sinh tồn chưa được chào đón ở Việt Nam.
Nhưng những bộ phim này của Việt Nam chìm nghỉm trước những cơn sốt phim ngoại như Doraemon: Nobita và bản giao hưởng địa cầu, Inside Out 2, Gia tài của ngoại, Cửu Long thành trại: Vây thành, Vùng đất câm lặng: Ngày một, Kẻ trộm mặt trăng 4…
Rõ ràng khán giả vẫn đến rạp và đến rất đông để xem phim ngoại, giúp phim ngoại đạt các cột mốc doanh thu lớn ở Việt Nam, là thực tế đáng buồn cho phim Việt.
Mùa hè chưa kết thúc
Trước mắt, mùa hè của điện ảnh Việt chưa kết thúc khi có hai phim lên lịch ra rạp là Ma da (16-8) và Làm giàu với ma (30-8).
Ma da kể về hành trình của bà Lệ (Việt Hương), người làm nghề vớt xác, đưa người đã mất trên sông về với gia đình. Nhưng bi kịch xảy ra khi bé Nhung, con của bà Lệ, bị “ma da kéo giò”.
Cách đó không lâu, bà Lệ đã được người thầy (nghệ sĩ Trung Dân) cảnh báo dấu hiệu tai ương. Có bí ẩn gì đằng sau khiến bà Lệ phải trả giá đắt?
Đóng vai chính trong phim, nghệ sĩ Việt Hương lăn xả với tạo hình khắc khổ, thô kệch và ngâm mình trong nước liên tục từ cảnh đêm đến cảnh ngày ở Cà Mau. Ngoài ra, phim còn có các diễn viên như NSƯT Thành Lộc, Cẩm Ly, nghệ sĩ Diệu Đức…
Còn Làm giàu với ma là phim hài tâm linh, gây cảm giác khá quen thuộc khi kể câu chuyện về hai cha con Lanh (Tuấn Trần) và ông Đạo (NSƯT Hoài Linh).
Lanh là anh chàng lêu lổng, chơi đá gà, xổ số và giao kèo với ma nữ Na (Diệp Bảo Ngọc) để làm giàu. Có lúc anh bị bố xích chân, không cho ra ngoài.
Còn quá sớm để dự báo về thành tích phòng vé của Ma da hay Làm giàu với ma. Sự trở lại của nghệ sĩ lâu năm như Hoài Linh với điện ảnh cũng khiến người ta tò mò về cách khán giả đón nhận.
Thực tế phòng vé Việt cho thấy tên tuổi các diễn viên nổi tiếng cũng không còn là bảo chứng cho doanh thu, chỉ có tên tuổi đạo diễn, nhà sản xuất (như Trấn Thành, Lý Hải, Victor Vũ, Thu Trang, Võ Thanh Hòa, Vũ Ngọc Đãng…) mới đủ sức hút với khán giả nhưng cũng tùy tác phẩm.