“Trạm cứu hộ trái tim” kể về hành trình phục thù người chồng ngoại tình và chữa lành của nữ chính do Hồng Diễm đóng. Tuy nhiên, sau 14 tập phim khán giả đang ngán ngẩm với cách mà kịch bản đang diễn ra.
Bộ phim giờ vàng VTV3 Trạm cứu hộ trái tim gây tranh cãi từ những ngày đầu phát sóng. Phim bị cho là bi kịch hóa quá mức đời sống hôn nhân, xây dựng nhân vật nam chính Nghĩa (Quang Sự đóng) tha hóa cùng cực, trong khi đó nữ chính Ngân Hà do Hồng Diễm thủ vai lại ngây thơ, ngốc nghếch vì quá tin chồng.
Thế nhưng, nhìn nhận sâu hơn, bộ phim đang khiến nữ giới trở nên xấu xí đi trong mắt khán giả. Khi mà ở đó, phụ nữ chỉ là bàn đạp để nam chính trả thù. Và trong quá trình lấy lại những gì đã mất, nữ chính phải nhờ tới sự giúp đỡ của “nam thần, đại gia” khác.
Những người phụ nữ bất hạnh
Hai người phụ nữ nổi bật nhất trong Trạm cứu hộ trái tim chính là Ngân Hà và An Nhiên (Lương Thu Trang đóng), có thể nói cả hai đều là nạn nhân của Nghĩa.
An Nhiên yêu Nghĩa trước, nhưng phải chấp nhận cuộc sống gái một con để Nghĩa tiếp cận Hà nhằm lên kế hoạch trả thù suốt 6 năm. Hàng đêm, cô phải sống cô đơn một mình, trong khi người cô yêu, cha của con cô lại đang âu yếm, lấy lòng một phụ nữ khác.
Nỗi ghen tuông dằn vặt An Nhiên trong suốt 6 năm, kể cả khi Nghĩa đã về bên cô, cô vẫn không thôi bị ám ảnh quãng thời gian Nghĩa còn bên Hà và nghi ngờ sự chung thủy của anh ta. Đây có phải là cái giá mà An Nhiên phải trả. An Nhiên được xây dựng như một nữ phản diện mưu mô, chuyên chọc ngoáy vào nỗi đau của người khác, tìm mọi cách hành hạ Ngân Hà để thỏa nỗi ghen tỵ.
Nhưng, người đẩy An Nhiên vào tình huống trớ trêu đó là Nghĩa chứ không phải Ngân Hà. Vậy nhưng, người cô muốn đối phó lại là một phụ nữ cũng chịu tổn thương như mình.
Đây chính là sự thiếu nhân văn trong kịch bản của Trạm cứu hộ trái tim.
Trong khi phim truyền hình các nước đang ngày càng hướng tới việc truyền bá những năng lượng tích cực, phong trào “girls help girls” được đề cao thì kịch bản của VTV thúc đẩy phụ nữ đối phó với nhau vì tranh giành một người đàn ông độc hại.
Ngay cả Ngân Hà, người thường xuyên bị khán giả chỉ trích vì ngu ngốc khi tin chồng một cách quá mức, thực tế cũng không đáng nhận những lời chê bai như vậy. Có người phụ nữ nào khi đã kết hôn, đang sống hạnh phúc lại luôn giữ lòng đề phòng chồng. Phụ nữ có sai không khi sống hiền lành, an phận, đảm đang. Những đức tính tốt đó, qua bàn tay của biên kịch bỗng chốc biến thành điểm yếu để khán giả chỉ trích Ngân Hà.
Ngân Hà là nạn nhân lớn nhất trong vở kịch của Nghĩa, nhưng cô không nhận được sự đồng cảm của khán giả bởi kịch bản biến Ngân Hà thành người yếu đuối, thiếu nhạy cảm và vô dụng quá mức.
Bên cạnh đó, trong hành trình lấy lại những gì đã mất của mình, Ngân Hà cũng gặp nhiều khó khăn và ngay sau đó là sự trở về của Vũ (Thanh Long) giống như màn anh hùng cứu mỹ nhân thường xuyên xuất hiện trên màn ảnh. Vũ không chỉ giúp Ngân Hà tìm luật sư, động viên an ủi cô, còn đồng hành cùng cô trong các hoạt động thiện nguyện.
Kịch bản Trạm cứu hộ trái tim đặt ra khó khăn thử thách để Ngân Hà trưởng thành, trong quá trình đó giúp đỡ bố và lấy lại công ty. Nhưng kịch bản không để Ngân Hà tự lực tự lập đạt được thành công mà vẫn để nữ chính núp bóng đàn ông. Đây là cách làm yếu đi vai trò của nữ giới trong phim, cũng là một kiểu ám thị phụ nữ luôn cần đàn ông trong cuộc sống.
Thiếu những kịch bản tập trung vào sự nghiệp, tính độc lập của nữ giới
Tại các nước có nền giải trí phát triển như Hàn Quốc, Trung Quốc, không thiếu những kịch bản lấy phụ nữ làm trung tâm. Trong đó, người phụ nữ tập trung phát triển sự nghiệp, một mình đấu lại những người đàn ông luôn khinh thường mình như Gió thổi Bán Hạ, hay hình ảnh người phụ nữ thất bại trong hôn nhân nhưng tự mình đứng ra kinh doanh làm giàu hoặc lựa chọn sự nghiệp thay vì tình yêu như trong Ba mươi mà thôi. Những kịch bản đó được yêu thích khắp châu Á nhờ tôn vinh sự độc lập của phụ nữ một cách cao nhất.
Trong khi đó, kịch bản trên phim giờ vàng VTV thiếu những phim tập trung vào một chuyên ngành rõ ràng mà thường lấy công việc, công ty làm bối cảnh để triển khai các tình tiết yêu đương hận thù.
Trong phim gần đây như Chúng ta của 8 năm sau, nữ chính là kiến trúc sư nhưng cũng không có nhiều phân cảnh làm việc và thăng tiến của cô mà chủ yếu là cảnh tình cảm với cha và người yêu cũ. Thậm chí, nữ chính và hai nữ phụ khác đều suýt bị nhân vật nam trong phim cưỡng hiếp với những lý do khác nhau.
Ngoài ra, trong phim nam chính do Mạnh Trường đóng luôn xuất hiện kịp thời để giải cứu Huyền Lizzie, tuy nhiên, những tình tiết này diễn ra nhiều tới mức khán giả ngán ngẩm và cho rằng nhân vật này chẳng có việc gì làm ngoài theo dõi bạn gái cũ.
Nội dung kịch bản như trên nhằm tạo sự kịch tính cho bộ phim, nhưng bị đánh giá là lạm dụng cảnh sốc, đồng thời không tôn trọng nữ giới.