Theo truyền thông, phim Hàn Quốc dành cho giới trẻ ngày càng trở nên hiếm hoi.
Theo Hankook Ilbo, xu hướng già hóa đang được thể hiện rõ trong các bộ phim Hàn Quốc lên sóng gần đây – nơi các vai chính thường được giao cho các diễn viên đã thành danh ở độ tuổi 40 và 50.
Đơn cử vào ngày 10.8, JTBC đã ra mắt phim truyền hình cuối tuần mới “Romance in the House” (Chuyện gia đình tôi) với sự tham gia của diễn viên Kim Ji Soo (51 tuổi) và Ji Jin Hee (53 tuổi), xoay quanh câu chuyện về một cặp đôi đã li hôn.
Ngày 12.8, ENA đã công chiếu bộ phim “Your Honor” (Ông bố đối đầu) với sự tham gia của bộ đôi tài tử kì cựu Son Hyun Joo (59 tuổi) và Kim Myung Min (51 tuổi) trong vai chính, tập trung vào tình yêu thương của 2 ông bố.
Tương tự, phim mới của KBS – “Perfect Family” (Gia đình hoàn hảo) bắt đầu phát sóng vào ngày 14.8 với sự góp mặt của Kim Byung Chul (50 tuổi) và Yoon Se Ah (46 tuổi) trong vai cặp vợ chồng bị cuốn vào một vụ án mạng.
Hankook Ilbo ước tính, độ tuổi trung bình của 6 diễn viên chính trong 3 bộ phim truyền hình mới ra mắt là 51,6 tuổi. Điều này cho thấy, nội dung phim Hàn Quốc hiện đang phù hợp với sự thay đổi về nhân khẩu của đất nước – đang già đi.
Trước đó, Cục Thống kê Hàn Quốc cho biết, độ tuổi trung bình của dân số đã tăng lên 45,7 tuổi, cao gấp đôi so với độ tuổi trung bình năm 1980 là 21 tuổi. Vào tháng 7, số người từ 65 tuổi trở lên đã vượt quá 10 triệu, đưa nước này tiến gần hơn đến việc trở thành một xã hội siêu già.
Đây cũng là thách thức mới của điện ảnh Hàn Quốc, khi phim truyền hình dành cho giới trẻ ngày càng trở nên hiếm hoi. “Thật khó để tìm được những bộ phim truyền hình mà các diễn viên trẻ lên tiếng về mối quan tâm và câu chuyện của thế hệ họ.
Ngay cả những bộ phim truyền hình nổi tiếng, được bàn tán nhiều nhất trong nửa đầu năm nay cũng chủ yếu tập trung vào xung đột và mối quan hệ của người lớn tuổi hơn là những trải nghiệm của người trẻ tuổi” – báo Hàn nhận xét.
Theo đó, những bộ phim truyền hình như “Queen of Tears” (Nữ hoàng nước mắt), xoay quanh câu chuyện hàn gắn tình yêu giữa một cặp đôi đã li hôn, hay “Marry My Husband” (Kết hôn với chồng), kể về màn trả thù của người vợ với ông chồng không chung thủy là những ví dụ cho xu hướng này.
Dù vẫn có những chuyện tình lãng mạn thời trẻ trong “Lovely Runner” (Cõng anh mà chạy), hay “Twinkling Watermelon” (Dưa hấu lấp lánh), “Twenty-Five Twenty-One” (Tuổi 25, Tuổi 21), “Our Beloved Summer” (Mùa hè yêu dấu của chúng ta)… tuy nhiên, câu chuyện chủ yếu xoay quanh những chủ đề được khán giả ở độ tuổi 30 và 40 hưởng ứng.
Nói về điều này, nhà phê bình văn hóa Kim Heon Sik cho biết: “Khi phim truyền hình dành cho thanh thiếu niên ngày càng ít đi, những câu chuyện về người trẻ đã được đưa vào các bộ phim truyền hình nhắm đến đối tượng khán giả ở độ tuổi 30 và 40.
Trong khi đó, những người ở độ tuổi thiếu niên và 20 – đang dẫn đầu xu hướng trên mạng xã hội và phim truyền hình trực tuyến, họ sẽ thích xem những nội dung ngoài chương trình truyền hình truyền thống”.
Theo Kim Heon Sik, để các phim truyền hình về giới trẻ thành công, ngoài việc nhà sản xuất lưu tâm trong khâu tuyển chọn, nội dung của các dự án cần sự mới mẻ, thu hút được nhiều khán giả hơn, từ đó thu hẹp khoảng cách giữa các thế hệ.