Phim Việt “Biệt đội hot girl” – có cố NSND Hoàng Dũng – bất ngờ được phát hành sau nhiều năm bị trì hoãn. Dù được đầu tư với dàn diễn viên đa quốc gia, tác phẩm lại gây thất vọng vì nội dung thiếu hấp dẫn, kịch bản nhiều lỗi, đẩy doanh thu rơi vào cảnh ế ẩm.
Biệt đội hot girl là phim Việt bất ngờ ra rạp trong sự ngỡ ngàng của khán giả. Bởi lẽ, tác phẩm từng dự kiến ra rạp năm 2021 nhưng bị dời lịch vô thời hạn do dịch Covid-19.
Phim được quảng bá là dự án hành động được đầu tư lớn, hợp tác với nước ngoài, quy tụ dàn diễn viên đa quốc gia với bối cảnh trải dài ở năm nước châu Á. Đây cũng là phim điện ảnh cuối cùng của cố NSND Hoàng Dũng trước khi ông qua đời.
Đáng tiếc, tác phẩm lại bị khán giả ghẻ lạnh khi ra mắt, có doanh thu bết bát. Phản hồi của những khán giả đã mua vé xem phim cũng không tốt.
Quá nhiều điểm trừ
Nội dung phim khá đơn giản, kể lại câu chuyện của sáu cô gái đến từ ba nước châu Á, gồm Yi Yung (Yu Chu), Hi Nê (Ái Vân), Sùng Mị (Thùy Trang), Belana (Ánh Minh), Keo Suvan (Sam Sony) và Saleha (Bảo Uyên).
Họ được cao thủ ẩn danh Hắc Vô Đạo (Mr. Kim) nhận nuôi từ khi còn nhỏ nên không biết thân phận của mình ra sao, cha mẹ thế nào.
Cả nhóm trưởng thành dưới sự dẫn dắt của Hắc Vô Đạo trên một hoang đảo. Lớn lên, các cô gái cũng khao khát yêu thương, được khám phá thế giới nhưng số phận buộc họ phải thực hiện những công việc mạo hiểm, đe dọa tính mạng.
Trong một phi vụ, nhóm bị tên trùm Sakun (Nguyễn Trần Duy Nhất) truy đuổi nhưng được sát thủ Chiến (Hữu Vi) giúp đỡ, đồng thời rơi vào hành trình giải cứu những đứa trẻ vô tội bị bắt cóc.
Cốt truyện của Biệt đội hot girl khá quen thuộc, gợi nhớ nhiều tác phẩm cùng dòng. Gần nhất, phim hành động Thanh Sói (2022) cũng sử dụng mô-típ này để triển khai kịch bản.
Tác phẩm đi theo công thức chung của nhiều phim Việt khi kết hợp nhiều thể loại như hành động, hình sự, tình cảm, hài hước… để dẫn dắt câu chuyện. Điều đó khiến nội dung thiếu nhất quán, tạo cảm giác lộn xộn.
Kịch bản mắc phải nhiều lỗi phi lý, đơn cử như nhân vật chiến đấu trong rừng nhưng ăn mặc gợi cảm, không ngại khoe cơ thể như đang ở vũ trường. Nhiều cảnh quay trong nhà hàng, khách sạn khiến các sát thủ giống đi du lịch hơn là đi làm nhiệm vụ.
Lời thoại cũng là điểm trừ. Các nhân vật nói chuyện thiếu tự nhiên, chọc cười bằng những tình huống kém duyên, gây mất thiện cảm với người xem.
Phim có bối cảnh khá đa dạng, trải dài từ Việt Nam sang Hàn Quốc, Campuchia, Indonesia, Maylaysia và Myanmar. Song, mỗi quốc gia chỉ xuất hiện chóng vánh và không nổi bật.
Theo ê-kíp, các nữ diễn viên chính phải trải qua gần một năm huấn luyện võ thuật, lái xe, bơi lội, bắn súng, đu dây… Họ cũng mạnh dạn thực hiện các pha hành động mạo hiểm trong phim mà không cần diễn viên đóng thế.
Song, các cảnh hành động trong phim được xử lý khá sơ sài, kỹ xảo kém ấn tượng nên không tạo được cảm giác kịch tính cần có. Cũng có một vài phân đoạn khá bạo lực khiến phim dán nhãn T16 (cấm khán giả dưới 16 tuổi) khi ra rạp.
Diễn xuất nhạt nhòa
Dàn diễn viên nữ chính trong phim đều là những tên tuổi xa lạ, bao gồm Bảo Uyên, Tuệ Minh, Thùy Trang, Ái Vân hay nữ diễn viên người Campuchia Sam Sony. Trong đó, có những người lần đầu chạm ngõ điện ảnh nên thiếu kinh nghiệm diễn xuất, xử lý nhân vật hời hợt.
Là dự án cuối cùng của cố NSND Hoàng Dũng nhưng ông chỉ xuất hiện chóng vánh. Tên tuổi nghệ sĩ chủ yếu được ê-kíp sử dụng để quảng bá, tăng độ phủ sóng cho phim.
Gương mặt đáng chú ý nữa là võ sĩ Nguyễn Trần Duy Nhất – được khán giả quan tâm sau khi tham gia chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai. Anh vào vai con trai của trùm ma túy Sakolat (cố NSND Hoàng Dũng). Nhưng sự xuất hiện của anh tài Duy Nhất cũng kém nổi bật, không đủ để cứu phim.
Ngoài ra, các gương mặt diễn viên phụ xuất hiện trong phim còn có Hữu Vi, Hoàng Sơn, Trần Ngọc Tú, Anna Linh, Yu Chu… nhưng đều chưa để lại nhiều ấn tượng.
Trước nay, dòng phim hành động vốn không phải là món ăn được khán giả Việt ưa chuộng như phim hài hay tình cảm, gia đình. Bằng chứng là Thanh Sói, 578: Phát đạn của kẻ điên (2022), Domino: Lối thoát cuối cùng (2024)… đều ngã ngựa tại phòng vé, thua lỗ nặng nề.
Biệt đội hot girl cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Khi phát hành, phim nhận nhiều lời chê về poster, trailer lẫn hình ảnh quảng bá. Tác phẩm khiến khán giả ngán ngẩm vì nội dung cũ kỹ, kịch bản nhiều sạn và diễn xuất cũng nhạt nhòa.
Theo thống kê của Box Office Vietnam (đơn vị quan sát phòng vé độc lập), phim không lọt nổi vào top 10 trên bảng xếp hạng doanh thu, trung bình mỗi ngày bán được hơn 100 vé.
Tính đến nay, tổng doanh thu phim chỉ đạt hơn 57 triệu đồng sau một tuần phát hành. Con số này khiến tác phẩm có mặt trong danh sách các phim Việt ế ẩm nhất lịch sử, còn thấp hơn cả Đoá hoa mong manh (430 triệu đồng) hồi đầu năm, chỉ nhỉnh hơn Huyền sử vua Đinh (42 triệu đồng) hai năm trước.
Nhìn chung, sự xuất hiện của Biệt đội hot girl càng làm cho khán giả thêm ngán ngẩm, phần nào mất lòng tin vào phim Việt. Với tình hình hiện tại, nhiều khả năng phim khó chạm đến cột mốc 100 triệu đồng, phải rút rạp sớm trong cảnh thua lỗ.