Ấn vàng triều Nguyễn Hoàng đế chi bảo chính thức được Pháp bàn giao cho Việt Nam. Hành trình hồi hương bảo vật gian nan và nhiều chuyện thú vị, đồng thời gợi lên không ít điều đáng bàn về hiện tượng “chảy máu” cổ vật.
Ấn vàng trở về từ Pháp
Sau hơn một năm đàm phán, thương thảo và thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan, ấn vàng Hoàng đế chi bảo đã được chuyển giao cho Việt Nam chiều 16/11 (giờ Pháp) tại Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp.
Công ty TNHH Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng (Bắc Ninh) được chọn là đại diện thực hiện các thủ tục tài chính về quyền lợi các bên liên quan đến ấn vàng Hoàng đế chi bảo theo pháp luật của Cộng hòa Pháp và thực hiện việc lưu giữ, trưng bày, phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia bảo vệ, phát huy giá trị của ấn vàng tại Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng theo quy định của Luật Di sản văn hóa.
Trước đó, ngày 12/11, Cục Di sản văn hóa đã xin phép và ký kết thỏa thuận về việc đàm phán mua ấn vàng Hoàng đế chi bảo từ Pháp đưa về Việt Nam và chuyển nhượng ấn cho nhà nước với Công ty TNHH Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng, với cam kết: “Bên A và cá nhân ông Nguyễn Thế Hồng cam kết và bảo đảm ấn vàng Hoàng đế chi bảo sẽ chỉ chuyển giao cho Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thông qua Bộ VHTTDL, trên cơ sở phù hợp với quy định của Điều 43 của Luật Di sản văn hóa, sau một thời gian phù hợp khi Bên A không còn nhu cầu sở hữu, trưng bày, phát huy giá trị tại Bảo tàng Hoàng Gia Nam Hồng, Bắc Ninh, Việt Nam”.
Theo Cục Di sản văn hóa trong thời gian tới, Cục sẽ tham mưu cho lãnh đạo Bộ VHTTDL nghiên cứu, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng danh mục cổ vật của Việt Nam bị đưa ra khỏi đất nước bất hợp pháp trong quá khứ và tham vấn Ban thư ký công ước Công ước 1970 của UNESCO về Danh mục, làm cơ sở tìm kiếm giải pháp đưa cổ vật Việt Nam từ nước ngoài về nước.
Không riêng ấn vàng Hoàng đế chi bảo, thời gian qua, nhiều chuyến hồi hương cổ vật thu hút sự quan tâm của cộng đồng như: nước Pháp trả lại chiếc bàn gỗ quý về Huế trong cuộc đấu giá năm 1989; Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế mua chiếc xe kéo đời vua Thành Thái và chiếc Long sàng của vua Khải Định vào năm 2015; năm 2021, mũ quan triều Nguyễn đã được một đơn vị tư nhân trong nước tặng UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế sau khi đấu giá thành công tại một nhà đấu giá ở Tây Ban Nha với số tiền gần 16 tỷ đồng…
PGS. TS Nguyễn Quốc Hùng, Nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cho biết, có cổ vật được trả tượng trưng, có cổ vật được mua qua đấu giá, có hiện vật được trao trả miễn phí… tuỳ vào cơ sở pháp lý mà Việt Nam có được về các cổ vật. “Điều đó cho thấy, việc Nhà nước ta phê chuẩn tham gia Công ước về các biện pháp ngăn cấm xuất nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa năm 1970 đã có tác dụng”, PGS.TS Nguyễn Quốc Hùng nhận định.
Hành lang pháp lý bảo vệ cổ vật Trong dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) quy định rõ bảo vật quốc gia thuộc sở hữu cá nhân, dòng họ và các hình thức sở hữu khác được mua bán, trao đổi, tặng cho và để thừa kế ở trong nước theo quy định của pháp luật. Điều 73 dự thảo nhấn mạnh, hoạt động mua bán di vật, cổ vật do Nhà nước thống nhất quản lý và tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân kinh doanh, mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia. “Nhà nước bảo hộ việc mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia đối với những di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia đã được đăng ký theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa; tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân thực hiện chuyển quyền sở hữu đối với di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia đã đăng ký và đăng ký đối với di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia mua bán có nguồn gốc hợp pháp chưa được đăng ký”, trích dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Việc bán đấu giá di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia phải được đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch trước khi tổ chức đấu giá. Việc tổ chức bán đấu giá di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia được thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu giá và pháp luật về dân sự. GIA LINH
|
Chủ động ngăn “chảy máu” cổ vật
Trước những lo ngại bảo vật quốc gia như ấn vàng Hoàng đế chi bảo sẽ bị bán ra nước ngoài nếu thuộc sở hữu tư nhân, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Trần Đình Thành khẳng định, không có chuyện “chảy máu” ấn vàng lần nữa.
Thông tư số 19/2012/TT-BVHTTDL ban hành ngày 28/12/2012 của Bộ VHTTDL đã quy định rõ: “Di vật, cổ vật bằng các chất liệu có giá trị, tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học thuộc các giai đoạn lịch sử Việt Nam trước tháng 9 năm 1945, trong đó có ấn tín, không được mang từ Việt Nam ra nước ngoài”. Loại di vật, cổ vật quy định tại Thông tư này không áp dụng đối với trường hợp di vật, cổ vật được mang ra nước ngoài để trưng bày, triển lãm, nghiên cứu hoặc bảo quản.
Các chuyên gia cho rằng, cần những giải pháp về cơ chế, sự chặt chẽ hơn ở các điều luật để ngăn chảy máu cổ vật, bảo vật quốc gia, gây khó khăn trong hành trình hồi hương. Tại hội nghị, hội thảo góp ý Luật Di sản văn hóa mới đây, PGS.TS Nguyễn Quốc Hùng đề xuất, thiết kế một vài điều luật quy định về việc tham gia các Công ước quốc tế về di sản văn hóa, trong đó có các Công ước, Hiến chương, Khuyến nghị …về bảo vệ cổ vật để làm cơ sở cho việc thành lập một tổ chức chuyên trách về việc nghiên cứu, tìm hiểu, lập hồ sơ các cổ vật của nước ta bị đánh cắp trong các thời kỳ trước đây và hiện nay bị xuất khẩu trái phép ra nước ngoài, hoặc nằm trong các bảo tàng, sưu tập tư nhân để chủ động đấu tranh hồi hương các cổ vật đó, bớt bị động như thời gian qua.
“Khi chúng ta có đầy đủ hồ sơ, tư liệu về một cổ vật hoặc một bộ sưu tập cổ vật được đưa ra nước ngoài trái phép sẽ dễ dàng hơn cho việc đấu tranh để hồi hương các cổ vật đó và cũng đỡ tốn kém hơn khi phải mua qua đấu giá như thời gian qua”, ông Hùng nói.
Nhà nghiên cứu, TS. Phạm Quốc Quân cho biết, việc tổ chức bán đấu giá di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, đâu đó đã được tổ chức ở các địa phương, thông qua những hội cổ vật ở một số tỉnh, thành phố hoặc một vài câu lạc bộ của những người yêu cổ ngoạn nhưng thiếu chuyên nghiệp, thiếu bài bản, với một mục đích khiêm tốn để gây quỹ ủng hộ người nghèo và những vùng thiên tai bão lũ. Thế nhưng, ngay cả cách làm như thế, gần đây, cũng vắng bóng hoặc thưa thớt.
Một số chợ đồ cũ tại TP.HCM, Hà Nội và một vài địa phương khác cũng đang có chiều hướng phát triển, nhưng chưa đem lại một bản sắc riêng như chúng ta đã thấy ở Pháp, ở Anh, ở Trung Quốc và nhiều quốc gia khác.
Sự lẫn lộn đồ thật, giả trong những cửa hàng còn quá nhiều, do không có sự minh bạch, nhiều điều được nghị định hướng dẫn cụ thể nhưng không thực hiện làm cho thị trường cổ vật thiếu lành mạnh. Những sưu tập tư nhân cũng như một cánh tay nối dài để gìn giữ cổ vật đất nước. Đấu giá di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia cũng được Luật và Nghị định thể hiện khá rõ ràng. Tuy nhiên, những cách làm trên đây của những hội, những câu lạc bộ, chỉ là nhất thời, thiếu chuyên nghiệp và bài bản.
T.S Phạm Quốc Quân cho rằng, nếu làm tốt được những sàn đấu giá cổ vật quy mô, thông qua kinh nghiệm đấu giá của những công ty có thâm niên của nước ngoài, những chuyên gia hàng đầu quốc tế, thị trường cổ vật sẽ minh bạch hơn, Nhà nước thu được thuế, những bảo tàng có đủ thông tin để sưu tầm được những cổ vật, di vật, bảo vật có giá trị, mà không mấy băn khoăn về nguồn gốc, xuất xứ, về sự đắt, rẻ qua dư luận.