Trong khuôn khổ Tuần lễ số quốc tế Việt Nam lần thứ 2 tại TP Hạ Long, sáng 12/12, Hội nghị bàn tròn về ứng dụng trí tuệ nhân tạo diện hẹp (Narrow AI Applications) đã được tổ chức với sự tham gia của đại diện các nước ASEAN và các nước đối thoại ASEAN, các tổ chức quốc tế, cùng nhiều doanh nghiệp công nghệ số trong và ngoài nước. Về phía tỉnh Quảng Ninh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tường Huy tham dự và phát biểu chào mừng.
Tuần lễ số quốc tế Việt Nam lần thứ 2 năm 2023 do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với tỉnh Quảng Ninh tổ chức nhằm thực hiện chương trình hợp tác quốc tế, triển khai các sáng kiến của Việt Nam thúc đẩy hợp tác khu vực, phát triển quan hệ đối tác số.
Diễn ra từ ngày 12 đến 15/12, sự kiện gồm chuỗi các hội nghị, hội thảo, diễn đàn quốc tế nhằm đối thoại, chia sẻ kinh nghiệm trong các vấn đề về hoạch định chính sách, chiến lược phát triển, công nghệ, nguồn nhân lực, thiết lập quan hệ đối tác hợp tác; đồng thời đề xuất các giải pháp đối với các thách thức và cơ hội lớn trong kỷ nguyên công nghệ số cho khu vực ASEAN và toàn cầu. Trong đó, hội nghị bàn tròn về “Phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo hẹp trong nền kinh tế số” (Narrow AI Application) vừa là sự kiện mở đầu và cũng là điểm nhấn của VIDW 2023.
Phát biểu chào mừng hội nghị, bên cạnh việc thông tin nhanh những thành tựu nổi bật của tỉnh trong phát triển KT-XH năm 2023 và thời gian gần đây, đồng chí Cao Tường Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, khẳng định: Thực hiện quan điểm của Chính phủ “Mỗi cơ quan, tổ chức và cả quốc gia cần tận dụng tối đa cơ hội để phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, trong đó, việc xác định sớm lộ trình và đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương có ý nghĩa sống còn, là cơ hội để phát triển các ngành, lĩnh vực, địa phương và nâng cao thứ hạng quốc gia. Đi nhanh, đi trước giúp dễ thu hút nguồn lực. Nếu đi chậm, đi sau, khi chuyển đổi số đã trở thành xu hướng phổ biến thì nguồn lực trở nên khan hiếm, cơ hội sẽ ít đi, sẽ bỏ lỡ cơ hội phát triển”… Tỉnh Quảng Ninh luôn xác định phát triển mạnh kinh tế số, từng bước đưa kinh tế số giữ vai trò chủ đạo trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh, là cơ hội để giải quyết các điểm nghẽn cũng như tạo đột phá trong phát triển. Phấn đấu đến năm 2030, tỷ trọng kinh tế số chiếm khoảng 35% GRDP của tỉnh.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh: Hội nghị bàn tròn Chính sách về trí tuệ nhân tạo với chủ đề “Phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo hẹp trong nền kinh tế số” trong khuôn khổ Tuần lễ số quốc tế Việt Nam lần thứ 2 được tổ chức tại Quảng Ninh là cơ hội để tỉnh Quảng Ninh được đón nhận, lắng nghe kinh nghiệm, giải pháp của các Bộ trưởng, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp trong thực hiện chuyển đổi số, phát triển chính quyền số – kinh tế số – xã hội số. Đây là cũng là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam, quốc tế kết nối, thiết lập quan hệ đối tác để cùng nghiên cứu, phát triển AI, giới thiệu các sản phẩm về AI do Việt Nam phát triển đến bạn bè quốc tế.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng cũng khẳng định: Thế giới hiện đang ở giai đoạn đầu của cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo. Một số chuyên gia trong lĩnh vực này tin rằng cuộc cách mạng AI sẽ mang tính biến đổi nhiều hơn tất cả các cuộc cách mạng nói trên trong 50 năm qua cộng lại. Nhiều quốc gia đã nhận ra tầm quan trọng của cuộc cách mạng AI và một số quốc gia đã có chiến lược AI quốc gia. Liên Hợp Quốc và Liên minh Viễn thông Quốc tế đã xác định AI là lĩnh vực hợp tác quan trọng và đã tổ chức nhiều hội nghị về chủ đề “AI for Good”.
Đồng chí Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam cũng nhấn mạnh: Trong bối cảnh AI đang tạo ra những sự thay đổi to lớn từng giờ trên toàn thế giới, AI vừa là cơ hội song cũng là thách thức. Việc quản lý hiệu quả, tận dụng tốt những lợi thế của AI sẽ định hình tương lai và mang đến chất lượng sống tốt hơn. Song, trong cuộc Cách mạng AI, cũng rất cần sự hợp tác, chia sẻ của các quốc gia, nhất là trong việc chia sẻ kinh nghiệm quản lý, hạn chế rủi ro, tối ưu hóa lợi ích mà AI mang lại. Hợp tác là trung tâm của sự đổi mới. Tuần lễ số quốc tế Việt Nam lần thứ 2 có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc trao đổi kiến thức, tạo cơ hội kết nối, chia sẻ chuyên môn, nắm bắt cơ hội học hỏi lẫn nhau, từ đó thúc đẩy môi trường hợp tác giữa các quốc gia trong lĩnh vực AI.
Với chủ đề chính là AI – chủ đề hiện đang thu hút sự quan tâm lớn nhất từ giới công nghệ đến các nhà hoạch định chính sách trên toàn thế giới, hội nghị có sự tham dự của nhiều đại diện từ các cơ quan quản lý cấp quốc gia, đại sứ, chuyên gia đến từ 22 quốc gia trên thế giới; các tổ chức quốc tế lớn như World Bank, Tổ chức Viễn thông châu Á – Thái Bình Dương APT, Liên minh Viễn thông Quốc tế ITU… các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu như Nvidia APAC.
Trọng tâm là chia sẻ việc triển khai ứng dụng AI thực tế, phổ cập AI của các nước, kinh nghiệm trong quản lý, ứng dụng, các thực tiễn tốt, mô hình, giải pháp đột phá để phát triển Narrow AI Applications; chia sẻ nhiều thông điệp về định hướng phát triển ứng dụng AI diện hẹp, các mô hình thực tế triển khai thành công ở các nước, đồng thời đưa ra các giải pháp tổng thể. Đại diện các doanh nghiệp trong nước và quốc tế cũng giới thiệu các sản phẩm AI điển hình đã được triển khai thành công.
Bà Sharmista Appaya, đại diện Ngân hàng Thế giới đưa thông điệp: Các nhà hoạch định chính sách nên cân nhắc việc trực tiếp tham gia thông qua Quy chế thử nghiệm Sandbox, thúc đẩy sự hợp tác và quản trị hiệu quả: “Thách thức lớn là quy tắc ứng xử về AI vẫn đang trong quá trình được phát triển, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số thường xuyên bị thiếu dữ liệu, thiếu hiểu biết về bối cảnh và các vấn đề về đạo đức, quy định và tiêu chuẩn phù hợp. Tuy nhiên, sẽ có một vấn đề cần chú ý đó là khoảng cách về kỹ năng, các chính phủ cần theo kịp tiến bộ công nghệ để có thể quản trị AI một cách hiệu quả và chặt chẽ…
Tầm quan trọng của AI trong việc thúc đẩy sự thay đổi và đột phá tiếp tục được khẳng định. Tác động biến đổi của AI trong các ngành công nghiệp sẽ vượt xa những tiến bộ công nghệ đơn thuần, giúp nâng cao khả năng sáng tạo và dự đoán nhu cầu của thế giới, mang lại những lợi ích kinh tế lớn cũng như tạo ra những sự thay đổi trong quản lý, cung cấp các dịch vụ xã hội. Nhấn mạnh nội dung này, ông KonDo Masanori, Tổng thư ký Cộng đồng Viễn thông châu Á – Thái Bình Dương (APT), cho rằng: “Tầm quan trọng của Narrow Al nằm ở tác động biến đổi của nó trong các ngành công nghiệp, vượt ra ngoài những tiến bộ công nghệ đơn thuần. Nó khuyến khích chúng ta hình dung một thế giới nơi Al nâng cao khả năng sáng tạo và dự đoán nhu cầu của chúng ta. Các ứng dụng Al hẹp đã xúc tác cho những thay đổi sâu sắc trong các ngành công nghiệp toàn cầu…”
Song, bên cạnh đó, ứng dụng AI cũng đặt ra vấn đề cần phải giải quyết như các mối lo ngại về quyền riêng tư dữ liệu, sự phụ thuộc quá mức vào AI, khả năng bảo mật. Chia sẻ thêm về nội dung này, ông KonDo Masanori, nói: “Bản chất thực sự không chỉ nằm ở những gì Narrow Al có thể đạt được, mà còn ở cách chúng ta khai thác khả năng của nó một cách có trách nhiệm… Cùng với việc xác định lại các lĩnh vực hoạt động và tính đến lợi ích kinh tế, chúng ta cũng phải giải quyết các mối lo ngại như quyền riêng tư dữ liệu, sự thiên vị, sự phụ thuộc quá mức và bảo mật… Việc sử dụng Al hẹp có trách nhiệm có thể dẫn đến một tương lai tươi sáng hơn, sáng tạo hơn”.
Bên cạnh những thách thức, việc khai thác AI vẫn được kỳ vọng sẽ trở thành động lực tạo ra sự thay đổi tích cực, thúc đẩy đổi mới, tính toàn diện và tăng trưởng bền vững trên quy mô toàn cầu thông qua sự hợp tác, chia sẻ, hiểu biết lẫn nhau. Bà Mercedes White, Trưởng phòng Mạng lưới Thương mại Kỹ thuật số khu vực Đông Nam Á, Sở Kinh doanh và Thương mại Vương quốc Anh, chia sẻ: “Trong bối cảnh năng động của chuyển đổi kỹ thuật số và khám phá tiềm năng to lớn của Al thu hẹp, Vương quốc Anh kiên định với cam kết thúc đẩy hợp tác toàn cầu. Chúng tôi gửi lời mời cởi mở đến cộng đồng quốc tế cùng chung tay tạo ra một môi trường thuận lợi không chỉ khai thác những lợi ích đáng kinh ngạc của Al hẹp, mà còn giải quyết một cách hiệu quả những rủi ro vốn có của nó. Bằng cách làm việc cùng nhau, chia sẻ hiểu biết sâu sắc và tận dụng chuyên môn tập thể, chúng ta có thể định hình một tương lai nơi trí tuệ nhân tạo trở thành động lực tạo ra sự thay đổi tích cực, thúc đẩy đổi mới, tính toàn diện và tăng trưởng bền vững trên quy mô toàn cầu”.
Tại hội nghị, các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam cũng có dịp giới thiệu và quảng bá các sản phẩm, giải pháp, ứng dụng AI nổi bật, tìm kiếm cơ hội kết nối, thiết lập quan hệ đối tác với các doanh nghiệp công nghệ quốc tế để cùng nghiên cứu và phát triển Narrow AI.
Ông Trần Mạnh Quân, Phó Giám đốc Khối nền tảng trợ lý ảo, Trung tâm Dịch vụ dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo, Tập đoàn Viettel, chia sẻ: Nhìn từ sự thành công của ChatGPT đc OpenAI phát triển, có thể nhận thấy những tiến bộ, tiện ích trợ lý ảo mang lại cho cuộc sống hiện nay, đặc biệt là trong việc tương tác, tìm hiểu kiến thức… Tại Việt Nam hiện nay, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, theo đề nghị của Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã phê duyệt việc nghiên cứu, thử nghiệm phát triển một trợ lý ảo phiên bản cơ bản dành cho cán bộ, công chức nhà nước và ứng dụng trợ lý ảo phiên bản dành cho Bộ Thông tin và Truyền thông. Đây là những bước đi đầu tiên của Việt Nam nhằm ứng dụng trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ, tăng hiệu quả hoạt động của bộ máy công chức. Trợ lý ảo sẽ được phát triển theo hướng cá thể hóa, càng dùng càng thông minh, từ đó giúp nâng tầm tri thức người Việt. Trong tương lai, các trợ lý ảo sẽ là công cụ đắc lực phục vụ cho việc chăm sóc khách hàng, bán hàng, giải đáp văn bản pháp luật, thủ tục hành chính công, giải đáp các kho dữ liệu tri thức, tra cứu nhanh các dữ liệu chuyên ngành, giải đáp dịch vụ công cho người dân về các loại hồ sơ, trình tự, thủ tục,…
Chiều nay, 12/12, cũng trong khuôn khổ Tuần lễ số quốc tế Việt Nam lần thứ 2 sẽ diễn ra 2 sự kiện: Hội nghị ASEAN về 5G lần thứ 4 và Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm phát triển và khai thác các nền tảng số phục vụ chính phủ số ở các nước ASEAN.