Phát triển các sản phẩm OCOP gắn với du lịch đang là hướng đi hiệu quả tỉnh triển khai thời gian qua. Từ đó nâng tầm nông sản địa phương, mở rộng được thị trường tiêu thụ.
Hội chợ OCOP là một trong những hoạt động quan trọng trong triển khai chương trình OCOP của tỉnh. Thời gian qua tỉnh thường xuyên tổ chức hội chợ OCOP thu hút hàng trăm gian hàng trưng bày, bán sản phẩm trong và ngoài tỉnh. Các hội chợ đều được tổ chức quy mô, bài bản, chất lượng, không những giúp doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, địa phương quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường, mà còn là điểm đến mua sắm hấp dẫn người dân, du khách trong và ngoài tỉnh.
Hội chợ OCOP vùng Đông Bắc – Quảng Ninh 2023 diễn ra từ ngày 25/10-1/11 đã thu hút trên 62.600 lượt người đến tham quan, mua sắm; tổng doanh thu ước đạt trên 16,4 tỷ đồng; trong đó doanh thu của các gian hàng trong tỉnh ước đạt 7,8 tỷ đồng. Hội chợ có 100 gian hàng giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP của các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Các sản phẩm OCOP Quảng Ninh đã nhận được sự ưu tiên tiêu dùng của khách hàng, như: Thịt lợn Móng Cái và các sản phẩm sau chế biến từ thịt lợn Móng Cái; hải sản các loại (mực khô, mực một nắng, tôm bóc nõn, cá chỉ vàng…); sản phẩm chế biến từ thủy, hải sản (ruốc cá, ruốc hàu, ruốc tôm, nước mắm sá sùng…); các sản phẩm từ trà hoa vàng (cây, lá, trà)…
Toàn tỉnh hiện có khoảng 30 trung tâm và điểm bán hàng OCOP. Cùng với đó, tại các khu dừng nghỉ du lịch kết hợp giới thiệu, bán sản phẩm OCOP của tỉnh. Qua đó không chỉ góp phần làm phong phú cho các tuyến du lịch, tăng sức hút với du khách, mà còn giúp mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm OCOP.
Anh Nguyễn Ngọc Hưng, Giám đốc Trung tâm OCOP Central Hạ Long, cho biết: Nhằm nâng tầm, phát triển các sản phẩm OCOP, Trung tâm đã ký kết với các công ty lữ hành trong nước, như Viettravel, nhằm đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, khuyến khích các cơ sở OCOP tích cực đầu tư, nâng cao chất lượng, tạo dựng thương hiệu sản phẩm, từ đó nâng cao số lượng, giá trị sản phẩm tiêu thụ và thu nhập của người dân. Các gian hàng trưng bày tại Trung tâm tạo nhiều chọn lựa cho du khách đến Quảng Ninh. Sản phẩm OCOP đã giải bài toán về quà tặng du lịch mang tính đặc trưng của địa phương, làm phong phú thêm chương trình du lịch, các sản phẩm OCOP có thêm thị phần.
Theo đánh giá của Sở Công Thương, các trung tâm, điểm bán sản phẩm OCOP có vai trò quan trọng trong việc nâng tầm giá trị nông sản địa phương; đồnh thời là kênh quảng bá, kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP một cách hiệu quả, tạo sức hút du khách đến tham quan, trải nghiệm, mở rộng được đầu ra cho sản phẩm.
Các sản phẩm OCOP còn được giới thiệu quảng bá tại Lễ hội Trà hoa vàng (huyện Ba Chẽ), Hội đình Tràng Y (xã Đại Bình, huyện Đầm Hà), Ngày hội Văn hóa các dân tộc huyện Đầm Hà, Lễ hội Hoa anh đào – Mai vàng Yên Tử (TP Uông Bí), Lễ hội đền Cửa Ông (TP Cẩm Phả), Lễ hội Hoa sở Bình Liêu…
Nhiều nông sản của tỉnh được tiêu thụ tại hệ thống siêu thị: Go!, MM Mega Market, Winmart, Winmart+…; tại các tỉnh, thành phố lớn trong nước như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng…
Tỉnh đã phê duyệt thực hiện nhiệm vụ KHCN cấp tỉnh về nghiên cứu xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn. Trong đó xác định sản phẩm nông nghiệp, nông thôn đặc trưng của các địa phương gắn với phát triển du lịch, kết nối tuyến điểm du lịch, xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp tại TX Quảng Yên, huyện Đầm Hà, TP Hạ Long, TX Đông Triều, huyện Vân Đồn…
Việc lồng ghép giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với không gian trưng bày, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch đã đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối, quảng bá sản phẩm OCOP, làm phong phú cho chương trình du lịch, tăng sức hút với du khách, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP của tỉnh.