Với hơn 43.000ha rừng ngập mặn, trong đó có trên 26.000ha có khả năng nuôi trồng thủy sản; gần 9.000ha bãi cao triều và trên cao triều… Quảng Ninh có lợi thế rất lớn trong nuôi trồng thủy sản. Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ bền vững môi trường biển, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương xây dựng các vùng nuôi trồng thủy sản an toàn.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 13-CT/TU, ngày 10/8/2021 về tăng cường công tác quản lý và phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản trên biển tỉnh Quảng Ninh. Tỉnh cũng quy hoạch, đồng thời ban hành nhiều văn bản về phát triển kinh tế thủy sản trên địa bàn, trong đó chú trọng điều chỉnh cơ cấu nuôi hợp lý, phát triển các vùng nuôi tôm, cá tập trung ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường.
Trên cơ sở đó, vận động người dân chuyển đổi nuôi quảng canh sang nuôi công nghiệp; quy hoạch lại diện tích bãi triều, mặt nước nuôi các loài nhuyễn thể… Đến nay, Quảng Ninh đã hình thành vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, như: Vùng nuôi tôm 9.662ha, vùng nuôi nhuyễn thể gần 4.400ha, vùng nuôi cá song 550ha, vùng nuôi ghẹ (36ha), vùng nuôi tôm kết hợp cá, tôm (1.854,6ha)…
Hiện diện tích nuôi trên địa bàn tỉnh đạt 32.092ha với 10.443 cơ sở nuôi trồng thuỷ sản, trong đó có 3.017 cơ sở nuôi tôm, 691 cơ sở nuôi cá biển, 1.395 cơ sở nuôi nhuyễn thể… Riêng diện tích nuôi tôm công nghiệp đạt hơn 4.700ha. Các cơ sở nuôi biển đang dần tập trung vào quy trình nuôi tiến bộ, áp dụng công nghệ cao, nhất là trong nuôi tôm, như: Quy trình nuôi Biofloc-Verision 3 của Công ty CP Thái Lan, quy trình nuôi GlobalGAP của Công ty Grobest, quy trình nuôi Semi – Biofloc của Công ty Trúc Anh… Nhờ vậy, sản lượng tôm 6 tháng đầu năm 2023 toàn tỉnh đạt 18.830 tấn, tăng 12,9% so với cùng kỳ 2022, đứng đầu các tỉnh phía Bắc.
Quảng Ninh còn phối hợp với Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam xây dựng kế hoạch phát triển cá biển công nghiệp công nghệ cao đến năm 2025, trong đó tập trung mở rộng diện tích ra các vùng biển mở, vịnh hở, vùng biển xa bờ. Hiện toàn tỉnh có 5.073 cơ sở nuôi trồng thuỷ sản lồng bè.
Nhằm đáp ứng nhu cầu con giống thủy sản tốt, không dịch bệnh để cung cấp cho người dân, hạn chế khai thác quá mức nguồn thủy sản trên địa bàn, tỉnh cũng tăng cường thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất. Toàn tỉnh hiện có 16 cơ sở sản xuất giống, ương dưỡng cung ứng giống thủy sản. Các cơ sở này đều đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản. Số lượng giống sản xuất, ương dưỡng tại chỗ trong 6 tháng đầu năm 2023 được 1,96 tỷ con giống các loại, đáp ứng 45,2% nhu cầu giống thả nuôi. Quảng Ninh phấn đấu đến năm 2025 đáp ứng cơ bản 70% nhu cầu về con giống thủy sản chất lượng cao, sạch bệnh cho các cơ sở nuôi biển trên địa bàn.
Để bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản, các địa phương cũng đã vận động, yêu cầu doanh nghiệp, người dân thay thế vật liệu nổi sử dụng trong nuôi biển thân thiện với môi trường theo quy chuẩn của tỉnh; di dời các cơ sở nuôi trồng thủy sản ra khỏi vùng lõi Vịnh Hạ Long. Các ngành, địa phương cũng kiên quyết xử lý đối với các trường hợp nuôi trồng trái phép, vi phạm quy hoạch, gây ảnh hưởng đến môi trường biển và các hoạt động trên biển. Đến hết tháng 6/2023, toàn tỉnh đã thực hiện chuyển đổi từ phao xốp sang phao nhựa theo quy chuẩn đối với 2.273.879/2.418.326 cơ sở nuôi biển được quy hoạch, đạt 94,02%
Được biết đến hết 15/7/2023, tổng sản lượng thủy sản của Quảng Ninh đạt 103.700 tấn; trong đó nuôi trồng được 59.000 tấn, tăng 8,1% so với cùng kỳ 2022. Điều này đã góp phần đưa giá trị sản xuất lĩnh vực thủy sản toàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt 3.243 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu ngành nông nghiệp; giá trị tăng thêm ước đạt 1.789 tỷ đồng, tăng trưởng lĩnh vực thủy sản ước đạt 6,41%.
Quảng Ninh đặt ra mục tiêu đến năm 2025 đưa sản lượng nuôi trồng đạt 83.000 tấn (năm 2020 sản lượng nuôi trồng được gần 77.000 tấn); 100% cơ sở nuôi biển đạt điều kiện an toàn thực phẩm có giám sát nguồn gốc sản phẩm nuôi trồng theo quy định của luật; qua đó không chỉ nâng cao giá trị sản xuất trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản mà còn đảm bảo tốt nhất cho môi trường trên biển. Để đạt mục tiêu đề ra, đòi hỏi các địa phương tiếp tục có những giải pháp hữu hiệu để nâng cao năng suất thủy sản nuôi trồng trên địa bàn.