Những năm qua, huyện Hải Hà đã tập trung chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa để nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp và thu nhập của người nông dân. Nhiều sản phẩm nông nghiệp có lợi thế của địa phương bước đầu được hình thành thông qua chuỗi từ sản xuất đến cung ứng, tiêu thụ, góp phần thúc đẩy sự phát triển KT-XH của địa phương.
Huyện Hải Hà xác định 10 sản phẩm nông, lâm, thủy sản thế mạnh cần tập trung đầu tư thúc đẩy phát triển, gồm: Chè, rau các loại, thịt gà và trứng gà, thịt lợn, tôm thẻ chân trắng, nhuyễn thể, cá lồng bè, gỗ, trà hoa vàng, quế. Từ việc xác định các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, có thế mạnh, huyện đã xây dựng, thực hiện các tiểu dự án đối với từng sản phẩm và xác định rõ hướng đầu tư, kinh phí thực hiện, lộ trình triển khai.
Trên cơ sở đó, huyện Hải Hà đã quy hoạch các vùng sản xuất tập trung ở cả 3 lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Đến nay, toàn huyện hình thành 17 vùng sản xuất nông, lâm, thủy sản tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa theo chuỗi; đồng thời, đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất nông nghiệp, hình thành và phát triển các trang trại, vùng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ…
Huyện quy hoạch 7 vùng sản xuất hàng hóa tập trung đối với lĩnh vực trồng trọt, gồm: Trồng lúa thâm canh, trồng ngô thâm canh, trồng rau an toàn, trồng mía tím, trồng chè, trồng cây ăn quả, trồng cây dược liệu. Trong đó, cây chè Hải Hà được xác định là một trong 6 sản phẩm định hướng xây dựng sản phẩm OCOP cấp quốc gia, toàn huyện hiện có gần 770ha trồng chè.
Để phát triển thương hiệu của địa phương, từ năm 2016 huyện đã triển khai đề án tổng thể phát triển vùng chè tập trung chất lượng cao, triển khai các mô hình đầu tư thâm canh diện tích chè kinh doanh theo quy trình VietGAP. Cùng với đó, dành nguồn lực cho sửa chữa, cải tạo, nâng cấp nhà xưởng; chuyển giao quy trình kỹ thuật, công nghệ chế biến; khuyến khích trồng mới những giống chè, như Ngọc Thúy, Hương Bắc Sơn, Kim Tuyên… có năng suất, chất lượng cao, khả năng chống chịu tốt với sâu bệnh; tăng cường sự phối hợp giữa người trồng chè với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và các cơ quan quản lý để tạo sản lượng và giá trị ổn định cho cây chè.
Xác định chăn nuôi là lĩnh vực có lợi thế của địa phương, huyện Hải Hà đã quy hoạch tổng thể và chi tiết các khu chăn nuôi tập trung ứng dụng công nghệ cao gắn với an toàn dịch bệnh trên địa bàn các xã, trong đó quy hoạch xây dựng khu chăn nuôi công nghệ cao tại 3 xã (Quảng Sơn, Quảng Thành, Quảng Chính). Khuyến khích, hỗ trợ phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại hiệu quả cao, thân thiện với môi trường; quy hoạch các điểm giết mổ tập trung và có cơ chế, giải pháp phát huy hiệu quả hệ thống cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung theo quy hoạch.
Huyện Hải Hà cũng quy hoạch 5 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, gồm: Vùng nuôi tôm, vùng nuôi nhuyễn thể, vùng nuôi sá sùng, vùng nuôi lồng bè, vùng nuôi thủy sản nước ngọt. Huyện tập trung phát triển nuôi trồng tại bãi triều ở các xã Quảng Minh, Quảng Phong, thị trấn Quảng Hà và nuôi lồng bè, rào chắn ở xung quanh xã đảo Cái Chiên. Hiện huyện đã hình thành, duy trì được hơn 360ha nuôi tôm thẻ chân trắng, hơn 650ha nuôi nhuyễn thể và hàng chục nghìn m2 lồng bè trên biển.
Để phát triển lâm nghiệp bền vững, huyện Hải Hà quy hoạch 2 vùng sản xuất lâm nghiệp tập trung là vùng trồng cây nguyên liệu gỗ quy mô hơn 11.000ha và vùng trồng cây lâm sản ngoài gỗ quy mô 595ha. Các mô hình kinh tế rừng trên địa bàn được chú trọng, gắn với mục tiêu tăng diện tích trồng rừng gỗ lớn là loài bản địa như lim, trám, giổi, lát hoa, thông. Huyện đang tập trung chỉ đạo các đơn vị chức năng, địa phương triển khai kế hoạch trồng rừng sản xuất, kinh doanh gỗ lớn và chuyển hoá rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn, phấn đấu đưa năng suất bình quân rừng trồng chuyển hoá từ gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn đạt từ 12m3 trở lên/ha/năm; đưa tỷ lệ gỗ lớn đạt 30-40% sản lượng khai thác hiện nay lên 50-60% vào các năm tiếp theo…
Phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa là một trong những giải pháp quan trọng để huyện Hải Hà cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh, đóng góp vào sự phát triển KT-XH của địa phương. Theo báo cáo của UBND huyện, từ đầu năm đến nay, tổng giá trị sản xuất ngành nông – lâm – ngư nghiệp toàn huyện đạt 943,8 tỷ đồng, bằng 70,4% kế hoạch năm, bằng 111,6% so với cùng kỳ. Diện tích gieo trồng đạt 3.221,4ha bằng 102% kế hoạch vụ. Riêng sản lượng chè đạt 4.487,5 tấn búp tươi, tăng 344,5 tấn so với cùng kỳ. Trồng rừng sau khai thác đạt 332,2ha, bằng 60% kế hoạch, trong đó diện tích trồng rừng gỗ lớn các loại lim, giổi, lát đạt 19ha, bằng 9,5% kế hoạch. Sản lượng thuỷ sản đạt 12.970 tấn, trong đó sản lượng nuôi trồng 5.272 tấn.