Quảng Ninh có 67 xã, thị trấn vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi, biên giới, hải đảo. Trong đó, kinh tế, thu nhập và việc làm của phần lớn người dân sinh sống ở khu vực này là nông nghiệp. Vì vậy, tỉnh đã tập trung thực hiện các giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo.
Nhằm thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân, tỉnh đã chú trọng phát triển sản xuất, tổ chức lại sản xuất và nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo; thúc đẩy sản xuất hàng hóa nông, lâm, ngư nghiệp theo chuỗi giá trị, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ gắn với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa; xây dựng các vùng chuyên canh tập trung với chương trình OCOP.
Cùng với đó, tỉnh cơ cấu lại đất đai, sản xuất của các nông, lâm trường; hoàn thành việc giao đất, giao rừng, khoán bảo vệ rừng cho nhân dân, giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; nghiên cứu xây dựng chính sách khuyến khích doanh nghiệp và hợp tác xã liên kết có sự tham gia của đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Hiện tỉnh đang xây dựng chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư khôi phục, phát triển, mở rộng các chợ phiên miền núi, biên giới, chợ nông thôn và các loại hình chợ phù hợp để tiêu thụ sản phẩm hàng hóa của người dân gắn với phát triển du lịch cộng đồng, đảm bảo quốc phòng an ninh.
Đặc biệt, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 19-NQ/TU (ngày 28/11/2019) “Về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Đây là Nghị quyết đầu tiên của tỉnh chuyên về phát triển, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng bền vững, góp phần nâng cao đời sống của người dân. Trên cơ sở đó, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND về việc quy định một số chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững. Nghị quyết đã tạo nguồn lực cho chủ rừng quyết tâm đổi mới phương thức sản xuất lâm nghiệp truyền thống với chu kỳ ngắn hạn, hiệu quả kinh tế thấp, quy mô nhỏ lẻ sang phương thức sản xuất bền vững với chu kỳ kinh doanh dài hạn, gia tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích. Sau 2,5 năm triển khai thí điểm tại TP Hạ Long và huyện Ba Chẽ, có 1.016 hộ gia đình, cá nhân được hỗ trợ gần 34,4 tỷ đồng để trồng mới 1.656,2ha rừng gỗ lớn. Đến nay, tổng diện tích trồng rừng tập trung toàn tỉnh đạt 9.460ha, trong đó 631,8ha lim, giổi, lát.
Xác định nguồn vốn là trợ lực quan trọng để đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo phát triển sản xuất nông nghiệp, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 50/NQ-HĐND (ngày 13/11/2021) phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế – xã hội, bảo đảm vững chắc quốc phòng – an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo gắn với xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; Nghị quyết 96/NQ-HĐND (ngày 31/5/2022) điều chỉnh, bổ sung một số nội dung của Nghị quyết 50. Từ năm 2021 đến nay, tỉnh bố trí 240 tỷ đồng từ ngân sách ủy thác cho Ngân hàng CSXH Chi nhánh Quảng Ninh thực hiện cho vay tại 67 xã, thị trấn. Ngay sau khi được cấp vốn, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH tỉnh phân bổ vốn cho các địa phương nhanh chóng giải ngân nhằm đáp ứng nhu cầu của người lao động trên địa bàn. Qua đó, toàn tỉnh đã có 3.475 lượt người dân tại các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo vay vốn với số tiền 258,5 tỷ đồng để phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập.
Ông Phạm Văn Thành (thôn Đồng Tâm, xã Dực Yên, huyện Đầm Hà) cho biết: Với hơn 13ha đất, gia đình tôi đã phát triển mô hình trang trại tổng hợp với vườn, ao, chuồng, rừng từ hơn 10 năm nay. Đầu năm 2022, gia đình được tạo điều kiện vay 100 triệu đồng nguồn vốn tín dụng ưu đãi theo chương trình của tỉnh. Nguồn vốn này là đòn bẩy quan trọng để gia đình tiếp tục mở rộng trang trại, tạo việc làm thường xuyên cho 3-4 lao động, nâng cao thu nhập.
Bằng các giải pháp đồng bộ, đời sống đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo không ngừng được cải thiện, thu nhập nâng cao, khoảng cách chênh lệch vùng miền trong tỉnh từng bước được rút ngắn. Từ đó, góp phần quan trọng hoàn thành Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh với tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành Nông nghiệp đạt 5%/năm, tỷ lệ che phủ rừng đạt 55%, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 0,067%.