Năm 2023 mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách, song Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Bình Liêu đã đoàn kết, đồng lòng, chung sức thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội đề ra, đời sống nhân dân không ngừng được nâng lên, an ninh – quốc phòng được giữ vững.
Đảm bảo mục tiêu tăng trưởng
Bám sát chỉ đạo của tỉnh, cụ thể hóa bằng những chương trình, giải pháp đúng, trúng, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, kinh tế huyện Bình Liêu tiếp tục tăng trưởng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ.
Giá trị sản xuất năm 2023 đạt 2.395,63 tỷ đồng, bằng 100% kế hoạch và kịch bản năm 2023, tăng 13,79% so với năm 2022. Trong đó, ngành dịch vụ đạt 52,27%, công nghiệp – xây dựng đạt 19,49% và nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 28,23%. Tổng thu ngân sách đạt 148,433 tỷ đồng, bằng 85,9% dự toán, bằng 112,5% so với năm 2022.
Sau khi hoàn thành về đích nông thôn mới năm 2022, bước sang năm 2023, Bình Liêu tiếp tục đẩy mạnh nâng cấp các tiêu chí, chỉ tiêu, đồng thời hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận Huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Đến nay, toàn huyện đạt 5/9 tiêu chí và 30/38 chỉ tiêu, tăng 2 tiêu chí và 5 chỉ tiêu so với đầu năm.
Năm 2023 cũng đánh dấu sự phục hồi mạnh mẽ, ấn tượng của du lịch Bình Liêu. Huyện đã đón trên 150.000 lượt khách, bằng 100% kế hoạch của huyện và bằng 150% kế hoạch tỉnh giao, tổng doanh thu đạt 72,122 tỷ đồng, bằng 120,2% kế hoạch và bằng 140,88% so với năm 2022. Các hoạt động Ngày hội văn hóa – thể thao các dân tộc, Hội Soóng Cọ, Hội Kiêng gió, Tuần Văn hóa – Du lịch Hội Mùa vàng, Hội hoa Sở được duy trì tổ chức vừa góp phần bảo tồn văn hóa, vừa quảng bá phát triển du lịch, thu hút đông đảo du khách bốn phương.
Huyện tập trung đẩy mạnh thực hiện đồng bộ ba đột phá chiến lược. Trong đó, huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là ưu tiên công trình trọng điểm, động lực, hạ tầng giao thông, công nghệ, Khu kinh tế cửa khẩu Hoành Mô – Đồng Văn, các tuyến điểm du lịch. Nổi bật như: Dự án Trường THPT Bình Liêu, dự án cải tạo, nâng cấp Trường PTDT bán trú THCS Đồng Tâm; dự án cải tạo, nâng cấp đường liên xã Húc Động – Đồng Văn, Cao Ba Lanh kết nối Quốc lộ 18C…
Cùng với đó, công tác đảm bảo an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm thực hiện tốt. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có việc làm ngày càng tăng. Công tác y tế, giáo dục, phát triển văn hóa, thể thao được chú trọng, đầu tư góp phần thiết thực nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. Hết năm 2023, theo chuẩn nghèo đa chiều của Trung ương, toàn huyện còn 96 hộ cận nghèo, không còn hộ nghèo, đạt 1,23%; theo chuẩn nghèo đa chiều của tỉnh, số hộ nghèo, hộ cận nghèo còn 1.235 hộ đạt 15,88%, trong đó, hộ nghèo còn 69 hộ, đạt 0,89%, hộ cận nghèo còn 1.166 hộ, đạt 14,99%.
Khí thế mới, mục tiêu mới
Bí thư Huyện ủy Nguyễn Thị Tuyết Hạnh cho biết: Năm 2024 là năm thứ tư thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025, là năm bứt phá để hoàn thành kế hoạch 5 năm 2021-2025, do vậy, các mục tiêu, định hướng và giải pháp mà huyện đề ra đều rất quyết liệt, đảm bảo tính khả thi, đồng bộ, phù hợp với khả năng thực hiện của các cấp, ngành, địa phương. Năm 2024, huyện Bình Liêu tiếp tục phát huy các tiềm năng, thế mạnh của địa phương trong phát triển KT-XH; tập trung hoàn thành các công trình, dự án động lực; đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư phát triển kinh tế lâm nghiệp, biên mậu, du lịch…
Đồng thời, triển khai hiệu quả các nghị quyết, chương trình, kế hoạch của tỉnh, cấp ủy, HĐND huyện, nhất là chủ đề năm 2024 “Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh”. Qua đó, không ngừng củng cố niềm tin của nhân dân, tạo khí thế mới, động lực mới, quyết tâm mới thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVIII và Nghị quyết đại hội Đảng các cấp, lập thành tích cao nhất chào mừng kỷ niệm 105 năm Ngày thành lập huyện Bình Liêu 26/12 (1919-2024).
Huyện đề ra các chỉ tiêu kinh tế cụ thể: Tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt trên 13,5%; tổng vốn đầu tư phát triển tăng trên 10%; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tăng 10%; thu nội địa tăng trên 10%. Về các chỉ tiêu xã hội gồm: Giải quyết việc làm mới cho 600 lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 87%; phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 0,89% (69 hộ) và hộ cận nghèo giảm còn 7,58% (585 hộ) theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2023-2025…
Huyện tiếp tục phát huy hiệu quả ba trụ cột “Thiên nhiên – Văn hóa – Con người” để thúc đẩy sự phát triển bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân. Trong đó, đẩy mạnh phát triển du lịch bền vững gắn với giảm nghèo, coi trọng khai thác các tiềm năng, giá trị văn hóa đặc sắc, riêng có, triển khai hiệu quả Nghị quyết số 13-NQ/HU ngày 30/5/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về “Phát triển du lịch huyện Bình Liêu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Đồng thời, phát huy thế mạnh kinh tế biên mậu, tích cực phối hợp, tạo điều kiện để các doanh nhiệp, nhà đầu tư triển khai các dự án phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Hoành Mô. Trong lĩnh vực nông nghiệp, huyện tập trung phát triển nông nghiệp gắn với nâng cấp các chỉ tiêu, tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, phấn đấu cấp huyện đạt 8/9 tiêu chí, 36/38 chỉ tiêu…
Thực hiện ba đột phá chiến lược, Bình Liêu tiếp tục huy động mọi nguồn lực, đa dạng hình thức đầu tư; đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, hiện đại; thúc đẩy liên kết vùng. Đồng thời, phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực với đầy đủ yêu cầu về trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, năng lực, đạo đức, đáp ứng vị trí việc làm và yêu cầu nhiệm vụ; tiếp tục nâng cao chất lượng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; phát triển doanh nghiệp và chuyển đổi số.
Tin tưởng, với quyết tâm cao nhất, huyện Bình Liêu sẽ hoàn thành các nhiệm vụ, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024 đã đề ra.