Thời gian qua Quảng Ninh đã triển khai nhiều chủ trương, giải pháp phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp. Với những chính sách hỗ trợ của tỉnh, sự vào cuộc của người dân, nguồn lợi từ phát triển rừng sản xuất đã giúp nhiều hộ gia đình vươn lên, có kinh tế khá giả.
Theo thống kê, Quảng Ninh có diện tích đất quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp tính đến năm 2030 là 390.573ha, gồm 47.504ha quy hoạch rừng đặc dụng, 104.260ha quy hoạch rừng phòng hộ, 238.809ha quy hoạch rừng sản xuất. Tổng diện tích đất có rừng hiện có trên địa bàn toàn tỉnh năm 2023 là 371.954ha, trong đó diện tích rừng tự nhiên là 123.730,4ha, diện tích rừng trồng đã thành rừng là 216.422,7ha; diện tích rừng trồng chưa thành rừng là 31.801ha. Trong những năm qua, Tỉnh ủy đã thường xuyên quan tâm chỉ đạo cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh chủ động tham mưu, đề xuất, cụ thể hóa quan điểm, chỉ đạo của Trung ương về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng thành các nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch, cơ chế, chính sách để triển khai thực hiện. Tỉnh đã cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch 5 năm phát triển KT-XH.
Để chỉ đạo, điều hành các hoạt động về lâm nghiệp, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, văn bản. Điển hình là Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 28/11/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 là một trong những nghị quyết chuyên đề đầu tiên trong cả nước về phát triển lâm nghiệp bền vững, tạo tiền đề cho phát triển bền vững lâm nghiệp trên địa bàn.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chỉ thị, chương trình, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát triển lâm nghiệp được triển khai nghiêm túc, bài bản, sâu rộng, chi tiết, quyết liệt, có hiệu quả; trở thành nội dung quan trọng trong triển khai thực hiện công tác năm, quý, tháng của cấp ủy đảng và chính quyền địa phương. Các chương trình hành động, kế hoạch triển khai chỉ thị đã bám sát quan điểm, chủ trương, định hướng, mục tiêu của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xác định những nhiệm vụ cụ thể phù hợp với đặc điểm, tình hình KT-XH của tỉnh.
Năm 2023, trồng rừng tập trung toàn tỉnh đạt 13.565ha, trong đó trồng được 1.050ha lim, giổi, lát. Sản lượng khai thác gỗ rừng trồng ước đạt 809.425m3. Quý I/2024, toàn tỉnh trồng rừng tập trung ước đạt 3.005,97ha, trong đó đã trồng được 187,36ha lim, giổi, lát. Sản lượng khai thác gỗ rừng trồng đạt 230.678m3; sản lượng khai thác nhựa thông đạt 480,7 tấn; hoa hồi đạt 222,3 tấn. Tỉnh tiếp tục duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng ở mức 55%; chất lượng rừng được nâng cao. Sản lượng khai thác gỗ rừng trồng, khai thác các sản phẩm từ rừng của Quảng Ninh hằng năm đều tăng.
Với chiều dài hơn 7km, những quả đồi bạt ngàn màu xanh của thông và bạch đàn rộng hơn 60ha, trung bình cho thu nhập 1,5 tỷ đồng/năm, hộ ông Vũ Quang Hải (thôn Tam Hồng, xã An Sinh, TX Đông Triều) là một trong những điển hình phát triển kinh tế trên địa bàn. Trong những năm đầu gặp không ít khó khăn vì chưa có kinh nghiệm trồng và chăm sóc rừng, ông Hải không quản ngại, tích cực học hỏi kinh nghiệm ở nhiều địa phương, tham gia lớp tập huấn của tỉnh về trồng cây lấy gỗ lớn, mang lại cho thu nhập cao, từ đó có thêm kiến thức và rút ra bài học kinh nghiệm trong trồng rừng, nâng cao giá trị rừng trồng, đem lại hiệu quả kinh tế. Hiện diện tích trồng rừng lấy gỗ của gia đình ông Hải là 40ha, còn lại 20ha trồng thông nhựa; gia đình ông tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động và hơn 50 lao động mùa vụ vào các thời điểm thu hoạch với mức lương 7-10 triệu đồng/tháng.
Anh Hoàng Thế Cường (thôn Nà Sa, xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu) cho biết: Gia đình tôi có 15ha rừng chủ yếu là các loại keo, quế, bạch đàn. Ước tính thu nhập trung bình khoảng 80 triệu/năm. Có nguồn thu nhập ổn định từ rừng, gia đình tôi có điều kiện trang sắm, phục vụ tốt hơn cho cuộc sống. Trong thời gian qua, được sự tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương, gia đình tôi đã nghiên cứu các loại cây trồng mới có năng suất, giá trị kinh tế cao gắn với bảo vệ môi trường, chuyển đổi việc trồng rừng thành ngành kinh tế sản xuất hàng hóa, hiệu quả và bền vững.
Thu nhập từ trồng rừng đã trở thành nguồn sinh kế bền vững của nhiều gia đình, giúp họ làm giàu trên chính đồng đất quê hương.