Kinh tế tập thể mà nòng cốt là HTX tiếp tục là kênh huy động các nguồn lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển ngành nghề, đóng góp tích cực vào chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh.
HTX Cam 10-10 (xã Vạn Yên) hiện là vùng sản xuất cam tập trung lớn của huyện Vân Đồn. Với diện tích 35ha, sản lượng bình quân đạt 120 tấn/năm, đã giúp 23 xã viên có được thu nhập ổn định, đảm bảo đời sống. Hiện toàn bộ diện tích trồng cam đều đạt tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo được uy tín, chất lượng của sản phẩm khi tiêu thụ ra thị trường.
Bà Lê Thị Bảy, Giám đốc HTX Cam 10-10, cho biết: Cam của HTX hiện là sản phẩm OCOP đạt 3 sao, được dán tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ, cho các xã viên thu nhập ổn định 100-500 triệu đồng/năm. Tiếp tục phát triển diện tích trồng cam, chúng tôi sẽ tiếp tục ứng dụng khoa học, kỹ thuật trong sản xuất để tạo ra giống cam ngon, đảm bảo an toàn thực phẩm, từ đó tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định cho xã viên. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ thay thế những giống cam kém hiệu quả sang cam bản địa như cam giấy, cam canh… và triển khai các mô hình như trồng thanh long, bưởi da xanh, đồng thời tiếp tục phát triển du lịch sinh thái để nâng cao thu nhập.
Được thành lập từ năm 2021, HTX Nông, lâm, ngư nghiệp Việt Hưng (TP Hạ Long) với các sản phẩm: Trà gạo lứt, ổi Hoành Bồ, đỗ đen, xạ đen, khâu nhục Sơn Dương… đã trở thành thương hiệu được nhiều người tiêu dùng biết đến. Từ chỗ chỉ có vài hộ liên kết, đến nay HTX đã liên kết với 65 hộ dân ở các xã vùng cao trên địa bàn TP Hạ Long. Hiện ổi Hoành Bồ, trà gạo lứt, đỗ đen, xạ đen là sản phẩm OCOP đạt 4 sao; khâu nhục Sơn Dương là sản phẩm OCOP 3 sao. Năm 2023, khâu nhục Sơn Dương đã được vinh danh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh. HTX hiện là đại diện mã vùng trồng theo tiêu chuẩn OTAS đối với sản phẩm ổi, cố gắng để nâng hạng ổi Hoành Bồ đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao trong năm 2024 với mục tiêu hướng đến thị trường nước ngoài và phát triển thêm sản phẩm du lịch cộng đồng.
Bà Nguyễn Thúy Hà, Giám đốc HTX Nông, lâm, ngư nghiệp Việt Hưng, cho biết: Chúng tôi xác định mục tiêu là các sản phẩm phải vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo sức khỏe của người tiêu dùng. Vì thế, các sản phẩm của HTX đều được sản xuất theo hướng hữu cơ theo tiêu chuẩn HACCP 2023, với sự kiểm soát rất chặt chẽ về chất lượng. Từ khi thành lập đến nay, HTX đã ứng dụng KHCN vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản lý và kết nối lên sàn thương mại điện tử để tiêu thụ nông sản hiệu quả.
Toàn tỉnh hiện có 667 HTX, trong đó lĩnh vực nông nghiệp chiếm 70%. Doanh thu bình quân hằng năm của các HTX đạt 650 triệu đồng, lợi nhuận bình quân 290 triệu đồng, thu nhập bình quân lao động của HTX đạt gần 70 triệu đồng/người. Các HTX đã thay đổi cách làm, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm, tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ, đảm bảo được thu nhập bền vững cho người dân.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 87 HTX, 78 hộ sản xuất tham gia vào chương trình OCOP, 100% sản phẩm đều được đưa lên sàn thương mại điện tử. Nhiều HTX đã quan tâm hỗ trợ cho thành viên khi gặp khó khăn, góp phần giải quyết việc làm, giảm nghèo cho nhiều hộ gia đình.
Tháng 7/2023, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 155/NQ-HĐND về một số giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và phát triển bền vững đến năm 2025. Theo đó tỉnh tiếp tục đồng hành, hỗ trợ tối đa cho các HTX, coi việc tháo gỡ khó khăn, rào cản cho HTX là nhiệm vụ chính trị hàng đầu để HTX chủ động thích ứng với tình hình mới, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tỉnh cũng tiếp tục ưu tiên dành nguồn vốn tín dụng ưu đãi, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn hợp pháp, chính đáng của các HTX; thực hiện đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng để phục vụ phát triển HTX….