Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM tỉnh Quảng Ninh triển khai từ năm 2010 đến nay đã mang lại những điều kiện quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nâng cao đời sống nông dân và đổi thay bộ mặt nông thôn. Một trong số đó là hạ tầng đồng bộ, đảm bảo kết nối nông thôn – đô thị và kết nối các vùng miền.
Huyện Bình Liêu có thể nói là địa bàn có sự đổi thay nhanh chóng và rõ nét nhờ được đầu tư hạ tầng đồng bộ. Những tuyến đường nối thôn bản, nối xã với xã, nối xã với trung tâm huyện đã giúp cho nông sản miến dong, hồi, quế, nhựa thông… về xuôi thuận tiện hơn; giúp đưa khoa học kỹ thuật, trình độ tiên tiến, thiết bị máy móc hiện đại phục vụ sản xuất… về với vùng cao, với bà con đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đây, kinh tế Bình Liêu phát triển, đời sống người dân khấm khá hơn, bộ mặt nông thôn, đô thị Bình Liêu khang trang, sạch đẹp, giàu có hơn. Đó là nền tảng để huyện Bình Liêu về đích nông thôn mới (NTM), trở thành huyện miền núi, biên giới, có đông đồng bào dân tộc thiểu số đầu tiên trong cả nước về đích NTM.
Đáng mừng cùng với Bình Liêu, các địa bàn nông thôn, miền núi, hải đảo Quảng Ninh đều phát triển hơn nhờ hệ thống hạ tầng đã được đầu tư từ nguồn vốn NTM. Đặc biệt, giai đoạn từ năm 2021 đến nay, tỉnh tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược, đồng bộ, hiện đại, thúc đẩy liên kết vùng, nối vùng khó khăn với các trung tâm kinh tế, trung tâm đô thị, các vùng động lực, khu kinh tế, khu công nghiệp nhằm thúc đẩy vùng phát triển nhanh bền vững; tiếp tục đầu tư, nâng cấp công trình thủy lợi, công trình phòng chống thiên tai, hạ tầng điện, cơ sở vật chất văn hóa, cơ sở vật chất giáo dục đào tạo, cơ sở hạ tầng y tế.
Trong gần 4 năm qua, tỉnh đã đầu tư và cơ bản hoàn thành các dự án kết nối vùng đồng bào dân tộc như dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 342, đoạn thuộc địa phận huyện Ba Chẽ và 6 dự án hạ tầng giao thông động lực trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo. Từ nguồn vốn của tỉnh, một loạt các công trình đã đưa vào sử dụng, nâng cao hiệu quả thúc đẩy kinh tế địa phương, đời sống nhân dân. Tính đến hết tháng 8 vừa qua, toàn tỉnh đã hoàn thành 13/15 dự án giao thông động lực, kết nối vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo bằng nguồn vốn Chương trình tổng thể dân tộc thiểu số. Ví như các tuyến đường giao thông nối từ trung tâm xã Đại Dực sang trung tâm xã Đại Thành cũ, huyện Tiên Yên; từ trung tâm huyện đi xã Quảng An, huyện Đầm Hà; từ Quốc lộ 18 đến khu trung tâm xã Quảng Sơn, huyện Hải Hà; từ nút giao cầu vượt đường cao tốc Hạ Long – Vân Đồn thôn Trại Me, xã Sơn Dương đến thôn Đồng Trà, xã Đồng Lâm, TP Hạ Long (đường tỉnh 342); từ thôn 3 xã Quảng Thịnh đi xã Quảng Chính, huyện Hải Hà; từ Quốc lộ 18 đi qua xã Quảng Lâm vào bản Sán Cáy Coọc xã Quảng Sơn, huyện Hải Hà; từ trung tâm huyện đi xã Quảng Lâm, huyện Đầm Hà; hoàn thành ngầm tràn Bàng Quang xã Đồn Đạc huyện Ba Chẽ.
Đồng thời giai đoạn này, tỉnh cũng đầu tư cải tạo, nâng cấp các tuyến đường, công trình đường bộ như đường tỉnh 341 (Quốc lộ 18C) từ Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái đến Khu kinh tế cửa khẩu Bắc Phong Sinh giai đoạn 2; đường nối Quốc lộ 18 đến Trung tâm thị trấn Ba Chẽ huyện Ba Chẽ; cải tạo, nâng cấp hệ thống tràn vượt lũ trên địa bàn huyện Bình Liêu và hệ thống tràn vượt lũ trên địa bàn huyện Ba Chẽ; nâng cấp đường từ thôn Khe Lặc, xã Đại Dực đi xã Húc Động (từ thôn Khe Lặc đến cuối thôn Nà Cam, xã Đại Dực nối với thôn Thông Châu, xã Húc Động, huyện Bình Liêu).
Cùng với hạ tầng giao thông, tỉnh Quảng Ninh cũng đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng thông tin truyền thông cơ sở, đầu tư công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, đầu tư hạ tầng môi trường nông thôn, hạ tầng giáo dục, văn hóa, y tế, hạ tầng thương mại…
Đến thời điểm hiện nay, khắp các vùng nông thôn Quảng Ninh đều đổi thay diện mạo, đồng bộ về hạ tầng cơ sở, sạch đẹp về môi trường cảnh quan, phát triển về sản xuất, nâng cao về chất và lượng đời sống nhân dân.