Với mục tiêu rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa các vùng, miền trong tỉnh, thời gian qua Quảng Ninh đã có nhiều quyết sách dành cho vùng khó, vùng đồng bào DTTS, trong đó trọng tâm là đầu tư hạ tầng KT-XH.
Để tháo gỡ “nút thắt” trong phát triển KT-XH khu vực miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào DTTS, thời gian qua Quảng Ninh đã dành nhiều nguồn lực đầu tư, nâng cấp các công trình, dự án giao thông kết nối vùng, miền. Giai đoạn 2021-2025, tỉnh đã chỉ đạo triển khai thực hiện 101 dự án đầu tư hạ tầng thiết yếu từ ngân sách tỉnh, trong đó có 20 dự án thuộc Chương trình tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và 81 dự án thuộc Chương trình xây dựng NTM.
Nhiều công trình, dự án đã hoàn thành, kết nối vùng động lực với vùng khó khăn và các cửa khẩu của tỉnh, như: Đường nối từ trung tâm xã Đại Dực sang trung tâm xã Đại Thành cũ (huyện Tiên Yên); đường kết nối QL18 đến khu trung tâm xã Quảng Sơn (huyện Hải Hà); nâng cấp tỉnh lộ 341 (QL18) từ KKT Cửa khẩu Móng Cái đến KKT Cửa khẩu Bắc Phong Sinh (giai đoạn 2); cải tạo đường nối QL18 đến trung tâm thị trấn Ba Chẽ (huyện Ba Chẽ); cải tạo, nâng cấp đường liên xã Húc Động – Đồng Văn – Cao Ba Lanh kết nối QL18C (huyện Bình Liêu); ngầm tràn Bằng Quang, xã Đồn Đạc (huyện Ba Chẽ)…
Ngoài ra, UBND tỉnh đã giao Sở GTVT trình, phê duyệt chủ trương đầu tư và triển khai các dự án hạ tầng giao thông trên địa bàn vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Tổng vốn đầu tư ngân sách tỉnh tối đa 816 tỷ đồng, thực hiện trong giai đoạn 2022-2025. Cùng với đó, các địa phương trong tỉnh hiện cũng chuẩn bị để đầu tư xây dựng các trung tâm văn hóa – thể thao ở những xã chưa có, hoặc không còn sử dụng được, nhất là nhà văn hóa – thể thao ở các xã: Quảng Lâm, Quảng Tân, Tân Bình (huyện Đầm Hà), Đại Dực, Đồng Rui, Hải Lạng (huyện Tiên Yên); Kỳ Thượng (TP Hạ Long); Cái Chiên (huyện Hải Hà)…
Những tuyến đường mới hoàn thành, đưa vào sử dụng đã góp phần thay đổi diện mạo, cũng như nâng cao đời sống nhân dân các thôn, bản vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Chị Vòm Móc Sủi (thôn Khe Lục, xã Đại Dực, huyện Tiên Yên), cho biết: Nhiều năm trước đường sá ở đây nhỏ hẹp gồ ghề, bà con đi lại rất khó khăn. Từ khi có những con đường mới, nhất là đường từ Đại Dực sang Đại Thành cũ được mở rộng, trải bê tông, chúng tôi sang các thôn, xã khác rất thuận lợi. Đường rộng, bà con không lo cây keo, cây quế khó tiêu thụ. Vào mỗi vụ thu hoạch, rừng keo nhà tôi có khách đến tận chân đồi thu mua, vì thế gia đình rất yên tâm…
Không riêng lĩnh vực giao thông, công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân cũng được tỉnh đặc biệt quan tâm. Tỉnh đã chỉ đạo thực hiện hiệu quả Quyết định 768/QĐ-UBND (ngày 24/3/3023) của UBND tỉnh phê duyệt Đề án tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị nâng cao năng lực cơ sở y tế tỉnh Quảng Ninh năm 2023 (giai đoạn 1) với tổng kinh phí trên 245 tỷ đồng. Sở Y tế tiếp tục hoàn thiện Đề án nâng cao năng lực hệ thống y tế dự phòng và y tế điều trị; chất lượng chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân giai đoạn 2025.
Bám sát chỉ đạo của tỉnh, Sở Y tế phối hợp với các sở, ngành, địa phương xây dựng, hoàn thiện đề án và tập trung vào các nhiệm vụ, như: Sửa chữa, chống xuống cấp cơ sở vật chất cho 1.176 trạm y tế xã, phường, thị trấn, trong đó có 96 xã vùng DTTS, miền núi; bổ sung trang thiết bị để đảm bảo hoạt động ổn định. Đồng thời, tham mưu tỉnh chủ trương xây mới 35 trạm y tế tại các xã: Bằng Cả, Tân Lập, Vĩnh Trung, Lương Mông, Tiên Lãng, Đồng Tâm, Quảng Sơn.
Cùng với đó, tỉnh đã hoàn thành xây dựng các trạm BTS phủ lõm sóng di động đến 100% thôn, bản; cung cấp dịch vụ Internet băng rộng cố định cho 113 thôn chưa có cáp quang, đạt 100% kế hoạch. Đặc biệt, để đảm bảo cấp điện ổn định, an toàn cho nhân dân, Sở Công Thương đã phối hợp với các địa phương trong tỉnh rà soát nhu cầu sử dụng điện và các khu vực có chất lượng điện áp thấp, lưới điện có nguy cơ mất an toàn gửi Công ty Điện lực Quảng Ninh làm cơ sở để lập kế hoạch đầu tư, cải tạo hệ thống lưới điện đáp ứng nhu cầu nhân dân. Qua rà soát, toàn tỉnh hiện còn hơn 2.000 hộ đang sử dụng điện chất lượng chưa đảm bảo, lưới điện có nguy cơ mất an toàn.
Công ty Điện lực Quảng Ninh đã theo dõi tình trạng vận hành đường dây, trạm biến áp; kịp thời thực hiện các biện pháp san tải, cân, đảo pha, hoán đảo máy biến áp, sửa chữa, thay thế các thiết bị đã xuống cấp do vận hành lâu năm để tăng cường khả năng cấp điện cho phụ tải. Đơn vị cũng tiến hành xây mới 13 trạm biến áp phân phối, nghiệm thu đóng điện đường dây và trạm biến áp 110kV để cấp điện cho các phụ tải, như: Đường dây và trạm biến áp 110kV Đầm Hà; đường dây 110kV lộ 173, 174 Yên Hưng cấp cho trạm biến áp 110kV Amata 1; lắp mới máy biến áp T2 trạm biến áp 110kV Vân Đồn; lắp mới máy biến áp T2 và T3 trạm biến áp 110kV Amata 1; hoàn thành dự án tự động hóa lưới điện mạch vòng trung áp khu vực: Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Vân Đồn; hoán đảo nâng công suất 115 máy biến áp; cân, đảo pha 2.229 lượt và phân tải 190 lượt, hoán đảo tối ưu hóa hệ thống tụ bù tại 132 vị trí, đảm bảo cấp điện ổn định cho các phụ tải sinh hoạt, sản xuất trên địa bàn…
Việc đầu tư đồng bộ hạ tầng KT-XH miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS trong tỉnh đã và đang nâng cao đời sống nhân dân, góp phần thúc đẩy KT-XH khu vực vùng sâu, vùng xa nói riêng, tỉnh Quảng Ninh nói chung.