Thời gian qua tỉnh tập trung phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng về giao thông “đi trước một bước” theo hướng đồng bộ và hiện đại, tạo động lực quan trọng phát triển kinh tế – xã hội.
Theo Quy hoạch Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, tỉnh xác định rõ quan điểm mục tiêu phát triển, trong đó tận dụng tối đa lợi thế cạnh tranh mang lại nhờ hệ thống kết cấu hạ tầng động lực về kinh tế – xã hội ngày càng hoàn thiện đồng bộ, hiện đại, hội nhập sâu rộng, phát triển kinh tế tổng hợp, toàn diện, hiện đại với độ mở cao.
Sớm nhận diện vai trò của liên kết vùng, đặc biệt là phát triển hạ tầng giao thông, những năm qua tỉnh đã chủ động dành nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông kết nối với các tỉnh, thành phố trong cả nước. Nhờ đó, Quảng Ninh đã mang một diện mạo mới, với hàng loạt công trình giao thông mới, kết nối đồng bộ với tất cả các địa phương trong tỉnh và khu vực.
Với chiều dài 176km, cao tốc Hải Phòng – Hạ Long – Vân Đồn – Móng Cái được coi là trục giao thông xương sống của tỉnh. Đây là tuyến cao tốc kết nối trực tiếp, đồng bộ cả 3 khu kinh tế KKT: Ven biển Quảng Yên, Vân Đồn, Cửa khẩu Móng Cái. Việc kiến tạo hành lang giao thông hiện đại gắn với các hành lang kinh tế, hành lang đô thị đã, đang và sẽ tiếp tục mở rộng không gian phát triển mới, nguồn lực mới, cơ hội mới, không chỉ cho Quảng Ninh mà cho cả Vùng đồng bằng sông Hồng.
Riêng năm 2023 tỉnh hoàn thành và đưa vào sử dụng 26 dự án, công trình hạ tầng kỹ thuật; trong đó có nhiều dự án giao thông động lực, trọng điểm, điển hình như đường tỉnh 341, cầu Bình Minh…
Dự án đường tỉnh 342 nối TP Hạ Long với huyện Ba Chẽ và tỉnh Lạng Sơn dài trên 60km có tổng mức đầu tư hơn 800 tỷ đồng. Điểm đầu nối xã Kỳ Thượng (TP Hạ Long); điểm cuối nối với xã Bắc Lãng (huyện Đình Lập, Lạng Sơn). Sau hơn 1 năm thi công, tháng 7/2024 dự án đã hoàn thành thi công. Tuyến đường hoàn thành rút ngắn quãng đường từ Lạng Sơn đến TP Hạ Long, đáp ứng nhu cầu đi lại, tạo điều kiện thuận lợi giao thương hàng hoá; góp phần thu hút đầu tư, mở ra cơ hội mới cho phát triển kinh tế – xã hội cho cả Quảng Ninh và Lạng Sơn.
Cũng trong tháng 7/2024, dự án cầu Bến Rừng và đường nối giữa huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) với TX Quảng Yên (Quảng Ninh) sau hơn 2 năm thi công đã được khánh thành, đưa vào sử dụng. Đây là công trình hành lang giao thông đường bộ thứ 3 kết nối giữa hai địa phương, hiện thực hoá chương trình hợp tác, kết nối liên vùng cùng thúc đẩy phát triển.
Tỉnh Quảng Ninh đang phối hợp với TP Hải Phòng và tỉnh Hải Dương đầu tư, kiến tạo một số dự án giao thông kết nối liên vùng giai đoạn 2022-2025, như: Tuyến nối QL18 và đường ven sông Đông Triều – Quảng Yên (Quảng Ninh) với cao tốc Hà Nội – Hải Phòng tại huyện Thanh Hà (tỉnh Hải Dương); trục giao thông kết nối huyện Yên Dũng (tỉnh Bắc Giang), TP Chí Linh (tỉnh Hải Dương) với TX Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh); đầu tư cải tạo nâng cấp QL10 đoạn từ nút giao với QL18 (tỉnh Quảng Ninh) đến cầu vượt Quán Toan (TP Hải Phòng).
Ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông có tính liên kết cao, các KKT, KCN, hạ tầng cảng biển và dịch vụ cảng biển để tạo ra trung tâm kết nối hạ tầng dịch vụ, giao thông quốc tế. Đây sẽ là bàn đạp để tỉnh thu hút đầu tư xây dựng, phát triển, hoàn thiện hạ tầng cảng biển và dịch vụ cảng biển trọng tâm tại Cẩm Phả, Hải Hà, Móng Cái, Quảng Yên… Về hạ tầng các KKT, KCN, tỉnh ưu tiên bố trí vốn để xây dựng hạ tầng thiết yếu, các công trình có tính lan tỏa. Đây sẽ là cơ sở để tỉnh thu hút đầu tư các dự án chế biến, chế tạo công nghệ cao, công nghiệp sạch, công nghiệp thông minh; các dự án có casino, du lịch biển đảo cao cấp, dịch vụ tổng hợp quốc tế…
Tập trung đầu tư phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, Quảng Ninh kỳ vọng tạo ra những đột phá mới, từ đó tạo động lực để thúc đẩy phát triển các lĩnh vực khác, nâng cao vị thế của tỉnh trong nước và khu vực.