Phát triển cơ điện và chế biến xuất khẩu nông sản chủ lực của tỉnh theo chuỗi giá trị từ khâu tạo lập vùng nguyên liệu đến thu hoạch, sơ chế, chế biến gắn liền với thị trường tiêu thụ để nâng cao giá trị cho các mặt hàng nông sản một cách bền vững. Đây là phát biểu của Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Mạnh Thường tại buổi làm việc với các công ty, doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp tại huyện Phú Riềng và thị xã Phước Long sáng 20-2.
Qua thăm nắm tình hình sản xuất – kinh doanh tại các doanh nghiệp, một trong những khó khăn lớn nhất của các nhà máy chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh hiện nay là thiếu gắn kết với vùng nguyên liệu. Kiểu dáng sáng chế máy chế biến nông sản dễ bị đánh cắp về sở hữu trí tuệ. Đặc biệt là hệ thống điện 3 pha phục vụ đầu tư công nghệ trong sản xuất nông nghiệp hiện còn thiếu và yếu. Nhiều nông trại không thể ứng dụng công nghệ tưới thông minh trong sản xuất nông nghiệp khiến giá thành nông sản còn ở mức cao. Do vậy, các doanh nghiệp đề nghị ngành nông nghiệp cũng như UBND tỉnh Bình Phước có cơ chế, chính sách bảo vệ sở hữu trí tuệ đối với kiểu dáng công nghệ chế biến nông sản, tập trung đầu tư hệ thống điện 3 pha cho những vùng sản xuất nông nghiệp tập trung để giúp người dân và doanh nghiệp thuận lợi hơn trong xây dựng vùng nguyên liệu và hạ giá thành các mặt hàng nông sản.
Phát biểu với các doanh nghiệp cơ điện và chế biến xuất khẩu nông sản chủ lực của tỉnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Mạnh Thường đã ghi nhận và chia sẻ những khó khăn của các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.
Để phát huy hơn nữa vai trò cơ giới hóa trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm nâng cao chuỗi giá trị các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh một cách bền vững, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các doanh nghiệp đầu tư dây chuyền công nghệ chế biến sâu, hiện đại gắn với vùng nguyên liệu. Chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp bằng cách gắn chế biến sản phẩm nông nghiệp theo nhu cầu của thị trường tiêu thụ.