Để giúp hội viên chuyển đổi phương thức sản xuất từ đơn lẻ sang sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tập trung theo chuỗi giá trị, các cấp HND tỉnh đẩy mạnh thành lập các chi, tổ hội nghề nghiệp trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ, nuôi trồng thủy sản.
Chi hội Nông dân giúp nhau phát triển kinh tế xã Tiền Phong (TX Quảng Yên) được thành lập tháng 10/2024 với 15 thành viên là các hội viên nông dân trồng sinh vật cảnh, NTTS, kinh doanh trên địa bàn xã, hoạt động theo nguyên tắc “5 tự, 5 cùng” (tự giác, tự nguyện, tự chủ, tự quản, tự chịu trách nhiệm; cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề SCKD, dịch vụ; cùng mối quan tâm; cùng có sự chia sẻ; cùng chịu trách nhiệm; cùng hưởng lợi”. Chi hội sinh hoạt định kỳ 1 lần/quý, họp đột xuất khi có yêu cầu. Tham gia Chi hội, các thành viên được tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng, chia sẻ kinh nghiệm liên quan về kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh, kênh vật tư, vốn vay… để phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả. Bà Đỗ Thị Khái, Chủ tịch HND xã Tiền Phong, cho biết: Thành lập Chi hội Nông dân nhằm thiết lập mối liên kết chặt chẽ giữa hội viên nông dân, thúc đẩy phong trào nông dân thi đua SSKD giỏi, nâng cao thu nhập cho người dân gắn với xây dựng NTM của xã.
Tổ hội nghề nghiệp “Cơ giới hóa nông nghiệp” thôn Đông Hà (xã Tân Lập, huyện Đầm Hà) thành lập tháng 7/2023 với 11 thành viên là hội viên nông dân, giúp gắn kết, chia sẻ kinh nghiệm về phát triển kinh tế, nhất là việc đầu tư, áp dụng các thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp. Từ đó nâng cao hiệu quả canh tác, tăng thu nhập bền vững.
Thời gian qua, các chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp có bước phát triển mạnh mẽ về số lượng, chất lượng. Đến nay toàn tỉnh thành lập được 71 chi hội nông dân nghề nghiệp với 1.379 thành viên; 160 tổ hội nông dân nghề nghiệp với trên 1.300 thành viên. Sinh hoạt chi, tổ hội có nhiều chuyển biến tích cực, đổi mới cả về nội dung, hình thức, phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu của hội viên, gắn với quyền lợi, nghĩa vụ của hội viên nông dân và nhân dân. Đặc biệt là vận động thành viên áp dụng tiến bộ KHKT, huy động nguồn vốn, lao động, tạo sự liên kết hợp tác với nhau và với các doanh nghiệp, góp phần tăng năng suất, chất lượng, thu nhập.
Nhằm khích lệ thành lập chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp, HND tỉnh đã chỉ đạo các cấp HND tăng cường khảo sát, nắm bắt tình hình SXKD của hội viên, nông dân nhằm lựa chọn, phát huy thế mạnh ngành nghề, lĩnh vực của các địa phương để tuyên truyền, vận động đăng ký thành lập, tham gia; hướng dẫn thành lập mới chi, tổ hội, nhất là địa bàn dân cư vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Trong đó lấy hội viên nông dân SXKD giỏi có uy tín làm nòng cốt để xây dựng các chi, tổ hội.
HND các cấp tổ chức tốt hoạt động hỗ trợ, tư vấn, phối hợp xây dựng các chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế – xã hội; thúc đẩy hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối thị trường, xây dựng thương hiệu, nâng cao sức cạnh tranh của nông sản. Đặc biệt chú trọng nghiên cứu, đề xuất các chính sách hỗ trợ về vốn, kỹ thuật, phương thức quản lý vận hành để giúp thành viên chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp có định hướng cụ thể về sản xuất, phát triển kinh tế hiệu quả.