Bão Yagi quét qua Quảng Ninh đã gây vô số thiệt hại về cơ sở hạ tầng cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, trong đó có các đội tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long. Không chỉ bị hư hại, nhiều tàu còn bị bão đánh chìm đắm khiến việc khắc phục thiệt hại mất nhiều thời gian và vô cùng tốn kém về kinh phí. Để nắm bắt rõ hơn về các đội tàu du lịch sau bão cũng như hướng phát triển thời gian tới đây, vừa qua, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Văn Hồng (ảnh), Chi hội trưởng Chi hội Tàu du lịch Hạ Long.
– Thưa ông, sau cơn bão Yagi, thực trạng đội tàu du lịch của Hạ Long hiện ra sao?
+ Sau bão Yagi, các tàu du lịch đang hoạt động trên Vịnh Hạ Long chủ yếu bị thiệt hại nhỏ, chủ tàu chủ động tự sửa chữa, khắc phục, hiện đã trở lại đón khách bình thường. Tuy nhiên, có 28 tàu du lịch và 6 tàu chuyển tải bị đắm, cho đến nay, các tàu cơ bản đã được trục vớt lên. Trong đó, có 2 tàu vỏ thép gồm 1 tàu lưu trú với 24 phòng và 1 tàu tham quan công suất 99 khách, hiện đang đưa vào sửa chữa, khắc phục tại các nhà máy trên địa bàn, còn lại là tàu vỏ gỗ thì đa số bị hỏng hóc nặng do ngâm nước lâu ngày.
Tàu du lịch ở Quảng Ninh có đặc thù riêng, tuy nhiên với rủi ro từ thiên tai hiện chưa có sự hỗ trợ từ chính sách, vì vậy chúng tôi đã kiến nghị, tỉnh cũng đang đề xuất lên trung ương xem xét sửa đổi, bổ sung và có cơ chế đặc thù để hỗ trợ cho tàu vận tải và tàu du lịch bị đắm do cơn bão số 3, để tránh thiệt thòi cho các đội tàu du lịch của Hạ Long.
Cơ chế, chính sách chưa có, việc hỗ trợ cho các tàu bị chìm đắm thời gian qua chủ yếu là từ sự chung tay ủng hộ của các tổ chức, cộng đồng. Chi hội Tàu du lịch Hạ Long đã sử dụng nguồn kinh phí của mình ủng hộ 3 triệu đồng/tàu. Bên cạnh đó là kêu gọi các mạnh thường quân từ hội viên và nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ được 6,8 triệu đồng/tàu, Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh hỗ trợ 1 triệu đồng/tàu. Phòng CSGT đường thuỷ động viên chia sẻ mỗi tàu 2 thùng mỳ tôm…
– Như thế, kinh phí cũng không đáng bao nhiêu so với kinh phí trục vớt tàu?
+ Mỗi tàu có mức kinh phí trục vớt khác nhau, ví dụ như tàu lưu trú bị đắm kể trên có kinh phí trục vớt là 1,5 tỷ đồng, tàu tham quan vỏ thép 99 chỗ là 650 triệu đồng, còn lại các tàu tham quan khác đều mất trên dưới 100 triệu đồng cho trục vớt.
Thiệt hại rất lớn, các chủ tàu khó khăn lắm, tỉnh cũng rất chia sẻ với các chủ tàu nhưng vì theo quy định của Nhà nước không được hỗ trợ nên tỉnh đã đề nghị chi hội, các chủ tàu có kiến nghị gửi về để tỉnh chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng thương mại cổ phần có chính sách ưu đãi đặc biệt về lãi suất cũng như những gói vay hỗ trợ để cho các chủ tàu đóng mới hay tái sửa chữa, nâng cấp để tiếp tục đưa vào hoạt động những con tàu này.
– Khó khăn như vậy, các chủ tàu kể trên có đơn vị nào sang nhượng không hay là vẫn cố gắng duy trì?
+ Có đơn vị, gia đình có 2-3 tàu bị chìm đắm thì cũng phải chuyển nhượng bớt bởi vì khả năng kinh tế không còn nữa nên không khắc phục được, chuyển nhượng để lấy kinh phí trả vốn vay ngày xưa thế chấp bằng tài sản, nhà cửa, rồi dùng vốn đối ứng để đóng mới thay thế những con tàu còn lại thôi. Còn những người có khả năng lại lấy lốt tàu đó để mà thay thế bằng những con tàu vỏ thép, tàu lớn với sức chở trên 200 khách như dự thảo Kế hoạch phát triển, nâng cao chất lượng đội tàu du lịch hoạt động trên Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long đến năm 2030 mới đưa ra. Đó cũng là một xu hướng thay chủ đầu tư để phát triển đội tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long.
Cũng phải chia sẻ thêm là qua đợt bão này mới thấy các chủ tàu rất đam mê công việc, một phần vừa muốn làm việc trên Vịnh Hạ Long, phần khác là muốn tạo công ăn việc làm cho chính bản thân và gia đình. Có những trường hợp 2-3 gia đình chung nhau một con tàu, giờ mới thấy rõ họ đam mê như thế thì họ mới quyết tâm đầu tư, chứ nếu chỉ vì kinh tế thì khi có tiền họ thiếu gì việc kinh doanh mà đi đầu tư vào một con tàu du lịch vốn thì lớn, lại thả tiền xuống biển khó lắm.
– Các chủ tàu du lịch kinh doanh dịch vụ trên biển có nhiều rủi ro, tác động từ ngoại cảnh nhưng nhiều người lại không mua bảo hiểm thân vỏ, theo ông là vì sao?
+ Có một thực tế là nếu các chủ tàu không vay ngân hàng để đóng tàu thì cũng không quan tâm tới bảo hiểm thân vỏ. Bởi vì, phí bảo hiểm thân vỏ hiện nay quá cao, đơn cử như đối với tàu vỏ gỗ 48 chỗ thì phí bảo hiểm thân vỏ mỗi năm lên tới 50-70 triệu đồng nên các chủ tàu không tiếp cận được. Các chủ tàu rất muốn mua bảo hiểm thân vỏ nhưng thu nhập mỗi tháng được tầm 20 triệu đồng mà trừ tiền bảo hiểm mất mấy triệu thì người ta không mặn mà, chỉ có thể mua bảo hiểm bắt buộc thôi. Vậy nên thiết nghĩ các đơn vị bảo hiểm cũng cần xem lại có những thang, bậc phù hợp để chủ tàu quan tâm, đảm bảo hài hoà lợi ích hai bên.
– Càng ngày tàu trên Vịnh Hạ Long càng phát triển theo xu hướng chất lượng cao cấp hơn, cả về mặt kỹ thuật, trang thiết bị phương tiện, nội thất… Như thế, các chủ tàu kinh doanh du lịch lâu năm nhưng tiềm lực kinh tế ở mức nhất định liệu có cạnh tranh nổi?
+ Đây cũng là xu hướng chung, là động lực khích lệ các chủ tàu trong việc liên kết với nhau để đóng những con tàu tầm cỡ, bởi vì nhu cầu của khách ngày càng cao, thêm nữa là đảm bảo an toàn, tạo thêm dịch vụ mới cho du khách trải nghiệm khi đến với Hạ Long. Kể cả là các chủ tàu có phương tiện bị chìm đắm do bão vẫn giữ nghề, đam mê nghề, chỉ bớt đi phương tiện chứ không ai rời bỏ cuộc chơi đâu.
Thực tế, có những gia đình hai vợ chồng cùng làm, giờ mà bán hết tàu thì họ cũng không biết làm gì. Chính tôi cũng thế thôi, tài chính bỏ ra 20-30 tỷ đồng để đóng một con tàu là không có, thế nhưng do thị hiếu thị trường hiện nay buộc mình phải có quyết tâm mà đầu tư cũng như kêu gọi vốn từ người thân trong gia đình, vay ngân hàng để đầu tư nâng cấp dịch vụ của mình lên, chứ không làm sao có dịch vụ mới được.
– Theo dự thảo Kế hoạch phát triển, nâng cao chất lượng đội tàu du lịch hoạt động trên Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long đến năm 2030, mục tiêu là đến năm 2030 sẽ đạt 100% số lượng tàu du lịch hoạt động trên Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long được đóng mới/thay thế bằng vỏ thép hoặc vật liệu tương đương. Việc đóng mới tàu du lịch, khuyến khích tàu có trọng tải từ 200 khách trở lên và tàu lưu trú đóng đáy đôi và nâng cao tiêu chuẩn, điều kiện an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường, có chất lượng dịch vụ cao. Ông nghĩ gì về những mục tiêu này?
+ Tôi cho rằng, xu hướng đó là hoàn toàn phù hợp với bây giờ. Bởi vì theo khuyến cáo của UNESCO thì không gia tăng số lượng đầu tàu mà giảm đi, thứ hai nữa cũng là định hướng cho doanh nghiệp nắm bắt chủ trương, định hướng phát triển bền vững, lâu dài cho Vịnh Hạ Long và đầu tư phát triển đội tàu du lịch. Nếu không có những kế hoạch cụ thể như thế thì các chủ tàu như chúng tôi cũng không biết phát triển như thế nào; có chủ trương như thế, chúng tôi sẽ mạnh dạn đầu tư theo định hướng của tỉnh để ngày càng phát triển các đội tàu hiện đại hơn, cao cấp hơn.
– Dự thảo Kế hoạch kể trên còn đề cập tới việc đến năm 2025 bổ sung 100 tàu trên Vịnh Bái Tử Long, vậy các chủ tàu nắm bắt chủ trương này ra sao?
+ Chúng tôi hoàn toàn đồng tình, ủng hộ, mong muốn sớm được phát triển đội tàu du lịch trên Vịnh Bái Tử Long theo dự thảo Kế hoạch này. Tuy nhiên, cũng phải chia sẻ rằng, để phát triển 100 tàu trên Vịnh Bái Tử Long thì tỉnh, các địa phương liên quan cần phải quan tâm đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng cảng bến khu vực neo đậu, khu vực đón trả khách tại các điểm tham quan. Các điểm tham quan cũng cần sớm được công bố và đầu tư cả ở khu vực Vân Đồn và Cẩm Phả…
– Xin cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn!