Xác định rõ PCTT-TKCN là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình, LLVT tỉnh đã phát huy tốt vai trò xung kích tham gia ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, TKCN; là chỗ dựa tin cậy của cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong tỉnh.
Chủ động từ xa, từ sớm
Đại tá Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, cho biết: Với phương châm “Chủ động phòng chống, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, hiệu quả, trong đó lấy phòng là chính”, những năm qua Bộ CHQS tỉnh luôn làm tốt vai trò, chức năng là cơ quan thường trực của Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và phòng thủ dân sự (PTDS) tỉnh. Bộ CHQS tỉnh chủ động triển khai từ xa, từ sớm các biện pháp trong công tác PCTT-TKCN nhằm giảm tối đa thiệt hại, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân trong mùa mưa bão.
Bộ CHQS tỉnh tham mưu kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS tỉnh, cấp huyện đúng cơ cấu theo quy định; xây dựng, bổ sung kế hoạch PCTT-TKCN, phương án phòng chống bão mạnh, siêu bão, phương án ứng phó thiên tai cấp độ rủi ro; chỉ đạo làm tốt các công tác dự báo, phòng ngừa, ứng phó. Trên cơ sở các kế hoạch, phương án, tham mưu phân công trách nhiệm cụ thể từng thành viên Ban Chỉ huy gắn với chức năng từng lĩnh vực, ngành trong chỉ đạo, điều hành các lực lượng khi có tình huống xảy ra.
Tháng 4 hằng năm, Bộ CHQS tỉnh chỉ đạo xây dựng kế hoạch, tham mưu tổ chức hiệp đồng giữa LLVT tỉnh với các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn về huy động lực lượng, phương tiện, cơ sở vật chất; thống nhất cách thức tổ chức chỉ huy, điều hành các lực lượng trong xử trí các tình huống về thiên tai, TKCN và ứng phó các sự cố sập đổ các công trình, hầm lò. Đồng thời thường xuyên phối hợp với Sở NN&PTNT tham mưu cho Ban Chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS tỉnh duy trì nghiêm chế độ trực chỉ huy, trực ban, trực PCTT-TKCN từ cơ quan đến các đơn vị cơ sở; phối hợp với các địa phương, đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn nắm chắc các phương tiện tàu, thuyền, các hộ nuôi trồng thủy sản, rà soát, bổ sung những địa bàn, khu vực trọng điểm về phòng chống cháy nổ, cháy rừng và xảy ra thiên tai, nhằm chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia xử trí các tình huống.
Đi đôi với đó, Bộ CHQS tỉnh thường xuyên chú trọng công tác tập huấn, huấn luyện, diễn tập. Hằng năm Bộ CHQS tỉnh chỉ đạo cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức nhiều biện pháp nâng cao chất lượng huấn luyện, hội thao, diễn tập với các nội dung, tình huống ứng phó sự cố thiên tai; tập trung huấn luyện theo chương trình huấn luyện cơ bản và huấn luyện bổ trợ các nội dung thực hành tìm kiếm người bị nạn, phương pháp cứu đuối, di chuyển người, tài sản ra khỏi vùng nguy hiểm về thiên tai, thảm họa…
Sẵn sàng ứng phó mùa mưa bão
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, năm 2024 tiếp tục là năm chuyển pha ENSO, nên thời tiết khí hậu thường có những biến động mạnh trên phạm vi toàn quốc và khu vực Biển Đông. Bão, áp thấp nhiệt đới có thể hình thành nhiều hơn, tập trung nhiều hơn vào nửa cuối mùa bão.
Trước những diễn biến của thời tiết, khí hậu, thiên tai, dịch bệnh ngày càng phức tạp, khó lường; yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong thực hành xử trí các tình huống về thiên tai và TKCN ngày càng cao. Bởi vậy, công tác PCTT-TKCN được Bộ CHQS tỉnh triển khai lấy phương châm “3 trước, 4 tại chỗ” làm chủ đạo, bảo đảm tuyệt đối an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, nhất là các vùng biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, khu kinh tế, cảng biển và giảm tối đa tác động tới phát triển kinh tế.
Để làm tốt công tác PCTT trong mùa mưa bão năm 2024, các đơn vị LLVT tỉnh thường xuyên duy trì lực lượng, phương tiện; rà soát, kiểm kê, chuẩn bị đầy đủ vật tư, trang thiết bị, các phương án xử trí đối với mọi tình huống có thể xảy ra, với quan điểm lấy phòng ngừa là chính. Tổ chức lực lượng tại chỗ của đơn vị bảo vệ các kho tàng, doanh trại, nhà xe, chú ý các kho vũ khí, đạn, kho hậu cần, doanh trại; sẵn sàng lực lượng cơ động ứng cứu và khắc phục hậu quả do ngập lụt, sạt lở, cháy nổ… Thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
Bộ CHQS tỉnh phối hợp với các cơ quan chức năng khảo sát, xác định các khu vực trọng điểm để có phương án phòng chống khi có bão, lũ xảy ra, như: Tuyến đê đảo Hà Nam (TX Quảng Yên), đê tả sông Kinh Thầy (TX Đông Triều), đê biển Bắc Cửa Lục (TP Hạ Long), hồ chứa nước Yên Lập; các khu vực có nguy cơ xảy ra ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét của 13 huyện, thị xã, thành phố… Từ đó dự kiến các tình huống sát với thực tế địa phương, tổ chức luyện tập cơ động lực lượng ứng cứu theo phương án, bảo đảm khi có sự cố xảy ra không bị bất ngờ.
Cùng với đó tổ chức hiệp đồng công tác ứng phó sự cố thiên tai và TKCN giữa địa phương với các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn, chủ động đối phó kịp thời trước diễn biến phức tạp của thiên tai. Khi có tình huống xảy ra, sử dụng lực lượng tại chỗ của tỉnh hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng giữ vững tuyến đê sông, đê biển, hồ đập tại khu vực các địa phương: Vân Đồn, Đầm Hà, Hải Hà, Quảng Yên, Đông Triều, Hạ Long, Móng Cái; sẵn sàng lực lượng di chuyển người và sơ tán tài sản của Nhà nước và nhân dân.