Thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh, các cấp, ngành, địa phương đã quan tâm, ban hành và triển khai nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách để phát triển kinh tế tập thể, góp phần phát triển bền vững kinh tế – xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo.
Húc Động là xã có diện tích trồng dong riềng lớn nhất huyện Bình Liêu với 60ha, chiếm gần 1/2 diện tích trồng dong toàn huyện. Phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, năm 2014, HTX phát triển Đình Trung (thôn Nà Ếch, xã Húc Động) được thành lập với 8 thành viên đều là người dân tộc Sán Chỉ, vốn điều lệ 1,2 tỷ đồng.
Anh La A Nồng, Giám đốc HTX, chia sẻ: Trước đây, các hộ sản xuất miến sợi theo phương pháp thủ công, năng suất thấp, không có bao bì, thị trường tiêu thụ chỉ loanh quanh địa bàn huyện, doanh thu đạt thấp. Từ khi thành lập HTX đến nay, nhờ nguồn kinh phí hỗ trợ từ Liên minh HTX Việt Nam và các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 194/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về chính sách khuyến khích đầu tư, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh, HTX đã đưa một số máy móc, công nghệ vào sản xuất, chế biến, đóng gói kết hợp với phương pháp làm miến thủ công truyền thống, nhờ đó, năng suất được nâng cao nhưng vẫn giữ được chất lượng đặc trưng, tăng thêm giá trị thẩm mỹ cho sản phẩm. Hiện nay, sản phẩm miến sợi của HTX đã được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Ngoài ra, thông qua các hội chợ OCOP, các chương trình xúc tiến thương mại của tỉnh và huyện, sản phẩm miến dong của HTX được khách hàng biết đến nhiều hơn, thị trường tiêu thụ mở rộng hơn, thu nhập của các thành viên được bảo đảm. Năm 2024, HTX sản xuất được 20 tấn miến sợi, doanh thu đạt hơn 1,6 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay.
Năm 2017, HTX Hồng Hải (thôn Hồng Hải, xã Đồng Tiến, huyện Cô Tô) được thành lập với 11 thành viên, gồm những người kinh doanh homestay và dịch vụ vận tải, vốn điều lệ 2 tỷ đồng. Trước đây, các hộ kinh doanh tự phát, nhỏ lẻ, chất lượng dịch vụ hạn chế, thiếu tính chuyên nghiệp nên rất vất vả mà thu nhập không cao. Từ khi thành lập HTX, các thành viên đã đoàn kết, cùng hợp tác, liên kết, tương trợ lẫn nhau trong công việc kinh doanh, mang lại thu nhập cao hơn.
Hiện nay, HTX có 15 homestay, sức chứa 60 người cùng 2 xe điện và 5 mảng chở khách. Mỗi năm, HTX đón từ 2.000 – 2.500 lượt khách du lịch, lợi nhuận sau thuế đạt từ 200-300 triệu đồng. Ông Đỗ Đức Thủy, Giám đốc HTX, cho biết: Mùa du lịch chỉ tập trung vào dịp hè, để tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho các thành viên, hiện nay, HTX đang xin các cấp chính quyền cho thuê mặt nước biển để nuôi trồng, chế biến hải sản nhằm tận dụng thế mạnh biển đảo.
Những năm qua, tỉnh đã quan tâm, hỗ trợ đất đai, cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ, vốn, xúc tiến thương mại… để phát triển kinh tế tập thể. Hết quý I/2024, toàn tỉnh có 877 HTX, 45.000 thành viên chính thức, trong đó có hơn 300 HTX ở khu vực miền núi, vùng đồng bào DTTS, biên giới, biển đảo (chiếm tỷ lệ 35%), hơn 2/3 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Các HTX đã thể hiện được vai trò trong thay đổi nhận thức, phương thức sản xuất, kinh doanh dịch vụ của các thành viên, nhất là trong liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tham gia tích cực vào chuỗi liên kết giá trị, từ đó nâng cao giá trị trên diện tích đất canh tác, tăng thu nhập bền vững cho các thành viên.
Hiện nay, doanh thu bình quân của các HTX trong lĩnh vực nông – lâm – ngư nghiệp đạt bình quân khoảng 850 triệu đồng, lợi nhuận bình quân đạt 150 triệu đồng. Toàn tỉnh có 76 sản phẩm của 52 HTX vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, biển đảo tham gia chu trình OCOP, trong đó có 62 sản phẩm đạt 3 sao, 14 sản phẩm đạt 4 sao.
Theo Liên minh HTX, năm 2024, toàn tỉnh sẽ thành lập thêm 55 HTX, trong đó có từ 15-20 HTX ở khu vực miền núi, vùng đồng bào DTTS, biên giới, biển đảo nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, không để ai bị bỏ lại phía sau.