Sau 10 năm thực hiện Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị (khóa XI), việc MTTQ, các tổ chức chính trị – xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trên địa bàn tỉnh đã đạt được kết quả tích cực, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội, góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.
Những năm qua, Quảng Ninh luôn là tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao và ổn định trong cả nước. Kinh tế phát triển, cơ sở hạ tầng, đường giao thông, các công trình đô thị, công trình phúc lợi được xây dựng góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển nảy sinh nhiều vấn đề bất cập chưa có tiền lệ, liên quan đến an ninh phi truyền thống; nếu không được giải quyết tốt sẽ ảnh hưởng đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, công tác điều hành, quản lý nhà nước của chính quyền các cấp và tình hình an ninh, chính trị, sự đồng thuận trong xã hội; dễ trở thành điểm nóng, đơn thư khiếu nại, tố cáo ảnh hưởng đến sự phát triển KT-XH của tỉnh và từng địa phương.
Do vậy, thời gian qua các hoạt động giám sát, phản biện xã hội và góp ý của MTTQ, các tổ chức chính trị – xã hội và nhân dân trên địa bàn được các cấp uỷ đảng tập trung lãnh đạo, các cấp chính quyền luôn xác định là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên trong triển khai nhiệm vụ.
Giai đoạn 2013-2023, MTTQ các cấp đã thực hiện 2.031 cuộc góp ý định kỳ, 3.640 cuộc góp ý thường xuyên và 1.348 cuộc góp ý đột xuất đối với tổ chức Đảng; thực hiện 1.289 cuộc góp ý định kỳ, 5.782 cuộc góp ý thường xuyên và 627 cuộc góp ý đột xuất đối với đảng viên. Nổi bật, trong quá trình chuẩn bị, tổ chức đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2015-2020; nhiệm kỳ 2020-2025, MTTQ cùng với các tổ chức chính trị – xã hội từ tỉnh đến cơ sở đã xây dựng kế hoạch và tổ chức 7.229 hội nghị lấy ý kiến của 185.156 lượt cán bộ, nhân dân tham gia đóng góp vào dự thảo văn kiện của đại hội đảng các cấp và dự thảo báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ tỉnh.
Trong xây dựng chính quyền, MTTQ các cấp đã thực hiện 3.854 cuộc góp ý định kỳ, 7.145 cuộc góp ý thường xuyên và 1.329 cuộc góp ý đột xuất đối với tổ chức, cơ quan; thực hiện 2.143 cuộc góp ý định kỳ, 6.174 cuộc góp ý thường xuyên và 1.517 cuộc góp ý đột xuất đối với cá nhân. Trong đó có nhiều ý kiến tham gia góp ý vào các vấn đề quan trọng như: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; công tác phòng chống dịch Covid-19, các cơ chế, chính sách nhằm nâng cao năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở; chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nưôi ra khỏi khu vực không cho phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh; chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng khó khăn khác trên địa bàn tỉnh; các chính sách nhằm kích cầu du lịch, phát triển và nâng cao chất lượng, cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục- đào tạo đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững…
Từ tháng 1/2014 đến hết tháng 12/2022, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã phối hợp với Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức 412 lượt tiếp xúc cử tri với gần 90.000 lượt cử tri tham gia và 1.835 lượt cử tri phát biểu ý kiến. Kịp thời tổng hợp và gửi những ý kiến, kiến nghị, tâm tư nguyện vọng của cử tri đến các cơ quan. Cùng với đó, giám sát các nhiệm vụ phát triển KT-XH tại địa phương, MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội đã có những đề xuất, kiến nghị cụ thể để cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện, đảm bảo quyền lợi hợp pháp, chính đáng của nhân dân.
Việc tổ chức hội nghị giao ban giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị với các tầng lớp nhân dân ở cả cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã; với MTTQ, các tổ chức chính trị – xã hội và bí thư, trưởng thôn, bản, khu phố, trưởng ban công tác mặt trận được thực hiện từ năm 2014 đến nay đã đi vào nề nếp. Từ năm 2014 đến nay, Quảng Ninh đã tổ chức 25.905 lượt đối thoại, trong đó 18.135 lượt đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy với nhân dân, 7.770 lượt đối thoại giữa người đứng đầu chính quyền với nhân dân.
Các kiến nghị, góp ý của MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội, nhân dân đã được các cơ quan, đơn vị tích cực tiếp thu, giải quyết và triển khai các giải pháp cụ thể tạo chuyển biến nhất định, đạt kết quả rõ rệt. Tinh thần, thái độ trách nhiệm đối với công việc được giao của đảng viên, CBCCVC, nhất là trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu đã có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác điều hành của cấp ủy, chính quyền cơ sở đã quyết liệt hơn, phân công công việc cho CBCCVC cụ thể, rõ ràng, từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Quảng Ninh đang và sẽ tập trung cao độ cho công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh gắn với xây dựng tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và xây dựng đội ngũ CBCCVC có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, phục vụ nhân dân và sự phát triển của địa phương. Chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở xác định việc tiếp thu ý kiến góp ý của MTTQ, các tổ chức chính trị – xã hội và nhân dân là trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị và mỗi CBCCVC; xác định đây là một trong những giải pháp căn bản để xây dựng chính quyền, xây dựng đội ngũ CBCCVC tận tụy phục vụ nhân dân.