Để nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương… thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh và các địa phương đã phát huy tốt vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội.
Cụ thể, UBND tỉnh đã ký kết Quy chế phối hợp số 194/QCPH ngày 30/11/2022 với Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội, trong đó có triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác tuyên truyền, giám sát, phát hiện, nắm bắt tình hình nhân dân, phát huy quy chế dân chủ ở cơ sở. Đồng thời, các địa phương tạo điều kiện để Ủy ban MTTQ các cấp làm tốt vai trò đại diện cho nhân dân, đảm bảo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra; vai trò trong giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”.
Trên cơ sở đó, MTTQ các cấp đã tăng cường công tác giám sát, phản biện xã hội với nhiều đổi mới, sáng tạo, hiệu quả. Trong năm 2023, MTTQ tỉnh đã tổ chức 7 hội nghị quán triệt, triển khai tại 7 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh cho gần 900 cán bộ chuyên trách của MTTQ, các tổ chức chính trị – xã hội cấp huyện, cấp xã và các thôn, khu phố.
Lần đầu tiên Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã giám sát việc thực hiện trách nhiệm và chương trình hành động của đại biểu HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026 đối với 18 đại biểu theo hình thức kết hợp vừa nghiên cứu, xem xét báo cáo, vừa tổ chức giám sát trực tiếp tại cơ quan, đơn vị nơi đại biểu công tác, lấy ý kiến nhận xét chi bộ nơi cư trú; tổ chức làm việc với các đại biểu được giám sát và các tổ đại biểu, các cơ quan, đơn vị có liên quan…
Sau giám sát, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh ban hành văn bản kiến nghị gửi các cơ quan, tổ chức có liên quan. Thường trực Tỉnh uỷ, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức, chủ trì hội nghị làm rõ các kiến nghị, trên cơ sở đó đã đánh giá kết quả giám sát của MTTQ tỉnh và đề nghị triển khai đến MTTQ các địa phương tiến hành giám sát đại biểu HĐND cùng cấp. Qua đó đã có 5 địa phương tổ chức và hoàn thành giám sát 37 đại biểu HĐND cùng cấp.
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh còn tổ chức và hoàn thành Chương trình giám sát tiến độ triển khai các dự án, công trình cấp huyện đăng ký gắn biển chào mừng kỷ niệm 60 năm thành lập tỉnh và việc thực hiện chuẩn bị 50.000 suất tái định cư giai đoạn 2021-2030; tiến hành giám sát 49 dự án, công trình tại 13 huyện, thị xã, thành phố.
Qua giám sát, Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã đề nghị Hội đồng đánh giá nghiệm thu tỉnh công nhận 38 dự án công trình đảm bảo đủ điều kiện gắn biển chào mừng kỷ niệm; kiến nghị các địa phương khẩn trương triển khai đảm bảo 50.000 suất tái định cư đáp ứng yêu cầu công tác GPMB, bố trí tái định cư đến năm 2030 trên địa bàn… Được biết đến đầu tháng 12/2023, tổng số suất tái định cư đã có quy hoạch chi tiết và triển khai đầu tư hạ tầng kỹ thuật là 8.828 suất. Tổng số suất tái định cư đã bố trí giai đoạn 2024-2025 là 6.863 suất. Tổng số suất tái định cư dự kiến bố trí giai đoạn 2026-2030 (theo quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết) là 34.309 suất, đảm bảo hoàn thành mục tiêu mà tỉnh đặt ra.
Đặc biệt, Ủy ban MTTQ tỉnh còn phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy triển khai giám sát 5 đảng bộ, đảng đoàn trực thuộc Tỉnh ủy và 6 đảng bộ cấp xã về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị về ban hành quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội và quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị – xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; tổ chức thành công phản biện xã hội đối với 3 dự thảo nghị quyết trình HĐND tỉnh.
Không chỉ vậy, MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội đã tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực, chủ động xây dựng Quảng Ninh thành khu vực phòng thủ vững chắc về quốc phòng, an ninh; chủ động ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống… Nhờ đó đã góp phần giúp tình hình ANTT trên tuyến biên giới, biển đảo, vùng đồng bào DTTS và tình hình nội bộ nhân dân được ổn định, không để xảy ra tình huống đột xuất, bất ngờ.
Với những cố gắng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò của MTTQ các cấp trong thực hiện công tác dân vận đã góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH, bảo đảm QP-AN, ổn định chính trị, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, chính quyền.