Các hợp tác xã (HTX) đã và đang tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm của nông dân trong ứng dụng các tiến bộ khoa học kĩ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất, thực hiện tốt việc liên doanh, liên kết, bảo đảm đầu ra ổn định cho nông sản.
Nhận thấy lợi ích của mô hình HTX, năm 2017, các hộ dân trồng ổi ở xã Sơn Dương, TP Hạ Long đã liên kết với nhau thành lập HTX nông lâm nghiệp Toàn Phú với mục tiêu cùng sản xuất, xây dựng thương hiệu ổi Hoành Bồ trở thành sản phẩm OCOP, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Ông Vũ Minh Thường, Giám đốc HTX cho biết: Đến nay, sau 7 năm hoạt động, HTX đã có hơn 10 thành viên tham gia với 30ha trồng cây ăn quả các loại. Sản phẩm chính của HTX là ổi lai lê mang thương hiệu OCOP 3 sao hiện đang có đầu ra ổn định, mang lại thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm cho các hộ thành viên. Nắm bắt xu thế, tận dụng diện tích đất hiện có, HTX cũng đang tập trung phát triển mô hình trồng cây ăn quả kết hợp du lịch sinh thái, trải nghiệm. Hiện đã có 4 thành viên trong HTX thực hiện mô hình này, bước đầu cho thấy hiệu quả, nâng cao thu nhập cho các hộ tham gia.
Việc chủ động liên kết, hình thành HTX cũng bước đầu mang lại thu nhập khá hơn cho các hộ dân của HTX nông dược Hòa Bình, xã Hòa Bình, TP Hạ Long. Là một địa bàn có đến 92% đồng bào dân tộc Dao sinh sống, sự ra đời của HTX đã và đang mở ra cơ hội phát triển kinh tế nông nghiệp cho bà con nơi đây. Hiện HTX đang có 7 thành viên, hoạt động trong lĩnh vực trồng rau. Sản phẩm chủ lực của HTX là bí xanh, đến kỳ thu hoạch đều được các đơn vị, doanh nghiệp đến tận ruộng thu mua hết, khiến bà con rất phấn khởi. Năm 2023, sản phẩm này đã được Hội nông dân (HND) xã hỗ trợ, hướng dẫn thủ tục cấp mã vùng.
Ông Hoàng Văn Hải, Giám đốc HTX nông dược Hòa Bình, xã Hòa Bình, TP Hạ Long cho biết: HTX đặt mục tiêu phát triển theo hướng nông nghiệp sạch, áp dụng công nghệ vào nâng cao năng suất, chất lượng nông sản. Qua đó, từng bước cải thiện, nâng cao thu nhập cho các thành viên tham gia.
Hiện, toàn tỉnh có 667 HTX, trong đó lĩnh vực nông nghiệp chiếm 70% tổng số HTX. Doanh thu bình quân mỗi năm 650 triệu đồng, lợi nhuận bình quân 290 triệu đồng, thu nhập bình quân lao động HTX gần 70 triệu đồng/người. Các HTX nông nghiệp đã phát huy được vai trò của mình, trong đó thể hiện sự thay đổi cách nghĩ, cách làm và quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả. Đồng thời, giúp các hộ gia đình, người dân áp dụng KHKT, công nghệ trong sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm và tìm kiếm thị trường đầu ra, tiêu thụ sản phẩm.
Xác định kinh tế tập thể, đặc biệt là HTX là thành phần quan trọng đối với lĩnh vực nông nghiệp, thời gian qua, các cấp HND tỉnh đã tập trung chỉ đạo, triển khai nhiều hoạt động nhằm tư vấn, hướng dẫn thành lập, hỗ trợ các mô hình kinh tế tập thể. Trong đó, chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho hội viên, nông dân, tạo sự chuyển biến từ sản xuất đơn lẻ sang liên kết, hợp tác, mở rộng quy mô. Cùng với đó, các hoạt động tư vấn, dịch vụ, đào tạo nghề, hỗ trợ vốn vay cho các HTX cũng được đẩy mạnh.
Từ sự tiếp sức của HND các cấp, nhiều HTX đã xây dựng được chuỗi giá trị trong sản xuất, có những đóng góp nhất định vào sự phát triển KT-XH của địa phương, tạo được việc làm, cải thiện, nâng cao đời sống cho hội viên, nông dân.
Cuối năm 2023, HTX dịch vụ nông nghiệp Phương Nam, TP Uông Bí được thành lập. Sự ra đời của HTX có vai trò quan trọng của HND phường, với mục đích cung ứng dịch vụ nông nghiệp, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cây trồng vật nuôi, con giống đảm bảo chất lượng; buôn, bán, kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp; sản xuất, kinh doanh, khai thác và tiêu thụ quả vải chín sớm Phương Nam cho các hộ dân trên địa bàn.
Anh Nguyễn Văn Hồng, Giám đốc HTX cho biết: Trước mắt, HTX sẽ tập trung khẳng định chất lượng hoạt động, tạo chỗ dựa vững chắc cho các thành viên để các hộ yên tâm sản xuất. Trong 3 năm đầu tiên, HTX đặt mục tiêu phấn đấu đạt doanh thu khoảng 700 triệu đồng/năm. Thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX đạt 80 triệu đồng/năm.
Có thể khẳng định, những chuyển biến tích cực từ các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đã và đang góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế nông nghiệp của tỉnh phát triển bền vững. Qua đó, giúp nâng cao thu nhập cho thành viên, người dân nông thôn và góp phần thúc đẩy chương trình xây dựng nông thôn ở các địa phương.