Những năm qua, phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” (ANTQ) gắn với công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội luôn được lực lượng công an tỉnh phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội đẩy mạnh triển khai, đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần phát triển kinh tế – xã hội bền vững.
Là một trong những địa bàn tập trung đông dân cư của TP Cẩm Phả, phường Cẩm Thịnh có nhiều cơ sở kinh doanh xen lẫn trong khu dân cư. Để đảm bảo ANTT, Công an phường đã phối hợp với Ủy ban MTTQ phường vận động nhân dân lắp đặt 190 camera an ninh tại tất cả 11/11 khu phố, kinh phí trên 200 triệu đồng.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Cẩm Thịnh, cho biết: Những camera này được lắp bằng kinh phí do người dân tự bỏ ra và từ nguồn ủng hộ của một số mạnh thường quân trên địa bàn, sau khi thấy lợi ích từ mô hình camera an ninh đem lại. Từ nguồn tin báo của nhân dân, chúng tôi đã phối hợp với khu phố và lực lượng công an xác minh thông qua trích xuất dữ liệu camera, phát hiện, xử lý kịp thời nhiều vụ việc vi phạm pháp luật. Nhờ đó tình hình ANTT trên địa bàn được kiểm soát tốt, vi phạm pháp luật giảm dần qua các năm, không có vụ việc nổi cộm, phức tạp.
Để đảm bảo ANTT ngay tại cơ sở, Công an TP Cẩm Phả đã phối hợp với Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội trên địa bàn thành lập 1.163 tổ nhân dân tự quản ANTT, 25 mô hình phong trào toàn dân bảo vệ ANTT; đồng thời tuyên truyền vận động 113 thôn, khu phố lắp đặt 790 camera an ninh.
Trong công tác phòng, chống tội phạm nói chung, phòng chống ma túy nói riêng, bên cạnh tham mưu các cấp ủy đảng, chính quyền thường xuyên quan tâm, chỉ đạo các tổ chức chính trị – xã hội, các ban, ngành, tăng cường triển khai các hoạt động, Công an tỉnh đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ và công an 13/13 địa phương xây dựng mô hình “dân vận khéo” tham gia phòng, chống ma túy. Trọng tâm của công tác này là đa dạng hóa các nội dung và hình thức vận động, tuyên truyền; khai thác, sử dụng hiệu quả các trang mạng xã hội để triển khai hoạt động tuyên truyền, giáo dục, cung cấp thông tin cho các hộ dân tại các địa bàn dân cư; thường xuyên phối hợp tổ chức các hoạt động phát động quần chúng tại các địa bàn trọng điểm; xây dựng mỗi thôn, xóm, khu phố là một “pháo đài” về phòng, chống ma túy, mỗi gia đình là “lá chắn” bảo vệ các thành viên trước sự xâm nhập của tệ nạn ma túy. Đồng thời kịp thời trao đổi thông tin về tình hình tội phạm, tệ nạn ma túy trong cộng đồng với các tổ nhân dân tự quản, gia đình có các đối tượng nguy cơ cao, người đang cai nghiện tại cộng đồng để có các giải pháp phòng, chống, giúp đỡ, răn đe, tố giác tội phạm.
Từ đầu năm 2024 đến nay, Công an tỉnh đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức 57 buổi tuyên truyền phòng chống tội phạm và tệ nạn ma túy cho 13.260 người; 4 lớp tập huấn trang bị kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ phòng, chống ma túy cho 580 tổ trưởng tổ bảo vệ ANTT ở cơ sở, nhằm phát huy vai trò lực lượng nòng cốt tại khu dân cư trong tham gia tuyên truyền, đấu tranh phòng, chống ma túy. Bên cạnh đó, duy trì, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTT ở cơ sở, như: “Cảm hóa thanh thiếu niên hư, tù tha, nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng”; “Cựu chiến binh tham gia quản lý, giáo dục, giúp đỡ và cảm hóa người lầm lỗi”; “Quản lý, giáo dục thanh thiếu niên có nguy cơ làm trái pháp luật”; “Quản lý con em trong gia đình không vi phạm pháp luật”… Trong đó mô hình dân vận khéo “Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy đối với thanh thiếu niên trên địa bàn tỉnh” đem lại hiệu quả tích cực trong công tác phòng ngừa tệ nạn ma túy, góp phần giảm tỷ lệ sử dụng ma túy trong thanh thiếu niên.
Thượng tá Nguyễn Duy Dũng, Trưởng Công an TP Hạ Long, cho biết: Các mô hình dân vận khéo khi được áp dụng rộng rãi, có chiều sâu đã thực sự phát huy hiệu quả. Bởi địa bàn rộng, lực lượng công an mỏng, vì thế với vùng sâu, vùng xa, khi thực hiện tốt công tác dân vận thì người dân nói chung, lực lượng an ninh cơ sở nói riêng chính là lực lượng đảm bảo việc nắm bắt tình hình nhân dân, nắm bắt dư luận, quần chúng nhân dân từ việc nhỏ nhất. Từ đó tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, lực lượng công an để có các biện pháp đảm bảo ANTT trên địa bàn.
Qua công tác tuyên truyền, vận động, người dân tích cực tham gia đấu tranh, tố giác tội phạm ngay từ cơ sở. Nhờ đó phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ngày càng phát triển có chiều sâu, tạo sự chuyển biến rõ rệt trong ý thức, trách nhiệm của nhân dân. Từ đó khơi dậy sức mạnh toàn dân tham gia bảo vệ ANTQ, xây dựng nếp sống văn minh đô thị, giữ vững địa bàn an toàn, góp phần phát triển kinh tế – xã hội địa phương.