Phát huy truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nhiều việc làm cụ thể, thiết thực, góp phần chăm lo ngày càng tốt hơn cho các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng trên địa bàn.
Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, hiện toàn tỉnh quản lý trên 48.600 người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ và đối tượng thờ cúng liệt sĩ. Trong đó có trên 8.800 người có công với cách mạng (cán bộ lão thành cách mạng; cán bộ tiền khởi nghĩa; Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; Anh hùng LLVT nhân dân; thương binh; bệnh binh; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày); 1.459 thân nhân liệt sĩ hưởng trợ cấp hằng tháng; 6.335 người thờ cúng liệt sĩ; trên 32.000 người là đối tượng người có công với cách mạng được tặng thưởng Huân, Huy chương Kháng chiến đã hưởng trợ cấp một lần.
Là một trong những địa phương đi đầu trong công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng và gia đình chính sách, công tác đền ơn, đáp nghĩa đã trở thành truyền thống mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc của Đảng bộ và chính quyền tỉnh. Các chế độ, chính sách cho người có công được tỉnh thực hiện đầy đủ. Nổi bật như triển khai Đề án hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ trên địa bàn tỉnh năm 2023, đến nay có 478 hộ được hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở (130 nhà xây mới, 348 nhà sửa chữa), chiếm 74% tổng số hộ được hỗ trợ theo quyết định của UBND tỉnh. Nguồn kinh phí đã giải ngân hỗ trợ cho các hộ là 21,6 tỷ đồng, đạt 62% tổng kinh phí phân bổ cho UBND các huyện.
Trước đó, giai đoạn 2013-2021, Quảng Ninh đã hoàn thành hỗ trợ nhà ở cho 12.322 hộ (6.467 nhà xây mới, 5.855 nhà sửa chữa) theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; NSNN hỗ trợ trên 482 tỷ đồng, kinh phí đối ứng của các hộ gia đình trên 1.000 tỷ đồng. Quảng Ninh là một trong những địa phương có số lượng lớn người có công được hỗ trợ nhà ở đã hoàn thành và về đích sớm. Qua đó góp phần động viên người có công và thân nhân người có công với cách mạng an tâm, vươn lên trong cuộc sống.
Bên cạnh thực hiện tốt các chính sách của trung ương, tỉnh đã ban hành một số cơ chế, chính sách riêng cao hơn nhằm góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người có công với cách mạng và gia đình chính sách. Hỗ trợ cho người có công trên địa bàn tỉnh đang được thực hiện theo Nghị quyết số 23/2023/NQ-HĐND của HĐND tỉnh. Theo đó, quy định mức điều dưỡng tập trung tại Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh là 1,8 triệu đồng/người/lần; hỗ trợ tổ chức tham quan các di tích lịch sử, văn hóa ở các địa phương trong nước theo chi phí thực tế, tối đa không quá 1,35 triệu đồng/người/lần (trước đây là 900.000 đồng/người/lần); người có công điều dưỡng tại nhà được hỗ trợ tiền ăn 900.000 đồng/người/lần (trước đây là 700.000 đồng/người/lần)… Bên cạnh đó phong trào vận động, ủng hộ xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa được các địa phương đẩy mạnh triển khai. Qua đó góp phần hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở, tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa, tặng quà cho các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng, tu sửa các công trình ghi công liệt sĩ…
Công tác chăm sóc đời sống thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng được chú trọng. Vào dịp lễ, Tết, ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7) hằng năm, tỉnh, các địa phương, đơn vị đều tổ chức các đoàn đại biểu đến thăm, tặng quà, động viên các gia đình chính sách tiêu biểu trên địa bàn. Dịp Tết Nguyên đán, để bảo đảm tất cả gia đình chính sách đều được đón Tết trong không khí vui tươi, đầm ấm, bên cạnh trao quà của Chủ tịch nước, của tỉnh cho các đối tượng chính sách theo đúng quy định, các địa phương trong tỉnh chủ động tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho đối tượng. Tỉnh tổ chức các đoàn đại biểu cán bộ và đối tượng chính sách tiêu biểu của tỉnh đi thăm viếng nghĩa trang liệt sĩ tại các tỉnh miền Trung, miền Nam để tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc…
Sự quan tâm kịp thời của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân tỉnh là niềm động viên, chỗ dựa tinh thần vững chắc đối với người có công và người thân của họ. Từ đó nhiều gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh đã nêu cao ý chí tự lực tự cường, khắc phục khó khăn, phát triển kinh tế gia đình, góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển.