Theo ghi chép, dòng họ Ngô (Quảng Yên) được hình thành từ thế kỷ 15. Cụ thể, vào năm 1434, thời vua Lê Thái Tông, niên hiệu Thiệu Bình, cụ Ngô Bách Đoan cùng 16 cụ khác ở phường Kim Liên, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức (Hà Nội) đã tự nguyện rời khỏi kinh thành đi khai phá vùng đất mới. Khi đến vùng đất Hà Nam (Quảng Yên), thấy nơi này có điều kiện thuận lợi để sinh sống, các cụ đã ở lại quai đê, lấn biển, khai hoang lập ấp.
Để tưởng nhớ công ơn của tiền nhân, nhân dân lập miếu thờ, suy tôn là các vị Tiên công, những người có công trong việc quai đê, lấn biển lập nên khu đảo Hà Nam. Đến khoảng thế kỷ 17, con cháu dòng họ Ngô cũng lập từ đường riêng để thờ cụ Ngô Bách Đoan và các vị thế tổ khác. Với những giá trị lịch sử và văn hóa, năm 2001, từ đường họ Ngô được Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch công nhận giá trị và xếp hạng cấp Quốc gia.
Ông Ngô Văn Toàn, Thường trực Hội đồng gia tộc, cho biết: Trải qua nhiều thế hệ phát triển, đến nay dòng họ Ngô (Quảng Yên) đã có khoảng 2.000 hộ dân, với gần 5.000 nhân khẩu. Mặc dù con cháu trong họ nhiều người đi làm ăn, sinh sống ở nhiều nơi, có người đã đảm nhiệm những chức vụ cao nhưng vẫn không quên nguồn cội, gốc gác từ mảnh đất Hà Nam. Anh em, con cháu dòng họ Ngô vẫn luôn yêu thương, giúp đỡ, học hỏi lẫn nhau để gìn giữ văn hóa tốt đẹp này và vươn lên trong cuộc sống, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Một trong những minh chứng của điều ấy là hằng năm vào những ngày trọng đại của dòng họ như ngày giỗ Tổ, lễ, tết, con cháu khắp nơi hội tụ về từ đường để tưởng nhớ vong linh ông bà, tổ tiên; nhắc nhở nhau về mối quan hệ thiêng liêng gắn bó; phê bình những người làm trái với quy định của gia đình, dòng họ; biểu dương những gia đình, cá nhân tiêu biểu, làm tấm gương về nhân cách và đạo đức cho dòng họ noi theo.
Đặc biệt, vào ngày lễ hội ở từ đường họ Ngô, gắn liền với lễ hội ở miếu thờ Tiên công tại xã Cẩm La được tổ chức vào ngày 7 tháng Giêng hằng năm, con cháu xa gần lại tề tựu đông đủ. Các gia đình vinh dự có cụ thọ 80, 90, 100 tuổi thì tổ chức khao thọ tại nhà. Trong ngày lễ, các cụ được mặc áo lụa, ngồi trên ngai vàng bằng gỗ, phủ vải hoa, con cháu, họ hàng đến chúc mừng. Đến sáng ngày 7 tháng Giêng thì rước các cụ thượng lên miếu Tiên công để làm lễ tế tổ.
Nhờ chú trọng tuyên truyền, giáo dục những truyền thống đạo lý tốt đẹp, các gia đình đều sống hòa thuận, bình đẳng và giúp đỡ nhau trong mọi công việc. Anh em hai bên nội, ngoại trong dòng họ đoàn kết cùng đẩy lùi những thói hư, tật xấu, các tệ nạn đang có nguy cơ len lỏi vào đời sống, đồng thời tương trợ, giúp đỡ nhau trong lao động sản xuất. Cùng với tập trung phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, các gia đình trong dòng họ cũng tích cực tham gia vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục – thể thao của địa phương…
Bằng việc giữ gìn và phát huy truyền thống gia đình dòng họ, nhiều loại quỹ được lập ra nhằm nâng cao tinh thần đoàn kết, giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau. Những nguồn quỹ này được trích để kịp thời thăm hỏi người ốm đau; khen thưởng các cháu học giỏi hay động viên người cao tuổi. Riêng đối với công tác khuyến học, dòng họ thành lập quỹ khuyến học – khuyến tài, xây dựng quy chế hoạt động của quỹ và bầu ra ban khuyến học của dòng họ.
Ban khuyến học thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền về truyền thống hiếu học của dòng họ, tích cực vận động các gia đình chăm lo cho con cái học hành tiến bộ. Đồng thời, dòng họ cũng có biện pháp giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn để tạo điều kiện cho con, cháu được đến trường. Nhờ đó, hằng năm dòng họ đều có người đỗ đại học, cao đẳng, nhiều cháu đạt danh hiệu học sinh giỏi các cấp; nhiều người hiện có bằng thạc sĩ, tiến sĩ và hàng trăm người có bằng đại học, cử nhân…