Không chỉ bảo tồn, gìn giữ trong cộng đồng, nét đẹp văn hóa người Dao Thanh Y, xã Bằng Cả (TP Hạ Long) được phát huy một cách hiệu quả, thiết thực.
Có lịch sử hình thành khoảng 300 năm trước đây, người Dao Thanh Y ở xã Bằng Cả là cộng đồng còn lưu giữ được nét văn hóa bản địa, đặc sắc. “Cộng đồng sống quần tụ, truyền đời, chúng tôi luôn có ý thức gìn giữ cũng như giáo dục người dân, thế hệ trẻ về văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Đây vừa là kho báu, vừa là nguyên liệu cho phát triển du lịch trong thời gian tới” – đồng chí Đặng Văn Mạnh, Bí thư Đảng ủy xã, chia sẻ.
Một trong những nét văn hóa truyền thống người Dao Thanh Y ở Bằng Cả còn giữ lại được là nghệ thuật múa hát như múa hát cầu mùa, hát giao duyên, múa rồng, múa chiêu binh, múa gà… Múa gà là vũ điệu bắt buộc phải diễn ra trong lễ cấp sắc và bắt buộc để công nhận người đàn ông trưởng thành theo phong tục người Dao. Hát cầu mùa thì buộc phải kết cặp, hát giao duyên thì dành riêng cho trai gái tìm hiểu nhau, nhất là hát trong các đám cưới. Các điệu múa, câu hát được các cô gái thể hiện trong các ngày lễ trọng, hội làng hằng năm.
Nét đặc trưng khác trong văn hóa truyền thống người Dao xã Bằng Cả là nghệ thuật thêu thổ cẩm, thể hiện sự khéo léo, tài tình của phụ nữ. Người Dao Thanh Y quan niệm, những cô gái giỏi giang khéo tay phải được thể hiện qua chính các bộ trang phục truyền thống nhiều sắc màu, kỳ công; hoa văn hài hòa… Từ các chất liệu thổ cẩm, rồi tơ tằm hoặc những sợi len, người phụ nữ Dao Thanh Y đã thêu, dệt lên những bộ trang phục tinh tế, chắc chắn, đẹp rực rỡ. Trang phục người Dao Thanh Y còn là của hồi môn dành cho con gái…
Văn hóa ẩm thực của người Dao Thanh Y tiêu biểu là nghệ thuật nấu rượu bâu, thể hiện sự khéo léo của phụ nữ Dao Thanh Y. Người đàn ông Dao Thanh Y mạnh mẽ bao nhiêu, thì người phụ nữ Dao Thanh Y khéo léo, đảm đang bấy nhiêu. Rượu bâu chính là sản phẩm của các cô, các chị, từ chất liệu men lá, kết hợp với kỹ thuật ủ đã tạo ra loại rượu thơm ngọt, say lòng người…
Theo Bí thư Đảng uỷ xã Bằng Cả Đặng Văn Mạnh, hằng năm Đảng ủy xã đều đưa việc giáo dục, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Dao Thanh Y vào các nghị quyết và kế hoạch. Nhiều lớp dạy học thêu, đan thổ cẩm, học chữ Nôm Dao, nghề thêu truyền thống, hát giao duyên, dân ca dân vũ… cho học sinh, thanh niên được mở ra. Đứng lớp là các nghệ nhân có tiếng như Trương Thị Quý, Trương Thị Đông… Ở các ngày hội làng, sinh hoạt cộng đồng, việc mặc trang phục truyền thống được yêu cầu, thậm chí bắt buộc. Gần đây, xã còn khuyến khích lớp trẻ quan tâm mặc trang phục trong lễ cưới.
Không chỉ giữ gìn văn hoá, người Dao Thanh Y giờ còn mong muốn giới thiệu, đưa văn hoá của mình bằng cách kết nối với du khách, các đoàn khách quốc tế. Anh Trần Văn Quân, người dân Bằng Cả, chia sẻ: Được định hướng, hỗ trợ, chúng tôi và 20 hộ dân khác đã tham gia “Tổ du lịch”. Từ người nông dân trở thành những hướng dẫn viên của bản làng, đồng lòng tổ chức các hoạt động văn nghệ, hát múa nhảy cấp sắc… nhằm tạo nét riêng giới thiệu với du khách.
Chỉ cách trung tâm TP Hạ Long vài chục km, tới nay nhiều đoàn khách đã đến Bằng Cả, tìm hiểu và thăm những ngôi nhà truyền thống, ngâm lá thuốc nam, trải nghiệm những buổi sinh hoạt văn nghệ, ẩm thực, nghe múa hát, xem đan thổ cẩm… cùng người Dao ở Bằng Cả. Có thể thấy, với sự đồng lòng, hướng đi đúng, người Dao Thanh Y ở Bằng Cả đang có cách làm hay trong bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa dân tộc mình.