Nhận thức tầm quan trọng của giám sát, phản biện xã hội, những năm qua, MTTQ các cấp trong tỉnh tích cực phát huy vai trò, trách nhiệm, triển khai có hiệu quả công tác này. Qua đó, phát huy vai trò chủ thể của nhân dân trong đời sống xã hội, phát huy dân chủ ở cơ sở.
Hoạt động giám sát được Ủy ban MTTQ và tổ chức chính trị – xã hội các cấp trong tỉnh chủ động triển khai toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm theo đúng Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 18-CT/TW, ngày 26/10/2022 của Ban Bí thư. Thông qua hoạt động giám sát đã kiến nghị để các cấp, các ngành có giải pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc, bất cập ảnh hưởng đến phát triển kinh tế – xã hội, ổn định xã hội; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân góp phần chung vào thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Nhiệm kỳ 2019-2024, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội các cấp trong tỉnh đã chủ trì, tổ chức và hoàn thành 2.720 chương trình giám sát, trong đó Ủy ban MTTQ các cấp chủ trì hoàn thành 2.166 chương trình giám sát trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh trật tự, cải cách hành chính, an sinh xã hội.
Đặc biệt, lần đầu tiên Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh tổ chức giám sát cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đại biểu dân cử. Từ năm 2021 đến hết năm 2023, Ủy ban MTTQ tỉnh đã giám sát 97 đồng chí là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu UBND cấp huyện và các sở, ban, ngành của tỉnh (36 đồng chí là chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp huyện; 61 đồng chí là giám đốc, phó giám đốc, trưởng ban, phó trưởng ban, cục trưởng, phó cục trưởng sở, ban, ngành thuộc tỉnh); giám sát 1.342 đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 (18 đại biểu HĐND tỉnh, 85 đại biểu HĐND cấp huyện, 1.239 đại biểu HĐND cấp xã) với các nội dung chủ yếu trong thực hiện trách nhiệm, quyền hạn, việc tu dưỡng đạo đức, lối sống đảm bảo khách quan, chính xác và thống nhất.
Cùng với đó, MTTQ các cấp còn tập trung giám sát công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư góp phần đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người dân. Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, các tổ hòa giải ở cơ sở thường xuyên được củng cố, kiện toàn, hoạt động hiệu quả. Nhiệm kỳ 2019-2024, Ủy ban MTTQ tỉnh đã tổ chức 2 chương trình kiểm tra tổng thể hoạt động của các Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng; tổ chức 2 hội nghị, hội thảo cấp tỉnh. Hằng năm tổ chức từ 10 đến 12 lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức cho thành viên Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng. Duy trì hoạt động hiệu quả của 1.569 tổ hòa giải.
Hoạt động phản biện xã hội từng bước được tập trung triển khai, đảm bảo đúng chức năng, trách nhiệm, quyền hạn theo quy phạm pháp luật, đồng thời tạo điều kiện để các tầng lớp nhân dân phát huy quyền làm chủ, tham gia vào quá trình xây dựng các chủ trương, chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Trong 5 năm qua, Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh đã tổ chức tham gia phản biện bằng văn bản với trên 1.500 dự thảo nghị quyết trình HĐND các cấp và quyết định, chương trình, dự án của UBND các cấp, các văn bản quy phạm pháp luật khác gửi các cơ quan, đơn vị chủ trì soạn thảo tiếp thu ý kiến.
Từ năm 2022 đến nay tăng cường hình thức phản biện thông qua tổ chức hội nghị, Ủy ban MTTQ tỉnh đã chủ trì tổ chức 4 hội nghị phản biện đạt kết quả cao. Các ý kiến phản biện của MTTQ được cơ quan trình, cơ quan quyết định ban hành tiếp thu đầy đủ, trở thành kênh thông tin quan trọng, cần thiết giúp chính quyền địa phương xem xét ban hành các chính sách đặc thù trên địa bàn; điển hình là phản biện dự thảo Quy định chuẩn nghèo đa chiều, giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh; phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết quy định khu vực không được phép chăn nuôi…
Ngoài tổ chức lấy ý kiến tham gia bằng văn bản, tổ chức hội nghị, Ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên đã triển khai lấy ý kiến qua các nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin như qua các cổng, các trang thông tin điện tử, trang cộng đồng (fanpage), các nhóm zalo… trong đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân.
Thông qua hoạt động giám sát và phản biện xã hội, MTTQ và các đoàn thể chính trị – xã hội phát huy quyền làm chủ của nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh, tạo điều kiện phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn.