Gần đây, thôn Khe Lục, xã Đại Dực (huyện Tiên Yên) trở thành một điểm đến “hot” của lữ hành, du khách với cảnh đẹp nếp nhà cổ người Sán Chỉ, các hoạt động văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Đây là khởi đầu ấn tượng, góp phần thúc đẩy du lịch cộng đồng dựa trên phát huy giá trị văn hóa truyền thống người Sán Chỉ.
Nhiều đoàn khách, lữ hành thích thú với không khí trong lành, màu xanh của cây cỏ, dong riềng. Giữa khung cảnh đó là homestay với mái nhà truyền thống của người Sán Chỉ làm bằng gạch đất, lợp ngói âm dương. Trước cửa nhà, tường rào được xếp bằng đá, mà không cần vữa xây, trát.
Mỗi ngôi nhà nơi đây còn là một không gian văn hoá, nơi giao lưu biểu diễn hát soóng cọ, múa tắc xình, đánh quay… Homestay này còn dành ra 5 phòng ngủ với sức chứa 18 người… để du khách trải nghiệm cuộc sống của đồng bào. Anh Lê Minh Thứ (phường Cao Thắng, TP Hạ Long), nhân viên một đơn vị lữ hành đi khảo sát xây dựng các tour du lịch chia sẻ: Tôi thấy Đại Dực thay đổi đáng ngạc nhiên. Cùng với các hồ, thác nước, ruộng bậc thang, nhà cổ đặc trưng của người Sán Chỉ với nét văn hóa truyền thống tạo ấn tượng, sức hấp dẫn lớn với du khách.
Để có những ấn tượng đó là nỗ lực không nhỏ của chính quyền, người dân trong gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa đặc trưng. “Từ đầu năm 2024, xã triển khai kế hoạch phát triển du lịch cộng đồng qua việc giữ nếp nhà, khôi phục các nét văn hóa truyền thống… Để hiện thực hóa, chúng tôi phát huy tinh thần, cán bộ, đảng viên đi trước. Nếu hiệu quả, thời gian tới, chúng tôi sẽ nỗ lực huy động sự tham gia, góp sức của người dân, tăng trải nghiệm cho du khách” – ông Hoàng Việt Tùng, Bí thư, Chủ tịch UBND xã Đại Dực cho biết.
Được biết, để có được kết quả ban đầu đó, không hề đơn giản. Bởi các nếp nhà truyền thống của người Sán Chỉ ở trên địa bàn xã hiện không còn nhiều. Phần vì bị xuống cấp, hư hỏng hoặc ở các địa bàn xa. Để thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng, xã đã vận động, thí điểm với vai trò đảng viên đi trước.
Căn nhà của anh Nình A Lộc, Phó Chủ tịch UBND xã vốn bị bỏ làm nhà kho, được cải tạo, khuôn viên trồng thêm hoa cây xanh, tạo cảnh quan. Những nét đặc trưng nhất của ngôi nhà được giữ nguyên. Tại đây, du khách sẽ được trải nghiệm nấu rượu, quạt thóc, ngâm chân, tắm thuốc và ẩm thực địa phương, giao lưu văn hóa, văn nghệ…
Nhằm thúc đẩy sự vào cuộc của cộng đồng, hiện xã đang vận động cải tạo thêm 1 ngôi nhà cổ cùng việc quan tâm gìn giữ khoảng 6-7 nếp nhà truyền thống còn giữ được nhiều nét đặc trưng. Nếu việc phát triển homestay trên hiệu quả thì mô hình này sẽ được triển khai rộng rãi.
Xã Đại Dực cũng định hướng tuyến du lịch tham quan các phong cảnh của địa phương như ruộng bậc thang, hồ nước, suối nước nóng, chợ phiên; chuẩn bị cơ sở hạ tầng để phát triển du lịch như khám phá núi Thông Châu cao trên 1.000m. Ngoài ra, bà con Sán Chỉ ở Đại Dực còn gìn giữ được nhiều nét văn hoá đậm đà bản sắc có thể khai thác du lịch như: Nghi lễ cầu mùa, hát soóng cọ, ẩm thực, đánh quay, đá bóng…
Để “tiếp sức” cho du lịch cộng đồng ở đây, thời gian qua, huyện Tiên Yên đã có nhiều đề án phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn giá trị văn hóa. Trong đó, quan tâm xây dựng các làng bản văn hóa của người Sán Chỉ, nhằm bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống đặc sắc, gắn với phát triển du lịch. Huyện còn cho mở các lớp dạy tiếng Sán Chỉ; khánh thành Trung tâm văn hóa dân tộc Sán Chỉ, tạo không gian sinh hoạt, bảo tồn và tổ chức các hoạt động văn hóa, lễ hội.
Nhờ đó, cho tới nay, các lễ hội văn hoá thể thao các dân tộc Sán Chỉ, Mùa vàng Đại Dực… đã trở thành nét đẹp, điểm nhấn thu hút du khách. Có thể thấy, việc bảo tồn nếp nhà và các nét văn hóa đặc sắc người Sán Chỉ để phát triển du lịch ở Tiên Yên còn nhiều tiềm năng.