Là cái nôi của phong trào công nhân, Cẩm Phả để lại nhiều dấu tích, công trình kiến trúc, mang nhiều giá trị, phản ánh một giai đoạn lịch sử hào hùng ở Vùng mỏ.
Ngược dòng lịch sử, tháng 1/1884, thực dân Pháp ép triều đình nhà Nguyễn làm khế ước bán mỏ Hòn Gai – Cẩm Phả cho Pháp để tiến hành thăm dò khai thác than. Các công trình liên quan tới giai đoạn này còn khá nhiều. Đó là các công trình do người Pháp xây dựng, hiện còn, đang hoạt động như: Nhà sàng Cửa Ông (nay thuộc Công ty Tuyển than Cửa Ông), cẩu Poóc-tích, cảng Cửa Ông; Tòa đại lý hành chính Cẩm Phả (Khu lưu niệm vùng than Cẩm Phả), Nhà dây thép (Bưu điện Cẩm Phả), Bốt canh Cẩm Phả, các khu nhà chủ mỏ người Pháp (nay là nhà khách, nhà truyền thống của các công ty ngành than); một số nhà cho cai ký, người phục vụ cho các sở mỏ (các dãy nhà ở phố Lê Lợi A, phố Phan Đình Phùng, Nhà số 42 đường Nguyễn Du – Nhà ông Cai Chử).
Ngoài ra, còn các di tích, công trình kiến trúc nghệ thuật khác như: Ngã tư đường lên mỏ Đèo Nai, Quảng trường 12/11, cẩu Poóc-tích số 1 – Trận địa pháo cao xạ – Hầm chỉ huy Công ty Tuyển than Cửa Ông, Khu Di tích và danh thắng Vũng Đục, trụ sở báo Than, Trường Quân chính Cẩm Phả.
Cẩm Phả còn có di tích lịch sử Địa điểm lưu niệm Bác Hồ về thăm mỏ than Đèo Nai năm 1959, được công nhận là Di tích cấp quốc gia năm 2016. “Dù trải qua bao biến động thời gian, nhiều công trình vẫn còn tồn tại, bảo tồn được giá trị cảnh quan, kiến trúc. Với những giá trị lịch sử, kiến trúc to lớn, đây là nguyên liệu quý để phát triển du lịch, tạo các sản phẩm đặc sắc, mang giá trị riêng có” – ông Bùi Hải Sơn, Trưởng Phòng VH-TT TP Cẩm Phả, chia sẻ.
Có thể nói, các di tích không chỉ phản ánh giai đoạn lịch sử hào hùng, phong trào công nhân mạnh mẽ ở Vùng mỏ mà còn là các công trình văn hóa, kiến trúc độc đáo. Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, Cẩm Phả cũng đổi thay nhiều. Nhiều công trình kiến trúc vẫn còn đó, mang giá trị riêng, độc đáo. Đặc biệt là Khu lưu niệm vùng than Cẩm Phả, nơi có cảnh quan đẹp.
Để phát huy giá trị, nhiều di tích được TP Cẩm Phả phối hợp với ngành Than tôn tạo, đầu tư. Điển hình là dự án cải tạo, bảo tồn Khu Tòa thị chính rộng khoảng 4.800m2 thành Khu di tích Than Cẩm Phả (phường Cẩm Tây) với tổng vốn đầu tư 15 tỷ đồng. Các khu nhà ở đây được phục chế nguyên mẫu, trưng bày các chủ đề lịch sử khai thác than trên Vùng than với nhiều tư liệu tranh, ảnh, phù điêu, hiện vật có giá trị lịch sử lớn; các cây đại có tuổi đời gần 100 năm…
Thực tế cho thấy, các di tích có tiềm năng du lịch to lớn đã được quan tâm, bảo tồn, phát huy giá trị bằng các sản phẩm du lịch. Thời gian qua, TP Cẩm Phả đã tích cực kết nối, hình thành các sản phẩm du lịch riêng có như: Trải nghiệm du lịch Phố đêm thợ mỏ, tour tham quan mỏ than, tham quan tượng đài, cảnh đẹp hang động Vũng Đục… Năm 2024, TP Cẩm Phả cũng đưa sản phẩm tham quan Khu di tích Bác Hồ tại mỏ than Đèo Nai vào xây dựng thành sản phẩm đặc trưng tỉnh năm 2024.
Gần đây, TP Cẩm Phả cùng TKV đã phối hợp tu bổ Di tích ngã tư đường lên mỏ Đèo Nai, kết nối các di tích do ngành than quản lý, địa điểm khai thác than lộ thiên hình thành các tuyến, tour du lịch than như: Quảng trường 12/11, ngã tư đường lên mỏ Đèo Nai, địa điểm Bác Hồ về thăm mỏ Đèo Nai năm 1959, Khu di tích và danh thắng Vũng Đục, cầu Poóc-tích 1 – trận địa pháo cao xạ – hầm chỉ huy của Công ty Tuyển than Cửa Ông, Trung tâm đánh giá kỹ năng nghề quốc gia các nghề mỏ hầm lò…
Nhìn chung các di tích trên có giá trị, tiềm năng to lớn nhưng dường như vẫn để ngỏ, chưa phát huy hết giá trị. Nhiều tour, sản phẩm du lịch được thiết kế nhưng sức sống chưa lâu dài. Điều này cần có sự quan tâm, phối hợp và vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa từ TP Cẩm Phả, TKV… để các di tích được tái hiện sống động qua các tour, sản phẩm đặc sắc.