Ngày 14/12, tỉnh Quảng Ninh tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội và dự toán thu chi ngân sách năm 2024. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tới các địa phương cấp huyện và cấp xã trên địa bàn tỉnh. Dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh. Đồng chí Cao Tường Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì hội nghị.
Bám sát Nghị quyết số 20-NQ/TU ngày 27/11/2023 của BCH Đảng bộ tỉnh về phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 và Nghị quyết số 176/NQ-HĐND ngày 8/12/2023 của HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2024, ngày 12/12/2023, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định về việc giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển KT-XH và nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước của tỉnh và các địa phương năm 2024 cho các sở, ban, ngành và UBND các địa phương. Theo đó, các chỉ tiêu đặt ra trong năm 2024 là tốc độ tăng trưởng kinh tế tỉnh (GRDP) đạt trên 10%. Tổng thu NSNN trên địa bàn đạt 55.600 tỷ đồng, trong đó thu xuất nhập khẩu đạt trên 13.000 tỷ đồng và thu nội địa phấn đấu đạt số thu cao nhất.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng trên 10%, trọng điểm là thu hút vốn FDI ít nhất 3 tỷ USD; phát triển mới ít nhất 2.000 doanh nghiệp. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 11%. Tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 73%. Giữ vững vị trí nhóm đứng đầu cả nước về các Chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS và PAPI.
Về xã hội, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đạt 87%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ 51%; tạo ra ít nhất 30.000 việc làm tăng thêm; có trên 91% trường đạt chuẩn quốc gia; đạt 57,2 giường bệnh/1 vạn dân; 15 bác sĩ/1 vạn dân; 2,8 dược sĩ đại học/1 vạn dân; trên 25 điều dưỡng/1 vạn dân; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95,5% dân số. Toàn tỉnh không còn hộ nghèo và giảm 50% hộ cận nghèo theo quy định chuẩn nghèo đa chiều tại Nghị quyết số 13 ngày 30/3/2023 của HĐND tỉnh.
Về môi trường, tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 98,3%; tỷ lệ hộ gia đình nông thôn sử dụng nguồn nước ăn uống hợp vệ sinh đạt trên 99,9%. Tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải rắn sinh hoạt đô thị và các xã đảo, các xã có hoạt động du lịch, dịch vụ bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 97,6%; tỷ lệ thu gom xử lý nước thải tại các đô thị tập trung của các địa phương: Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Quảng Yên đạt khoảng 55%. Giữ vững tỷ lệ che phủ rừng đạt 55% gắn với nâng cao chất lượng rừng.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của UBND tỉnh, các cấp, các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị, của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; sự chung sức, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân, của cán bộ, công nhân, lao động ngành Than và các ngành kinh tế, của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong tỉnh đã chủ động vượt qua khó khăn, thách thức, kiên trì phấn đấu, đóng góp tích cực vào thành quả phát triển chung của tỉnh trong năm 2023.
Đồng chí nhấn mạnh: Năm 2024, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi đan xen khó khăn, thách thức, nhưng khó khăn, thách thức dự báo có thể nhiều hơn, khó lường hơn. Một số nội dung các sở, ngành, địa phương cần quan tâm hơn để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ và chương trình, kế hoạch đã đề ra.
Ngay sau hội nghị này, ở cấp huyện chậm nhất đến ngày 20/12/2023, cấp xã chậm nhất đến ngày 31/12/2023 phải hoàn thành việc họp cấp ủy, HĐND quán triệt, triển khai, cụ thể hóa Nghị quyết 20 của Tỉnh ủy, Nghị quyết 176 của HĐND tỉnh, Kế hoạch 3838 của UBND tỉnh và hoàn thành việc giao kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023. Trong đó, trước ngày 31/12/2023 phải hoàn thành việc phân bổ và giao chi tiết toàn bộ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước, vốn chương trình mục tiêu, chương trình theo Nghị quyết 06 của Tỉnh ủy ở các cấp ngân sách. Ban hành kế hoạch giải ngân chi tiết theo từng nguồn vốn và phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện cho từng dự án, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công ngay từ những ngày đầu năm 2024.
Cùng với đó, phải coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phải dày công chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức; đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các đột phá chiến lược, trong đó tiếp tục ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực giáo dục – đào tạo và giáo dục nghề nghiệp, lĩnh vực y tế; đẩy mạnh triển khai thực chất, có hiệu quả Đề án phát triển nhà ở công nhân, lao động ngành than, khu công nghiệp.
Năm 2024 để giữ vững tốc độ tăng trưởng GRDP 2 con số, phải đảm bảo ba trụ cột, đó là: Tăng nhanh quy mô, tỷ trọng đóng góp vào GRDP và thu ngân sách của công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư FDI thế hệ mới; giữ ổn định, phát triển hợp lý, bền vững ngành than, điện. Phát triển dịch vụ tổng hợp hiện đại ngày càng giữ vai trò chủ đạo; du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn gắn với phát triển kinh tế biển, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.
Tiếp tục quan tâm chăm lo phát triển văn hóa, con người, đặc biệt là Nghị quyết số 17 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững”. Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân, giải quyết kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo của Nhân dân; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, văn minh; tuyệt đối không để bị động, bất ngờ trong mọi hoàn cảnh; tổ chức Tết Nguyên đán, đảm bảo mọi người, mọi nhà đều được vui Tết đón Xuân.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã nhắc lại lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chủ trương một, biện pháp mười, quyết tâm hai mươi. Quyết tâm không phải ở hội trường, ở lời nói, mà phải quyết tâm trong công tác, trong hành động…”, vì vậy, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các địa phương và các sở, ngành tiếp tục phải thật sự có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt ngay từ những ngày đầu năm, nêu cao tinh thần trách nhiệm và sự gương mẫu, kịp thời chấn chỉnh tình trạng một bộ phận cán bộ có biểu hiện sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh, trì trệ, chủ quan, duy ý chí hoặc cứng nhắc trong triển khai công việc… Khi có đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân, hành động vì lợi ích và hạnh phúc của nhân dân, sẽ tiếp tục tạo ra thành công trong xây dựng chính quyền địa phương các cấp liêm chính, hành động, phục vụ, thực sự “của dân, do dân, vì dân”, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và sẽ giữ vững vị trí đứng đầu của các chỉ số phản ánh chất lượng cải cách hành chính và xây dựng chính quyền liêm chính.
Kết luận hội nghị, đồng chí Cao Tường Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, yêu cầu: Các sở, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị ngay sau hội nghị này, khẩn trương quán triệt, nghiêm túc triển khai tổ chức thực hiện các nghị quyết ngay từ ngày đầu, tháng đầu năm, quyết tâm hoàn thành 12/12 chỉ tiêu kinh tế – xã hội và môi trường. Từng ngành, địa phương khẩn trương triển khai cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết nêu trên bằng các giải pháp cụ thể, phù hợp với thực tiễn của từng cơ quan, đơn vị, địa phương.
Trong tháng 12 này, UBND tỉnh sẽ ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 20 của BCH Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết 176 của HĐND tỉnh. Các sở, ban, ngành, địa phương phải căn cứ vào chương trình hành động của UBND tỉnh để xây dựng kế hoạch chương trình hành động theo ngành, lĩnh vực để triển khai thực hiện đảm bảo hiệu quả. UBND tỉnh sẽ chỉ đạo xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế chi tiết đến từng ngành, địa phương, có kịch bản đến từng quý, từng tháng để kiểm đếm.
Về công tác điều hành thu ngân sách, các sở, ban, ngành, địa phương thường xuyên rà soát để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh; thực hiện hiệu quả cải cách hành chính gắn với cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Sở Tài chính, Cục Thuế tỉnh, Cục Hải quan tỉnh tham mưu UBND tỉnh điều hành linh hoạt nhiệm vụ thu ngân sách, quá trình chỉ đạo điều hành. UBND các địa phương rà soát, tổ chức thực hiện đối với khoản thu: Tiền bảo vệ và phát triển đất trồng lúa; phí tạm thời sử dụng lòng đường, hè phố; thu tiền sử dụng khu vực biển. Cục Thuế tỉnh tăng cường các giải pháp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý thu ngân sách, trực tiếp tham mưu cho UBND tỉnh các cuộc họp để giải quyết các khó khăn, vướng mắc.
Rút kinh nghiệm trong điều hành ngân sách năm 2023, các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị bám sát dự toán đã được giao, tập trung chủ động giải ngân chi ngân sách nhà nước đảm bảo linh hoạt, hiệu quả, đúng quy định pháp luật.
Về công tác đầu tư công năm 2024, các sở, ban, ngành, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch triển khai, tiến độ giải ngân cho từng nhiệm vụ, dự án thuộc kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024. Phát huy tổ công tác đặc biệt về đầu tư công do Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng. Cấp huyện, cấp xã cũng phải thành lập tổ công tác này do Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã làm tổ trưởng. Các sở, ngành phân công lãnh đạo phụ trách, chịu trách nhiệm theo dõi, lên kế hoạch triển khai chi tiết từng dự án, bám sát tiến độ thực hiện của từng nhiệm vụ, dự án để kịp thời chỉ đạo, xử lý các khó khăn, vướng mắc phát sinh.
Nhấn mạnh đến nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các địa phương quan tâm gắn kết chặt chẽ giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Sở Văn hóa và Thể thao khẩn trương hoàn thành Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 17 của Tỉnh ủy. Các ngành lao động, giáo dục, y tế căn cứ chỉ tiêu Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh có giải pháp đúng, trúng thực hiện các chỉ tiêu đã giao.
Tập trung xây dựng chính quyền địa phương các cấp liêm chính, hành động, phục vụ, thực sự “của dân, do dân, vì dân”, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Phải chấn chỉnh tình trạng một bộ phận cán bộ có biểu hiện sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh, trì trệ, chủ quan, duy ý chí hoặc rập khuôn máy móc. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với tạo môi trường đổi mới sáng tạo, bảo vệ cán bộ “5 thật”, “6 dám”.