Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc nói nguyên tắc “người đi theo việc, tách bạch quản lý Nhà nước và hoạt động doanh nghiệp” khi chuyển 19 tập đoàn, tổng công ty về bộ chuyên ngành.
Theo kế hoạch định hướng, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp sẽ kết thúc hoạt động và chuyển 19 tập đoàn, tổng công ty về lại các bộ ngành quản lý.
Tại cuộc họp ngày 10/12, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết nguyên tắc chuyển giao các tập đoàn, tổng công ty về bộ quản lý ngành là “người phải theo việc, người nào việc đấy”.
Nguyên tắc sắp xếp cũng phải tách bạch hợp lý giữa chức năng quản lý Nhà nước của bộ chuyên ngành với hoạt động của doanh nghiệp. Do đó, ông đề nghị các bộ ngành, tập đoàn, tổng công ty đẩy tiến độ xử lý các công việc theo đúng kế hoạch, tiến độ đề ra.
“Quá trình sắp xếp kiện toàn bộ máy, phải đảm bảo các tập đoàn, tổng công ty hoạt động ổn định, liên tục, tránh gián đoạn”, Phó thủ tướng nói.
Theo báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, cơ quan này sẽ chuyển giao nguyên trạng chức năng, nhiệm vụ thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu tại các tập đoàn, tổng công ty về các bộ. Cùng đó, bộ máy nhân sự quản lý của các doanh nghiệp sẽ được chuyển giao theo nguyên tắc “người theo việc”.
Trong quá trình sắp xếp, cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức của Ủy ban sẽ được đảm bảo về quyền lợi, công việc. Sau sắp xếp, cơ quan này sẽ hoạt động theo mô hình mới là đơn vị độc lập thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu tại doanh nghiệp.
Ủy ban tiếp tục thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước với 19 tập đoàn, tổng công ty đến khi hoàn tất việc chuyển giao.
Hiện 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Ủy ban này được lập vào tháng 2/2018, là cơ quan thuộc Chính phủ. Cơ quan này thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.
Tổng vốn chủ sở hữu của các “ông lớn” tới nay là 1,18 triệu tỷ đồng, tăng 11% sau 5 năm. Tổng tài sản các công ty này nắm giữ khoảng 2,54 triệu tỷ đồng, bằng 65% tổng tài sản của các doanh nghiệp Nhà nước trên cả nước.
Đại diện các bộ ngành, tổng công ty kỳ vọng qua cơ cấu lại, các cơ chế, chính sách sẽ được hoàn thiện theo hướng tăng phân cấp, quyền và tạo thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp Nhà nước hoạt động.
Cùng ngày, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc họp với Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, Ngân hàng Nhà nước về sắp xếp, tinh giản bộ máy. Theo đó, các ý kiến thống nhất với phương án chuyển một phần Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia về Bộ Tài chính và phần còn lại chuyển về Ngân hàng Nhà nước. Việc chuyển giao này cũng theo tinh thần “người đi theo việc”. Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cùng Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước thực hiện, đề xuất phương án chuyển giao nhân sự, trụ sở và tài sản.
Với Ngân hàng Nhà nước, hai khối biến động lớn nhất là chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại các tỉnh thành và Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, cơ quan thanh tra giám sát sẽ chuyển từ mô hình tổng cục xuống thành các cục.
Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc cho rằng bộ máy thanh tra, giám sát ngân hàng phải đảm bảo quy mô hợp lý, đủ người, trách nhiệm. Ông đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục rà soát, tính toán để cân đối, đảm bảo giảm đầu mối theo đúng yêu cầu.