Oppenheimer – bộ phim điện ảnh mới nhất của đạo diễn lừng danh dòng phim khoa học viễn tưởng Christopher Nolan đã trở thành một trong những bộ phim được trông chờ và đánh giá cao nhất năm 2023. Oppenheimer khởi chiếu tại Việt Nam ngày 11/8, sau khi bị dời lịch chiếu 2 tuần.
Khán giả mất cảnh giác
Oppenheimer là bộ phim tiểu sử dựa trên cuốn sách American Prometheus: The Triumph and Tragedy of J. Robert Oppenheimer (tạm dịch: Vị thần Prometheus của Mỹ: Vinh quang và Bi kịch của J. Robert Oppenheimer) của tác giả Kai Bird và Martin J. Sherwin, kể về các sự kiện trong cuộc đời Oppenheimer- cha đẻ của bom nguyên tử, người được tôn vinh là “anh hùng cứu quốc” trong giai đoạn trước và sau cuộc thử nghiệm quả bom nguyên tử đầu tiên Trinity. Thời lượng của Oppenheimer kéo dài hơn 3 tiếng được chia ra làm hai phần xen kẽ vào nhau như một chuỗi ADN. Phần đầu mang tên “Phân hạch”, có màu và được kể dưới góc nhìn chủ quan của Oppenheimer về thời trai trẻ cho đến buổi điều trần về dính líu của ông với một đảng phái chính trị đối lập. Phần còn lại mang tên “Nhiệt hạch” được dàn dựng trắng đen qua góc nhìn của Lewis Strauss, người luôn ganh ghét và cố gắng hạ bệ Oppenheimer trong phim.
Cấu trúc kể chuyện phi tuyến tính đan xen hiện tại và tương lai với hàng tá nhân vật chính lẫn phụ được đổ ào vào phim có thể khiến nhiều khán giả phải mất một lúc khá lâu mới bắt được mạch phim và nắm được vai trò của các nhân vật. Cách dựng phim nhanh gọn, chuyển cảnh trong chớp mắt của nhà dựng phim Jennifer Lame đã đẩy nhịp phim lên nhanh hơn, đồng thời sự kết hợp với hiệu ứng âm thanh mang tính kích động cao như tiếng bom nổ, tiếng dậm chân tập thể hay từng hơi thở của các nhân vật đã tạo nên một trải nghiệm xem phim căng thẳng và ngột ngạt như thể ta đang hóa thân vào chính Oppenheimer vậy. Phân đoạn được trông chờ nhất phim tất nhiên là cảnh thực hiện cuộc thử nghiệm Trinity vì đây là khoảnh khắc quả bom nguyên tử đầu tiên trên thế giới được sử dụng, và cũng là lúc thế giới này thay đổi mãi mãi.
Trước khi ra rạp xem Oppenheimer, tôi đã biên dịch phụ đề bộ phim tài liệu To End All War: Oppenheimer & the Atomic Bomb của đạo diễn Christopher Cassel. Đây có thể được xem là một phần “phụ lục” đi liền với phim Oppenheimer bản điện ảnh của Christopher Nolan. Bởi phim tài liệu này sử dụng các hình ảnh bối cảnh của phim Oppenheimer và có các phân đoạn phỏng vấn với chính vị đạo diễn này. Thông qua To End All War, ta biết được từ nhỏ ông là một đứa trẻ bị mẹ bảo bọc thái quá khiến mất đi khả năng giao tiếp xã hội, có cách ăn nói thiếu tinh tế và suy nghĩ thấu đáo, luôn tạo ra nhiều kẻ thù xung quanh mình. Đó có thể là một trong những nguyên nhân để “thần chết” ra đời…
Đạo diễn Christoper Nolan luôn nổi tiếng với việc sử dụng kỹ xảo thực tế thay vì dựa dẫm vào CGI, vì thế khi bộ phim này được công bố, nhiều người đã đùa rằng liệu vị đạo diễn này định “thả một quả bom nguyên tử” thật không. Không nằm ngoài dự đoán, phân cảnh kéo dài 10 phút này hiển nhiên đã không sử dụng bom nguyên tử thứ thiệt, song đoàn làm phim vẫn sử dụng chất nổ thật và cải thiện hình ảnh vụ nổ đó thông qua hiệu ứng máy tính để đem lại một trải nghiệm phim chân thực nhất. Không những vậy, cách sử dụng âm thanh ở phân đoạn này vô cùng thông minh và hiệu quả. Đối lập với hình ảnh một đám lửa khổng lồ giận dữ nuốt chửng cả khung hình khi quả bom được kích hoạt, thì tất cả bỗng chết lặng. Không có tiếng nổ rung trời mà người xem đã gồng mình chuẩn bị, thay vào đó chỉ còn lại tiếng thở nhẹ của Oppenheimer tan vào thinh không. Tiếng thở đó hòa với tiếng thở hồi hộp của từng khán giả giống như câu trích dẫn của ông về khoảnh khắc đó: “Vài kẻ cười, vài người khóc. Nhưng phần lớn mọi người chỉ biết câm lặng”. Khi hình ảnh đám lửa đã bớt hung bạo, âm thanh như sấm rền của vụ nổ bom lúc này mới ùa vào tấn công những khán giả giờ đây đã mất cảnh giác.
Nhân loại hãy cảnh giác
Đến rạp phim với tâm thế sẵn sàng cho một màn trình diễn điện ảnh mãn nhãn cả về hình ảnh lẫn âm thanh của những vụ nổ, ta lại ra về cùng một sự trầm lặng nội tâm khi chứng kiến mặt tối nhân loại đang sở hữu trong tay thứ vũ khí hủy diệt. Và người trao cho họ thứ vũ khí diệt chủng đó không ai khác là Oppenheimer, “vị thần Prometheus của Mỹ” như tựa sách nêu trên. Theo thần thoại Hy Lạp, Prometheus trao cho con người ngọn lửa để phát triển nền văn minh, còn Oppenheimer trao cho họ ngọn lửa hủy diệt để tạo ra một “thế giới mới” hoặc nhấn chìm nó hoàn toàn, để rồi ông phải suốt đời giày vò, ôm tội lỗi này cho đến lúc chết.
Chính Oppenheimer, khi nhớ lại cảnh bom nguyên tử dội xuống hai thành phố Nhật Bản, đã liên hệ đến một vị thần linh khác của một nền văn hóa khác: thần Vishnu trong Ấn Độ giáo. Câu trích dẫn nổi tiếng nhất của ông về vụ thả bom được lấy từ Chí Tôn Ca: “Ta đã trở thành Thần chết, kẻ hủy diệt mọi thế giới”. Khó để hiểu rõ tâm tư phức tạp của Oppenheimer qua câu trích dẫn ngắn gọn này. Nhưng không thể phủ nhận rằng thần chết không là gì khác ngoài những quả bom hạt nhân ngày càng mạnh lên theo cấp số nhân, thấp thoáng mang theo gương mặt của Oppenheimer.
Mối lo sợ của Oppenheimer về quả bom nguyên tử đầu tiên của mình sẽ đốt cháy bầu khí quyển của Trái Đất giờ đây đã dần trở thành hiện thực dù không phải theo nghĩa đen. Chuỗi phản ứng kéo dài vô tận không ám chỉ đến một quả bom, mà nó ẩn dụ cho cuộc chạy đua vũ trang có sức công phá mạnh gấp trăm nghìn lần của các quốc gia luôn có xung đột về chính trị. Một J. Robert Oppenheimer vô hồn nhìn vào hư không hoặc có thể là chính chúng ta khi nghĩ về viễn cảnh tương lai nơi cả thế giới này chìm trong biển lửa. Dù ông có là gì thì cũng không thay đổi được sự thật, rằng chúng ta phải sống trong một thế giới luôn bị dõi theo bởi một “tử thần nhân tạo” được sinh ra bởi Oppenheimer.