Mùa thu đông là cao điểm đón khách quốc tế của du lịch Quảng Ninh. Tuy nhiên, với việc vừa trải qua thiệt hại nặng nề của cơn bão số 3, ngành Du lịch đang nỗ lực khôi phục các điều kiện về cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dịch vụ; quyết tâm hoàn thành mục tiêu đón 3,5 triệu lượt khách quốc tế nói riêng và 19 triệu lượt khách nói chung trong năm 2024.
Du khách Ấn Độ chụp ảnh check-in tại cảng tàu khách trước khi lên tàu tham quan Vịnh Hạ Long.
Cuối tháng 8 vừa qua, Quảng Ninh đón đoàn du khách 4.500 người của tỷ phú Ấn Độ tham quan Vịnh Hạ Long. Để đảm bảo công tác đón khách với số lượng lớn, các sở, ngành, đơn vị cung ứng dịch vụ đã chuẩn bị sẵn sàng phương án đón tiếp, phương tiện, phân luồng giao thông, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông trên bộ, trên biển, đặc biệt là đảm bảo chất lượng dịch vụ, nhằm tạo thuận lợi, ấn tượng tốt cho đoàn khách.
Ông Shailesh Joshi (du khách Ấn Độ) cho biết: Đây là lần đầu tiên tôi đến Hạ Long và đã có những trải nghiệm rất tuyệt vời, đáng nhớ. Các điểm du lịch trên Vịnh Hạ Long đều hấp dẫn, con người thân thiện, đặc biệt chất lượng dịch vụ vô cùng chuyên nghiệp, bài bản.
Cùng với việc đón khách quốc tế trên đường bộ, ngành Du lịch cũng đón lượng lớn khách quốc tế từ các hãng tàu biển lớn. Ông Phạm Văn Hiệp, Giám đốc Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long cho biết: Trong năm 2024, tàu đăng ký cập Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long đạt gần 70 chuyến với trên 70.000 lượt khách. Đây đều là những tàu lớn đến từ các tập đoàn, thương hiệu nổi tiếng thế giới như Mein Schiff 5 và 6, Celebrity Solstice, Noordam, MSC Splendida, Westerdam… Để sẵn sàng đón các đoàn tàu khách quốc tế, nhất là trong mùa du lịch tàu biển từ tháng 10/2024 đến tháng 4/2025, Cảng đã chủ động kiểm tra lại các cầu bến, trang thiết bị phòng cháy chữa cháy, chỉnh trang cảnh quan, bố trí các điểm thuận lợi để khách có thể tiếp cận thêm các sản phẩm dịch vụ, như: Xe buýt 2 tầng, xe điện vận chuyển khách tham quan TP Hạ Long. Phía cảng tàu cũng hỗ trợ các đơn vị lữ hành tàu biển kết nối các đội tàu phục vụ khách tham quan Vịnh Hạ Long…
Khách du lịch Hàn Quốc tham quan Khu Di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử (TP Uông Bí)
Hết tháng 8/2024, Quảng Ninh đã đón 14,7 triệu lượt khách, trong đó, khách quốc tế đạt 2,4 triệu lượt (tương đương với 68,57% kế hoạch đề ra). Tuy nhiên, sau ảnh hưởng của cơn bão số 3, ngành Du lịch đã chịu thiệt hại vô cùng nặng nề. Để không lỡ nhịp đón khách du lịch quốc tế trong 3 tháng cuối năm, cũng như hoàn thành mục tiêu đón 1,1 triệu lượt khách quốc tế, các đơn vị, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nhanh chóng dọn dẹp, sửa chữa cơ sở vật chất, đảm bảo tối đa các điều kiện để đón khách. Bên cạnh các yếu tố về cảnh quan, chất lượng dịch vụ, vấn đề đảm bảo an toàn được khách du lịch quốc tế ưu tiên hàng đầu.
Vịnh Hạ Long là điểm đến yêu thích của khách quốc tế. Sau bão số 3, Ban Quản lý Vịnh tạm dừng đón khách trong 2 ngày 11-12/9 để tập trung rà soát các điều kiện về tuyến luồng, cảnh điểm. Ngay khi đảm bảo an toàn, Vịnh Hạ Long đã đón, phục vụ khách du lịch trở lại từ ngày 13/9. Đội tàu du lịch đã khẩn trương rà soát, bảo trì, bảo dưỡng, đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, an toàn, khôi phục việc đón tiếp, phục vụ khách du lịch. Trên 300 tàu du lịch đảm bảo điều kiện sẵn sàng hoạt động đón khách, chiếm gần 90% tổng số tàu neo tại 2 cảng Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long và Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu. Trung bình mỗi ngày Vịnh Hạ Long đón khoảng 5.000-6.000 lượt khách, chủ yếu là khách quốc tế. Các cơ sở lưu trú cũng nhanh chóng khôi phục hoạt động. Phần lớn các khách sạn 4-5 sao đã hoàn thành việc dọn dẹp, chỉnh trang khuôn viên, sắp xếp, bố trí phòng nghỉ hợp lý, đảm bảo chất lượng phục vụ du khách.
Để đạt mục tiêu đón du khách quốc tế đã đề ra, ngành Du lịch nhanh chóng triển khai quảng bá, xúc tiến, kết nối đón các đoàn khách nước ngoài. Cụ thể, tăng cường quảng bá trên trang mạng xã hội về du lịch có khách nước ngoài truy cập cao; quảng bá du lịch qua diễn đàn EATOF tại Tuv, Mông Cổ và trên các trang web của các thành viên EATOF. Đồng thời, quảng bá xúc tiến tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ theo các chương trình chung của Cục Du lịch quốc gia; phối hợp với tỉnh, thành phố: Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng làm việc với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.
Ngoài khai thác hiệu quả lợi thế Di sản – Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, ngành Du lịch cũng như các đơn vị du lịch, lữ hành đã tăng cường xúc tiến, kết nối, quảng bá để thu hút khách đến với những điểm đến du lịch văn hóa, tâm linh, lịch sử đậm bản sắc dân tộc, xây dựng các sản phẩm chất lượng cao, kết nối các không gian du lịch, tạo thành trải nghiệm mang đặc trưng riêng, tăng cường sức hấp dẫn với du khách quốc tế. Đồng thời, hướng đến mở tuyến du lịch đường biển từ TP Bắc Hải, tỉnh Quảng Tây và từ TP Quảng Châu (Trung Quốc) đến TP Hạ Long (Quảng Ninh, Việt Nam). Hai bên sẽ xây dựng sản phẩm du lịch tổ chức, khai thác khách du lịch Việt Nam sử dụng sản phẩm du lịch tàu biển, kết hợp khai thác khách du lịch từ Trung Quốc đến Việt Nam. Đồng thời, khai thác tối đa hiệu quả của Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn thông qua các chương trình làm việc với doanh nghiệp du lịch, mở các tuyến từ Trung Quốc, Hàn Quốc đến Quảng Ninh, như: Vô Tích, Giang Tô (Trung Quốc) và Jeju (Hàn Quốc).
Ngành Du lịch cũng tăng cường triển khai các nội dung xúc tiến quảng bá; tổ chức khảo sát các điểm du lịch, qua đó các doanh nghiệp thống nhất xây dựng chương trình cho khách từ thị trường Trung Quốc đến Việt Nam qua đường cửa khẩu, cảng biển; tổ chức chương trình gặp, làm việc, trao đổi các thông tin giữa các doanh nghiệp du lịch của Trung Quốc và Việt Nam, giới thiệu các hình ảnh du lịch của Việt Nam.
Đồng thời, tiếp tục khai thác các thị trường khách du lịch như Ấn Độ. Từ đầu năm đến nay, Ấn Độ là một trong 10 thị trường khách quốc tế lớn nhất đến Quảng Ninh. Vịnh Hạ Long cũng vừa được truyền thông Ấn Độ vinh danh là “thỏi nam châm” hút khách từ thị trường này. Việc đón tiếp tốt các đoàn khách Ấn Độ được kỳ vọng tạo hiệu ứng truyền thông, quảng bá rộng rãi hình ảnh du lịch Hạ Long – Quảng Ninh hấp dẫn, thân thiện, là tiền đề cho các đoàn khách số lượng lớn từ Ấn Độ đến Quảng Ninh trong thời gian tới.