Diễn viên Nguyệt Hằng không buồn vì các con không theo nghề bố mẹ. Con gái lớn của chị dù từng thi đỗ trường Sân khấu Điện ảnh nhưng đã từ bỏ sau 1 năm theo học.
Các con tôi đã quen với việc bố mẹ thường đi làm phim vắng nhà
– Với một diễn viên đã làm nghề 30 năm, điều gì khiến Nguyệt Hằng vượt qua mọi khó khăn lái xe đi cả trăm cây số tới bối cảnh rừng núi chỉ để quay một cảnh của phim cảnh sát hình sự “Độc đạo” rồi lại về Hà Nội?
Vì là diễn viên gạo cội nên chúng tôi hiểu một diễn viên quan trọng thế nào trong một cảnh quay bởi đó không chỉ là việc cá nhân mà còn ảnh hưởng đến cả ê-kíp bao nhiêu người. Vì lý do thời tiết nên cảnh quay chưa được hoàn thiện khiến tôi phải đi đi lại lại. Cái tâm của người làm nghề và đạo đức nghề nghiệp giúp chúng tôi vượt qua tất cả để hoàn thành cảnh quay, vì phải xong phần việc của mình bộ phim mới hoàn thiện. Nếu yêu và hy sinh vì nghề, lao động chân chính chắc chắn nghề diễn viên sẽ mang đến cho mình nhiều thứ khác, lúc đó sự vất vả không là gì hết.
– Với những người đã theo nghề nhiều năm như chị, làm sao để dẹp cái tôi mà chịu nghe sự chỉ đạo của các đạo diễn trẻ?
Tôi hiểu công việc của đạo diễn thế nào và chỉ khi phim lên sóng mình mới biết họ kể câu chuyện gì và như thế nào. Đạo diễn sắp xếp tuyến nhân vật này phải ăn khớp với nhân vật kia, đúng với tâm lý của câu chuyện và những nhân vật xung quanh. Nên mình có thể hiểu nhân vật theo cách này nhưng chưa chắc đã biết ẩn ý sâu xa đạo diễn muốn nói đến.
Tôi hợp với các vai nặng nề, sống nội tâm nên thường mang tâm lý và bản năng của mình vào nhân vật. Nhưng đôi lúc tâm lý lúc đó không phù hợp nên đạo diễn phải là người giúp mình nhận biết đã diễn ổn hay chưa. Vì thế, tôi luôn tôn trọng đạo diễn.
– Nhân vật bà trùm trong “Độc đạo” có gì thu hút khiến Nguyệt Hằng dù không phải đóng vai chính nhưng vẫn vượt mọi khó khăn để theo đến cùng?
Vai bà Mộc mang tâm lý nặng nhưng không đơn thuần là người vợ, người mẹ bình thường. Nhân vật vợ ông trùm có diễn biến tâm lý khác với các vai bình thường với nhiều bí ẩn, ngóc ngách phía sau nên dù vai diễn ngắn nhưng tôi rất thích.
– Chị đóng phim liên tục, công việc đòi hỏi phải thường xuyên vắng nhà trong khi con gái út còn quá nhỏ. Anh chị sắp xếp công việc ra sao để có thời gian chăm sóc con?
Từ trước đến nay các con cũng quen với việc bố mẹ thường đi làm phim vắng nhà. Bọn trẻ thiệt thòi quen rồi nên phải tự chủ, thích nghi với việc mở mắt ra đã không thấy bố mẹ ở nhà. Chúng tôi rất thương các con và bé út thương nhất vì con chào đời khi bố mẹ lớn tuổi. Hai vợ chồng phải sắp xếp công việc để dành thời gian bên con. Nhưng cũng may ở nhà tôi có giúp việc và con gái thứ 2 làm nghề tự do nên có thể thu xếp đỡ đần cho bố mẹ.
Không muốn và không ép các con theo nghề của bố mẹ
– Trong các con chị có ai có thiên hướng và muốn theo nghề diễn viên?
Không bạn nào hết, hai vợ chồng không muốn và cũng không ép các con bởi nghề này quá vất vả. Bố mẹ làm nghề cả đời vẫn không có điều kiện lo cho các con cuộc sống sung sướng. Từ nhỏ chúng tôi đã cho bọn trẻ đi theo làm phim để biết công việc này gian nan thế nào và tự lựa chọn hướng đi
Cô cả khi học hết năm thứ nhất ngành Quản trị kinh doanh đã giấu bố mẹ thi trường Đại học Sân khấu Điện ảnh. Nhưng bạn ấy không thi diễn viên vì biết nghề này vất vả và tự thấy không quá xuất sắc về ngoại hình. Khi thi đỗ ngành đạo diễn con mới nói cho bố mẹ biết nhưng chỉ theo một học kỳ rồi thôi.
Anh Tuấn vào bếp nhiều hơn tôi và luôn là người “lên đơn”
– Anh chị không buồn vì các con không theo nghề bố mẹ?
Tôi không buồn vì đó là tương lai của các con, chúng phải sống theo đúng sở thích và mong muốn của mình. Nghề diễn viên rất vất vả, nếu không có sự hậu thuẫn tốt sẽ không thể yên tâm cống hiến. Con gái thứ hai của chúng tôi từng học đàn dân tộc nhưng sau một thời gian lại bỏ và theo lĩnh vực làm đẹp. Giờ đi đâu bạn ấy cũng lo cho mẹ từ trang điểm đến làm tóc.
– Làm nghề hàng chục năm, có khi nào chị và anh Tuấn thấy oải?
Tôi đam mê nghề diễn, anh Tuấn cũng biết điều đó. Bao nhiêu năm tôi tham gia lồng tiếng cho phim bởi diễn ở nhà hát lấy đâu ra tiền, lồng tiếng dù thu nhập vừa phải nhưng cũng giúp tôi rất nhiều trong cuộc sống. Nhà hát Tuổi Trẻ có thời điểm rực rỡ với series Đời cười và sau này là phim truyền hình. Dù công việc không làm cho tôi giàu được nhưng đủ trang trải mọi chi phí. Ngoài ra, tôi cũng đi dạy thêm.
Nhờ nhiều vai diễn được yêu mến mà tôi được mời tham gia các dự án. Việc kinh doanh chỉ có anh Tuấn làm. Anh ấy hợp tác với Vĩnh Xương và trước khi thành công với bánh canh ghẹ thì đã “chết” tới 5 cửa hàng, nợ nần chồng chất. Khi việc kinh doanh của anh Tuấn khởi sắc lúc đó thu nhập mới tạm gọi là ổn định và đỡ cho tôi rất nhiều.
Tuy vậy tôi không ỷ lại vào chồng mà vẫn làm việc để duy trì cuộc sống. Khi ở cùng nhà hát, anh Tuấn biết tôi yêu nghề và không thể bỏ được nên có vài lần chủ động bỏ ngang chuyển sang kinh doanh vì không muốn tôi phải lo nghĩ chuyện kinh tế. Nếu giao cho tôi kinh doanh cũng không làm nổi vì làm nghệ thuật và chăm các con đủ hết thời gian rồi.
Vì vậy, anh Tuấn đã rút khỏi nhà hát để đi làm phim, hỗ trợ vợ và chăm lo cho gia đình.
– Không ai nghĩ Nguyệt Hằng đã lên chức bà rồi, vì lúc nào chị cũng trẻ trung…
Tại xung quanh tôi luôn có trẻ con. Hồi đầu năm tôi sang Đức 2 tháng hỗ trợ con gái khi con sinh bé đầu lòng. Tôi làm nghề mẹ bỉm sữa chuyên nghiệp rồi và không ngại chăm trẻ. Thậm chí tôi còn bị tăng động, vì sau khi làm nghề, về nhà đáng lẽ phải nghỉ ngơi nhưng tôi không ngồi yên được.
Lúc nào ở nhà thực sự không có việc gì làm là tôi thấy ốm. Vậy nên cứ rảnh là tôi và anh Tuấn lại lên kế hoạch picnic, cho các con đi xuyên Việt. Chúng tôi luôn giữ thói quen cả ngày làm gì thì làm, nếu ở Hà Nội trưa sẽ gặp nhau ăn gì đó, uống cà phê rồi ai làm việc nấy. Và kiểu gì sau một ngày cũng phải có bữa cơm ở nhà, trừ khi đi quay xa.
– Thường ở nhà ai sẽ hay nấu cơm?
Nhà tôi có giúp việc lo cơm nước nhưng anh Tuấn vẫn sẵn sàng lao ra chợ mua đồ ăn rồi về nhà nấu vì biết tôi đi làm về đã quá mệt. Anh ấy thích ăn ngon nên tự tay vào bếp và hầu như toàn lên đơn (cười).
– 2024 có vẻ là năm thành công viên mãn trong cuộc sống lẫn sự nghiệp của Nguyệt Hằng khi chị nhận danh hiệu NSƯT, lên chức bà và có các dự án phim liên tục?
Tôi nghĩ đó là kết quả cho mọi nỗ lực bao lâu nay, chỉ là nó đến cùng thời điểm. Khi lãnh đạo nhà hát, anh Chí Trung luôn có tư tưởng “có thực mới vực được đạo” nên muốn đưa đoàn đi diễn thật nhiều. Do vậy trong tất cả các cuộc thi mà anh chị em trong nhà hát có thể lấy huy chương anh ấy lại không quan trọng lắm. Và chúng tôi cứ làm việc theo guồng quay đó.
Tôi cũng thấy hơi thiệt thòi một chút vì bạn bè cùng trang lứa thành danh hết rồi mình lại bị tụt về phía sau. Tôi không buồn vì cống hiến của mình được khán giả ghi nhận, điều đó đắt giá hơn nhiều. Đương nhiên danh hiệu quan trọng với nghệ sĩ vì đánh dấu sự thành công. Có thì càng vui còn không cuộc sống vẫn thế, mình vẫn được làm nghề và được công chúng yêu mến. Điều đó quan trọng hơn.
– Chị có đặt mục tiêu trở thành NSND?
Với tôi, đến NSƯT là đủ. NSND đương nhiên phải có cơ hội, đi thi, đạt giải thưởng nhưng tôi nghĩ không quan trọng lắm.