Chương trình xây dựng NTM là chương trình lớn, không có điểm dừng, với mục tiêu đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân nông thôn. Vì vậy, để tiếp tục chương trình xây dựng NTM theo hướng bền vững, hướng tới những mục tiêu cao hơn như xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, thì việc giữ vững, duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí là một trong những mục tiêu quan trọng trong giai đoạn hiện nay.
Quảng Ninh triển khai chương trình xây dựng NTM từ năm 2010. Bằng nhiều cách làm sáng tạo, riêng có, chương trình đã mang lại nhiều dấu ấn đậm nét, đưa các vùng nông thôn ngày càng khởi sắc hơn, đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được cải thiện rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người của người dân nông thôn đạt 52,5 triệu đồng/người/năm, tăng 25,87 triệu đồng so với năm 2015. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 17,25% năm 2010 xuống còn 0,1%.
Nhằm khơi dậy ý chí vươn lên của người dân ở những vùng còn nhiều khó khăn, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 50/2016/NQ-HĐND về phân bổ nguồn lực đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020. Ngày 16/1/2017, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 196/QĐ-UBND phê duyệt đề án nhiệm vụ và giải pháp đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020 (Đề án 196).
Quan điểm xuyên suốt trong quá trình triển khai Đề án 196 là cấp tỉnh chỉ tập trung hỗ trợ, hướng dẫn, cấp huyện chỉ đạo, cấp xã thực hiện, thôn, bản đồng lòng, người dân là chủ thể, tích cực sản xuất, chủ động vươn lên. Đề án cũng dành mức đầu tư vượt trội với trên 2.400 tỷ đồng trong giai đoạn 2017-2020, cao hơn 7 lần so với mức bình quân của Trung ương. Đến hết năm 2019, Quảng Ninh đã hoàn thành mục tiêu là tất cả các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn; hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 về đích trước 1 năm so với kế hoạch đề ra.
Bên cạnh đó, trong từng chặng đường phát triển, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách riêng về an sinh xã hội và ưu tiên bố trí nguồn lực lớn cho các vùng đặc biệt khó khăn, đồng bào DTTS, các đối tượng chính sách, yếu thế. Nổi bật là Nghị quyết số 06-NQ/TU “Về phát triển bền vững kinh tế – xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng – an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. Nghị quyết đã đi vào cuộc sống, tạo thành động lực mạnh mẽ để các địa bàn khó khăn bứt phá, vươn lên. Và tỉnh cũng đã về đích Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trước 3 năm.
Tỉnh cũng vận dụng linh hoạt, sáng tạo, triển khai thành công chương trình OCOP góp phần làm thay đổi tập quán sản xuất của nhân dân, từ sản xuất lạc hậu tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất kinh doanh các sản phẩm truyền thống có lợi thế trên địa bàn tỉnh.
Ông La A Chiu, Giám đốc HTX Phát triển Đình Trung (xã Húc Động, huyện Bình Liêu) cho biết, ngay khi huyện có chủ trương khôi phục, phát triển miến dong Bình Liêu trở thành sản phẩm OCOP, ông đã đăng ký tham gia. Với sự hỗ trợ của tỉnh và địa phương, ông đã mạnh dạn vay vốn đầu tư thiết bị, máy móc, thu mua nguyên liệu để sản xuất miến dong, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm. Hiện nay, sản phẩm miến dong đã có được sự tin tưởng của người tiêu dùng nên đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, mang lại lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Có thể thấy, hành trình xây dựng NTM là một hành trình thu được nhiều “trái ngọt” với quyết tâm, nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị. Vai trò chủ thể của người dân luôn được đặt lên trên hết. Những phong trào, cuộc vận động được người dân hưởng ứng, tham gia sôi nổi. Kết quả là hàng trăm nghìn mét vuông đất đã được nhân dân hiến tặng để chỉnh trang diện mạo nông thôn; hàng trăm nghìn ngày công, hàng trăm tỷ đồng đã được các doanh nghiệp, đơn vị, đoàn thể, cùng nhân dân đóng góp để hỗ trợ xây nhà ở cho hộ nghèo, nâng cấp đường liên thôn, liên xã, tu sửa nhà văn hoá, sân vui chơi trẻ em, trạm y tế…