Thích ứng với diện tích canh tác ngày càng bị thu hẹp để nhường đất cho những dự án lớn của tỉnh, thời gian qua, những HTX, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và người nông dân trên địa bàn TX Quảng Yên đã tận dụng tối đa diện tích, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển sản xuất nông nghiệp.
Trước đây, anh Nguyễn Chí Thành, phường Minh Thành (TX Quảng Yên) đã đầu tư nuôi tôm theo phương pháp quảng canh, nhưng do diện tích ngày càng bị thu hẹp, đồng thời nhiều vụ tôm thất bại khi thời tiết thất thường, anh Thành đã chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng theo tiêu chuẩn VietGAP. Với phương pháp nuôi này, không chỉ tiết kiệm được khoảng 30% diện tích so với nuôi quảng canh, mà còn tăng sản lượng. Mỗi năm gia đình anh thu hoạch khoảng 30 tấn tôm, doanh thu gần 4,5 tỷ đồng.
“Theo tiêu chuẩn VietGAP, tôm được nuôi trong nhà màng luôn sạch sẽ, đảm bảo an toàn, không ô nhiễm; kiểm soát dịch bệnh dễ dàng hơn. Mỗi năm, gia đình tôi nuôi được 3 vụ, chi phí giảm, giá bán cao hơn so với tôm nuôi thông thường, nên lợi nhuận cao hơn” – Anh Thành chia sẻ.
Phường Minh Thành trước đây có hàng trăm ha nuôi trồng thủy sản bằng phương thức quảng canh. Từ khi tỉnh và thị xã có chủ trương thu hồi đất để nhường cho các dự án lớn, nông dân nơi đây đã tìm hướng đi mới cho mình bằng cách nuôi tôm công nghệ cao, giúp tiết kiệm nhiều chi phí, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Cùng với chăn nuôi, trồng trọt cũng là lĩnh vực được nhiều HTX và các hộ nông dân trên địa bàn TX Quảng Yên đang áp dụng công nghệ cao. Là vùng rau màu lớn trong tỉnh, nắm bắt được nhu cầu người tiêu dùng ngày càng có xu hướng tìm kiếm nguồn thực phẩm an toàn, TX Quảng Yên đã tích cực vận động nông dân chuyển đổi sang sản xuất canh tác rau an toàn. Để tăng sản lượng và chất lượng rau, thị xã đã huy động người dân và doanh nghiệp phát triển vùng rau; tập trung sản xuất các loại rau ngắn ngày có chất dinh dưỡng cao như các loại rau mầm; đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng diện tích sản xuất liên kết. Trong đó, hỗ trợ bà con từ giống và kỹ thuật, giúp bà con trồng rau giống mới và áp dụng KHCN vào canh tác.
Ghi nhận tại xã Tiền An, đây là vùng chuyên canh sản xuất rau lớn của TX Quảng Yên với tổng diện tích 950ha, trong đó có 170ha trồng rau an toàn. Xã khuyến khích người dân và các doanh nghiệp trên địa bàn tích cực áp dụng KHKT trong sản xuất để nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm.
Mô hình, kỹ thuật mới trong sản xuất rau an toàn cũng đã được áp dụng trên địa bàn, bước đầu cho hiệu quả cao. Đơn cử như Công ty Song Hành đã đưa quy trình trồng rau thuỷ canh vào sản xuất. Với tổng diện tích nhà xưởng trên 2.000m2, Công ty đầu tư hệ thống nhà màng, khu sơ chế, ươm giống, lọc nước để áp dụng trồng rau thuỷ canh… Với phương pháp này, người nông dân hoàn toàn kiểm soát được lượng nước, dinh dưỡng trong quá trình trồng, giúp tiết kiệm nước, ánh sáng; đặc biệt giúp sản xuất liên tục các loại rau mà không bị phụ thuộc vào thời tiết. Trung bình mỗi ngày, vùng rau của xã cung ứng ra thị trường trên 20 tấn rau đảm bảo chất lượng.
Hiện, TX Quảng Yên đang xây dựng Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, cơ cấu lại nhóm sản phẩm nông sản chủ lực gồm: Lúa chất lượng; rau an toàn; cây ăn quả; hoa, cây cảnh; triển khai thực hiện đề án liên kết sản xuất lúa chất lượng cao, lúa đặc sản. Bên cạnh đó, chuyển đổi cơ cấu đàn vật nuôi theo hướng giảm tỷ trọng trâu, bò, đàn lợn, tăng tỷ trọng đàn gia cầm, thủy cầm và sản phẩm trứng; chuyển đổi toàn bộ khu vực nuôi thủy sản nước ngọt 80ha ven đê phường Nam Hòa sang nuôi nước mặn lợ thâm canh để nâng cao hiệu quả đầu tư, tăng giá trị sản xuất. Từ đó, hình thành hệ sinh thái nông nghiệp bền vững, xây dựng du lịch sinh thái trải nghiệm trên địa bàn thị xã như du lịch sinh thái, trải nghiệm nuôi trồng thủy sản trên biển; du lịch sinh thái, trải nghiệm hệ thống rừng ngập mặn ven biển.