Nông dân Quảng Ninh vài năm trở lại đây đã bắt nhịp được với xu hướng mới, khai thác lợi thế đất đai, sản vật từ mảnh vườn, ruộng rau, cánh đồng… để làm du lịch. Dù là hướng đi mới, nhưng việc kết hợp du lịch với nông nghiệp không chỉ là tăng thu nhập, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, mà còn giới thiệu, quảng bá những giá trị văn hóa, tinh thần, thể hiện niềm tự hào về quê hương, xứ sở.
Khi ruộng lúa, vườn cam… trở thành điểm đến
Những ngày cuối tháng 4/2024, dù mùa thanh mai đã cuối vụ, nhưng vườn thanh mai nhà ông Hà Văn Tính (thôn Khe Mai, xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn) vẫn rất đông du khách đến trải nghiệm hái quả. Gần cả một đời người gắn bó với nghề nông, chưa bao giờ ông Tính nghĩ đến có một ngày lão nông như ông lại trở thành một hướng dẫn viên, giới thiệu cho du khách về vườn thanh mai mấy chục năm tuổi, những điểm đến, món ngon, sản vật địa phương.
Từ ngày mô hình du lịch trải nghiệm nông nghiệp nở rộ trên địa bàn, ông Tính cùng nhiều hộ dân có vườn cây ăn quả trên địa bàn đã tham gia liên kết với HTX Khe Mai (Khe Mai Farm) để phát triển du lịch. Ông Tính cho biết: Mỗi mùa thanh mai đến, vườn của gia đình tôi luôn đông vui, nườm nượp khách ra vào, người lớn có, trẻ nhỏ có… Mọi người đến đây để được trải nghiệm hái thanh mai, thưởng thức thứ quả ngon đặc sản của Vân Đồn. Du khách đến cũng sử dụng những sản vật khác như gà, cá, rau, hoa quả… Nhờ đó nông dân chúng tôi yên tâm về đầu ra của nông sản.
Nhiều hộ dân thôn Khe Mai cũng đang tham gia vào mô hình du lịch nông nghiệp trải nghiệm của Khe Mai Farm thông qua những vườn cây ăn quả của gia đình. Chị Đinh Lâm, quản lý Khe Mai Farm, cho biết: Chúng tôi liên kết với các nông dân bản địa phát triển các vườn cây ăn quả như ổi, thanh long, thanh mai, vải, ngô… thành những điểm đến trải nghiệm. Mùa nào thức nấy, du khách đến đây sẽ được chính những người dân hướng dẫn và tự tay chăm sóc, thu hái cây quả trong vườn, thưởng thức những nông sản đặc trưng. Chúng tôi đang hướng đến xây dựng một cộng đồng du lịch bền vững, vừa tăng thu nhập cho chính người dân tham gia, vừa quảng bá, giới thiệu những nét đẹp thiên nhiên, con người của vùng đất Vân Đồn.
Trước xu hướng du lịch trải nghiệm, sinh thái ngày càng phát triển, gia đình anh Nguyễn Ngọc Trung (xã Sơn Dương, TP Hạ Long) tận dụng diện tích trồng cây ổi hiện có, trồng thêm một số loại cây như bưởi, trà hoa vàng, đào ao, thả cá… để đón khách du lịch. Khu vườn nhà anh hiện trở thành một trong những điểm du lịch trải nghiệm hấp dẫn của xã. Du khách đến đây có thể trực tiếp hái ổi, câu cá thư giãn, ăn uống tại vườn. Dù là hướng đi mới, nhưng mô hình phát triển du lịch trải nghiệm như thế này đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình anh. Một mặt vẫn khai thác được lợi thế từ vườn, thông qua bán nông sản, mặt khác quảng bá, giới thiệu được những nét văn hóa tốt đẹp của làng quê.
Anh Trung cho biết: “Mỗi dịp cuối tuần gia đình tôi đón 4-5 đoàn khách, dịp cao điểm như nghỉ lễ 30/4-1/5 vừa qua, lượng khách tăng gấp đôi. Dù bận hơn, nhưng thu nhập thì cao hơn hẳn so với trước kia. Mỗi năm trừ chi phí, gia đình có lợi nhuận gần 200 triệu đồng”.
Đối với đồng bào dân tộc Sán Chỉ xã Đại Dực (huyện Tiên Yên), làm du lịch không chỉ để phát triển kinh tế, mà còn là một cách để bảo tồn, gìn giữ những trầm tích văn hóa được tạo dựng qua bao thế hệ. Những năm gần đây, khi những thửa ruộng bậc thang vào vụ chín vàng rực cũng là lúc người dân Đại Dực đón hàng trăm, nghìn du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, chụp ảnh lưu niệm. Đón bắt xu hướng du lịch nông nghiệp lên ngôi, đầu năm 2024, 6 hộ dân thôn Khe Lục (xã Đại Dực) đã bắt tay cùng xây dựng khu homestay và thành lập Tổ hợp tác du lịch cộng đồng.
Chị Trần Thị Phấu (thôn Khe Lục) cho biết: “Những lợi thế về thiên nhiên, văn hóa bản địa đã thôi thúc người dân chúng tôi giữ gìn, phát huy, khai thác thành sản phẩm du lịch. Đến đây du khách sẽ được trải nghiệm những hoạt động gắn liền với người dân địa phương, như nấu rượu, quạt thóc, ngâm chân, tắm thuốc, giao lưu văn hóa, văn nghệ đặc sắc, giao lưu biểu diễn hát Soóng Cọ, múa Tắc Xình, đánh quay và thưởng thức các món ăn, sản phẩm OCOP…”.
Mở đường cho du lịch nông nghiệp phát triển
Nông dân tận dụng lợi thế đất đai, ruộng vườn để đón du khách đang tạo thành một xu hướng du lịch mới – du lịch nông nghiệp. Đây là loại hình du lịch được xây dựng, tổ chức dựa trên hoạt động sản xuất nông nghiệp. Mô hình trải nghiệm này chủ yếu diễn ra tại nông trại, trang trại hoặc thôn xóm, bản làng nhằm phục vụ nhu cầu tham quan, giải trí của du khách. Thời gian qua, loại hình du lịch này nở rộ tại nhiều khu vực nông thôn của tỉnh, mang lại nhiều giá trị to lớn cho sản xuất nông nghiệp, đồng thời giúp quảng bá văn hoá, nông đặc sản địa phương, nâng cao đời sống cho người dân nông thôn.
Tiêu biểu như: Làng quê Yên Đức (TX Đông Triều); đồi chè xã Quảng Long (huyện Hải Hà); vườn hoa Quảng La, khu trồng cây ăn quả chất lượng cao xã Dân Chủ, xã Thống Nhất, cánh đồng rau, hoa chất lượng cao xã Lê Lợi (TP Hạ Long); mùa vàng Húc Động (Bình Liêu); vườn cam Vạn Yên (Vân Đồn)… Ngoài lợi ích kinh tế đem lại cho người dân nông thôn, các mô hình này đã tạo ra các điểm đến, sản phẩm du lịch nông nghiệp hấp dẫn, thu hút du khách trong nước và quốc tế.
Du lịch nông nghiệp còn gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, chương trình OCOP, chương trình bảo tồn các giá trị văn hóa đồng bào DTTS, làng nghề truyền thống… Do đó có ý nghĩa lớn trong hỗ trợ duy trì và quảng bá đời sống nông thôn, nâng cao ý thức giữ gìn phong tục tập quán đậm đà bản sắc, bảo tồn các phương thức canh tác truyền thống của địa phương.
Tuy nhiên, cũng như nhiều địa phương khác trong nước, du lịch nông nghiệp, nông thôn của Quảng Ninh vẫn còn phát triển tự phát, manh mún, thiếu sự sáng tạo độc đáo, nên chưa tạo được giá trị gia tăng và sự khác biệt cho sản phẩm. Các mô hình du lịch nông nghiệp hiện nay phần lớn mới đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, trải nghiệm của du khách ở mức đơn giản, chưa có nhiều dịch vụ hấp dẫn. Bên cạnh đó chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa người dân với doanh nghiệp lữ hành, chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý nhà nước, các làng nghề, các lĩnh vực nông nghiệp để tạo ra và phát triển các sản phẩm du lịch chất lượng và chuyên nghiệp. Du lịch nông nghiệp hiện mới chỉ dừng ở việc tận dụng nguồn lực sẵn có, mà thiếu nhân lực chuyên ngành, dẫn đến việc phục vụ du khách chưa có bài bản và tính bền vững cao. Nhiều điểm du lịch nông thôn còn thiếu đầu tư cho kết cấu hạ tầng, không có bãi đỗ xe, không có nơi cho du khách nghỉ chân.
Để du lịch nông nghiệp trở thành sản phẩm hấp dẫn, mang đậm nét văn hóa, đặc trưng của vùng đất Quảng Ninh, Sở VH&TT, Sở Du lịch đã đề nghị các địa phương phát triển nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường, bảo đảm VSATTP, chú trọng phát triển nền nông nghiệp xanh, khôi phục sản phẩm truyền thống, đặc sản địa phương, hạn chế sử dụng hóa chất. Chính quyền địa phương cần quan tâm hơn nữa đối với lĩnh vực du lịch nông nghiệp thông qua các cơ chế chính sách, như xây dựng chương trình phát triển canh nông gắn với xây dựng nền nông nghiệp bền vững và NTM. Cùng với đó, hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư phù hợp cho kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch canh nông, như đường giao thông, điện, nước sạch.
Về lâu dài cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các sở, ban, ngành, chính quyền các địa phương và sự hưởng ứng tích cực của tổ chức doanh nghiệp du lịch, đơn vị lữ hành, các cơ sở canh tác và cộng đồng dân cư… để các mô hình này mang tính chuyên nghiệp hơn. Trong đó yếu tố quan trọng nhất là nông dân cần phát triển sâu, làm tốt những nông sản mà mình có, giữ gìn bản sắc địa phương, văn hóa, có những sản phẩm mang đặc trưng vùng miền, tập tục truyền thống. Các cá nhân, doanh nghiệp có điều kiện phát triển du lịch nông nghiệp cần liên kết nông dân, hướng dẫn người dân cách làm nông nghiệp du lịch. Khi đó nông dân càng thêm tự tin, sẵn sàng “mở cửa” ruộng vườn, niềm nở đón chào du khách. Đây cũng là dịp để những hình ảnh đẹp về văn hóa, con người, thiên nhiên của vùng đất Quảng Ninh được quảng bá, lan tỏa rộng rãi.