Hoạt động của các CLB, chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp ở Quảng Ninh đã đóng góp tích cực vào kết quả công tác hội và phong trào nông dân trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tạo tiền đề quan trọng để các hội viên, nông dân phát huy năng lực, sở trường, mạnh dạn thi đua sản xuất, phát triển kinh tế, từng bước xây dựng hình ảnh người nông dân Quảng Ninh giàu có, năng động, sáng tạo.
Đa dạng các mô hình CLB, chi, tổ hội nghề nghiệp
CLB Nuôi trồng thủy sản phường Nam Hòa (TX Quảng Yên) được thành lập tháng 2/2017, với 15 hội viên ban đầu. Qua 7 năm hoạt động, đến nay CLB đã có số lượng 40 thành viên. Thu nhập bình quân trong CLB đạt 400-500 triệu đồng/năm đối với hộ nuôi trồng thủy sản khu vực nước ngọt và đạt 500-700 triệu đồng/năm đối với hộ nuôi trồng thủy sản khu vực nước lợ. Ngoài việc phát triển kinh tế hộ gia đình, mỗi hộ còn tạo việc làm cho 5-10 lao động địa phương theo mùa vụ.
Hoạt động hiệu quả của CLB cũng đã mở rộng quy mô diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn phường Nam Hòa lên 340ha. Ông Vũ Hoài Nam, Chủ nhiệm CLB cho biết: Các thành viên trong CLB thường xuyên trao đổi về kiến thức, kinh nghiệm chăm sóc, nuôi trồng thủy sản, vệ sinh môi trường, quản lý trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo hướng an toàn và hiệu quả; giúp đỡ nhau thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và địa phương, xây dựng gia đình văn hóa, khu phố văn hóa.
Còn với 11 hội viên nông dân của Tổ hội nghề nghiệp “Cơ giới hóa nông nghiệp” thôn Đông Hà (xã Tân Lập, huyện Đầm Hà), sự ra đời của mô hình này đã giúp họ gắn kết với nhau, cùng chia sẻ những kinh nghiệm về phát triển kinh tế, nhất là việc đầu tư, áp dụng các thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp. Từ đó, nâng cao hiệu quả canh tác, gia tăng thu nhập bền vững.
Không chỉ giúp nhau về phát triển kinh tế, hoạt động của các CLB, chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp cũng tạo điều kiện để hội viên, nông dân phát huy vai trò của mình trong xây dựng Đảng, chính quyền.
Được thành lập từ tháng 7/2021 với 50 thành viên, CLB Nông dân với pháp luật xã Quảng Chính (huyện Hải Hà) đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn nhỏ trong cộng đồng dân cư trên địa bàn. CLB sinh hoạt định kỳ 1 tháng/lần. Từ khi thành lập đến nay, CLB đã tổ chức nhiều cuộc tuyên truyền, phổ biến pháp luật theo các chủ đề, chủ điểm, như: Quy định của pháp luật về đền bù, giải phóng mặt bằng; Luật Giao thông đường bộ; BHXH, khiếu nại tố cáo… Qua đó, góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật cho hội viên, nông dân, giúp giữ vững an ninh trật tự tại cơ sở.
Tạo động lực cho hội viên, nông dân
Đến nay, toàn tỉnh có 435 CLB nông dân với 9.833 thành viên; 63 chi hội nông dân nghề nghiệp với trên 1.300 thành viên; 160 tổ hội nông dân nghề nghiệp với trên 1.300 thành viên. Các CLB, chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp đã có bước phát triển mới về số lượng cũng như chất lượng, nâng cao hiệu quả hoạt động, đặc biệt là vận động thành viên áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, huy động nguồn vốn, lao động, tạo sự liên kết hợp tác với nhau và hợp tác với các doanh nghiệp, góp phần tăng năng suất, chất lượng, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác, sản xuất.
Hoạt động hiệu quả của các CLB, chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp cũng thúc đẩy phong trào nông dân trên địa bàn toàn tỉnh, đồng thời, góp phần xây dựng, hình thành giai cấp nông dân thế hệ mới trong quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đỗ Ngọc Nam, thời gian qua các cấp Hội Nông dân trên địa bàn Quảng Ninh đã tăng cường tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, chỉ đạo để nâng cao nhận thức và năng lực về xây dựng CLB, chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp. Đồng thời, chỉ đạo triển khai xây dựng và hướng dẫn hoạt động của chi, tổ hội nghề nghiệp đảm bảo theo tiêu chí 5 cùng (cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; cùng mối quan tâm; cùng có sự chia sẻ; cùng trách nhiệm và cùng hưởng lợi). Việc thành lập, duy trì hoạt động và nhân rộng các mô hình CLB có hiệu quả cũng được HND các cấp quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn và triển khai, thực hiện phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của từng địa phương, từng đối tượng nông dân ở nông thôn.
Để tạo điều kiện cho các CLB, chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp, Hội Nông dân các cấp cũng thường xuyên tuyên truyền cho hội viên, nông dân thay đổi tư duy, thay đổi cách làm; hỗ trợ vốn, kiến thức, đào tạo nghề cho nông dân; vận động nông dân liên kết, hợp tác trong sản xuất; xây dựng các mô hình sản xuất tiên tiến…
Thời gian tới, các cấp Hội Nông dân tỉnh sẽ đẩy mạnh thành lập CLB, chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp mới trong địa bàn dân cư, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Trong đó, chú trọng lấy hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi có uy tín làm nòng cốt để xây dựng các chi, tổ hội. Tổ chức tốt các hoạt động hỗ trợ, tư vấn; thúc đẩy quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối thị trường, xây dựng thương hiệu, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp… tạo điều kiện cho các CLB, chi, tổ hội phát triển bền vững, tham gia tích cực vào phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới.