Ca khúc Fever của hai rapper trẻ tlinh và Coldzy mới phát hành giữa tháng 6/2024 đầy rẫy những câu từ miêu tả ẩn ý hoặc công khai chuyện ân ái. Những năm gần đây, nhiều ca khúc có nội dung người lớn, nhiều cảnh quay gợi cảm, khoe thân phổ biến rộng rãi trên mạng. Vấn đề dán nhãn độ tuổi cho tác phẩm âm nhạc nóng trở lại, khi nhiều trường hợp đã bị “tuýt còi”.
Vấn đề dán nhãn sản phẩm âm nhạc nóng trở lại khi loạt video âm nhạc (MV) có chi tiết quá gợi cảm đến mức phản cảm liên tiếp ra lò. Hầu hết đội ngũ sản xuất MV là người trẻ, ca sĩ thể hiện bài hát cũng ít cả tuổi đời lẫn tuổi nghề.
Tháng 8/2023, nữ rapper tlinh (Nguyễn Thảo Linh) tung MV Ghệ iu dấu của em ơi, với nhiều hình ảnh nóng bỏng. Nghệ sĩ trẻ có nhiều cảnh quay ở bồn tắm, phòng bếp và hồ bơi, diện đồ ren gợi cảm. Máy quay nhiều lần bắt góc cận khi cô mặc nội y tạo dáng trong bồn tắm.
Sau MV này, nữ rapper trẻ và đồng nghiệp là Coldzy tiếp tục ra sản phẩm âm nhạc khác với phần lời thiếu tế nhị. Ca khúc Fever mới phát hành giữa tháng 6/2024 đầy rẫy những câu từ miêu tả ẩn ý hoặc công khai chuyện ân ái như: “Áo hai dây buông lên sofa, nàng vội lại gần sát thêm…”. Tuy nhiên, trước những ý kiến chỉ trích của khán giả, phía tlinh tỏ ra khá bức xúc, cho rằng, đó chỉ là câu từ thể hiện mối quan hệ yêu đương, quấn quýt. Nữ rapper chia sẻ dòng trạng thái bất bình khi sản phẩm âm nhạc của cô bị cho là sáo rỗng, bị gọi là “nhạc rác”.
Hiện nay chưa có quy định cụ thể về việc phân loại độ tuổi cho sản phẩm âm nhạc. Những năm gần đây, nhiều ca khúc có nội dung người lớn, nhiều cảnh quay gợi cảm, khoe thân phổ biến rộng rãi trên mạng như Mẩy thật mẩy, Hâm nóng (Big Daddy), Krazy (Binz, Andree). Rapper Bình Gold bị chỉ trích khi có hàng loạt MV như Bốc bát họ, Ông bà già tao lo hết, Trơn, Quan hệ rộng, Lái máy bay chứa nhiều cảnh quay tiêu cực, khoe mẽ tài sản. Các nhân vật nữ trong MV mặc đồ hở hang, động tác phản cảm.
Một số nghệ sĩ từng tự gắn mác sản phẩm như Chi Pu (Mời anh vào team em, 16+), Hương Giang (Em không hối tiếc, 18+), Tóc Tiên (Big girls don’t cry, 16+), Binz (Bigcitiboi, 18+)… Tuy nhiên, không có tiêu chí phân loại cụ thể dành cho những nội dung 16+ hay 18+. Trong khi đó, việc phát hành sản phẩm âm nhạc trên nền tảng số không khó thực hiện, với đối tượng tiếp cận rất rộng, đủ mọi lứa tuổi.
Nhạc sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long nhận định, thẩm mỹ âm nhạc của thế hệ nghệ sĩ trẻ ngày nay khác trước. Vì thế, không thể đặt ra yêu cầu quá khắt khe về ca từ bay bổng, giàu hình ảnh, hay phải nhiều tầng nhiều lớp nghĩa như thế hệ đi trước. Chuyên gia cho rằng, về cơ bản, nhạc trẻ đáp ứng đúng nhu cầu giới trẻ hiện đại. Tuy nhiên, những vấn đề như sử dụng tràn làn ca từ dung tục, cảnh nhạy cảm,… cũng rất đáng báo động.
Kết hợp tiền kiểm, hậu kiểm
Sự bùng nổ của phim ảnh, sách truyện hay sản phẩm âm nhạc đều đặt ra yêu cầu phải dán nhãn phân loại để bảo vệ khán giả. PGS.TS
Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, những sáng tác của nghệ sĩ trẻ đem lại sự sôi động, mới mẻ cho thị trường âm nhạc nói riêng và nền nghệ thuật nói chung. Tuy nhiên, quá trình sáng tạo của nghệ sĩ trẻ còn nhiều hạt sạn. Nhiều sản phẩm âm nhạc có ngôn từ không phù hợp.
“Các sản phẩm nghệ thuật chân chính phải hướng đến giá trị chân thiện mỹ, từ đó có tác động, định hướng sự hình thành nhân cách của khán giả. Vì thế, công chúng đặt kỳ vọng vào các tác phẩm nghệ thuật. Có nhiều giải pháp được đưa ra với những sản phẩm âm nhạc, nghệ sĩ có ứng xử không phù hợp với thuần phong mỹ tục như: hạn chế xuất hiện, hạn chế phổ biến các tác phẩm hay dán nhãn sản phẩm âm nhạc,…”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn chia sẻ.
TS Nguyễn Tuấn Anh, Viện Nghiên cứu Thanh niên (Học viện Thanh Thiếu niên Việt Nam) cho rằng, công tác kiểm định sản phẩm phát hành trên mạng, mạng xã hội tại Việt Nam chưa chặt chẽ. “Việc dán nhãn các tác phẩm âm nhạc không phải lần đầu được đề cập tại Việt Nam. Ở nước ngoài, việc dán nhãn được quản lý rất chặt chẽ. Họ có đội ngũ kiểm định các sản phẩm từ lúc sản xuất cho đến khi phát hành”, TS Nguyễn Tuấn Anh nêu. Dán nhãn là cần thiết để phân loại đối tượng thụ hưởng sản phẩm, bởi đó sẽ là trợ thủ đắc lực giúp phụ huynh cảnh báo, định hướng, ngăn cản các con tiếp cận sản phẩm nhạy cảm. GIA LINH
|
Tuy nhiên, giải pháp nào cũng cần tính toán kỹ lưỡng đến tính khả thi, hiệu quả. Ông Bùi Hoài Sơn cho rằng, giải pháp quan trọng nhất là nâng cao nhận thức của nghệ sĩ trẻ, để họ có những sản phẩm nghệ thuật vừa theo kịp xu hướng thời đại, vừa có ích cho sự phát triển văn hóa, nhân cách, đạo đức.
“Ở Việt Nam, sự sáng tạo của nghệ sĩ phải gắn với trách nhiệm xã hội. Có rất nhiều cách sáng tạo, không nhất thiết phải dùng lời lẽ thô tục, gợi cảm quá mức. Nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện dán nhãn với sản phẩm âm nhạc không phù hợp với một lứa tuổi nhất định. Tuy nhiên, mỗi quốc gia có đặc điểm văn hóa, nghệ thuật riêng. Chúng ta chỉ có quy định dán nhãn với phim ảnh, chưa có quy định riêng với âm nhạc”,
PGS.TS Bùi Hoài Sơn nêu. Việc phổ biến âm nhạc trên nền tảng số cần được quản lý chặt chẽ, tránh tình trạng đã dán nhãn vẫn khó kiểm soát, bảo vệ người xem khỏi nội dung không phù hợp.
Theo nhạc sĩ Nguyễn Quang Long, với những sản phẩm âm nhạc chứa nội dung không lành mạnh, trái thuần phong mỹ tục, cần kết hợp giải pháp kêu gọi nghệ sĩ tự giác và có chế tài đủ sức răn đe. “Khi cộng đồng lên tiếng, các cơ quan chức năng cũng cần xem xét, đánh giá mức độ ảnh hưởng. Nếu sản phẩm vi phạm, cần bị xử lý theo quy định của pháp luật. Nhạc hiện đại vẫn phải đảm bảo thuần phong mỹ tục. Việc quản lý các sản phẩm phổ biến trên mạng theo phương pháp hậu kiểm rất hợp lý, nhưng nên cân nhắc kết hợp tiền kiểm với một số tác phẩm”, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long nói.
Đã có trường hợp nghệ sĩ bị “tuýt còi” vì MV có nội dung, hình ảnh trái giá trị, chuẩn mực đạo đức xã hội và thuần phong mỹ tục. Tuy nhiên, nhiều nghệ sĩ vẫn coi nhẹ vấn đề này.