Hội thảo Bảo hộ Bản quyền trong phát triển công nghiệp điện ảnh diễn ra sáng 22.11 tại Đà Lạt (Lâm Đồng) nằm trong khuôn khổ hoạt động của Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23 nêu lên những vấn đề trong quản lý Nhà nước và thực thi pháp luật về bản quyền trong công nghiệp điện ảnh…
Trong video phát biểu chào mừng, bà Sylvie Forbin, Phó Tổng Giám đốc lĩnh vực Bản quyền và Công nghiệp sáng tạo Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Geneve, Thụy Sĩ nêu rõ: Việt Nam đang tham gia tích cực vào các điều ước đa phương về quyền tác giả và quyền liên quan do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới quản lý. Về vĩ mô, ngành công nghiệp điện ảnh là một phần thiết yếu của nền kinh tế sáng tạo, đóng góp khoảng 5,5% GDP toàn cầu và 5,8% việc làm trên toàn thế giới.
Chính phủ Việt Nam đã có chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, đặt mục tiêu ngành điện ảnh đạt doanh thu 250 triệu USD vào năm 2030 và tôi hy vọng Việt Nam sẽ nhanh chóng đạt mục tiêu này.
Nóng nhất là bản quyền tác phẩm điện ảnh trên không gian mạng
Bà Phạm Kim Oanh – Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả nêu lên nhiều vấn đề về thực trạng bảo hộ quyền tác giả trong lĩnh vực điện ảnh, đặc biệt là bảo vệ bản quyền tác phẩm điện ảnh trên không gian mạng.
Cụ thể, nhiều phim chiếu rạp bị khán giả livestream phát trực tiếp trên mạng, gây thiệt hại cho nhà sản xuất…
Các hành vi xâm phạm bản quyền cũng rất đa dạng từ xâm phạm quyền tác giả như quyền sao chép, quyền truyền đạt, phân phối tác phẩm đến quyền nhân thân như quyền công bố tác phẩm, quyền bảo vệ sự vẹn toàn của tác phẩm…
Bà Oanh đề nghị chủ động áp dụng các biện pháp công nghệ để bảo vệ tác phẩm, ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm phải gỡ bỏ và xóa nội dung vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.
Ông Trang Thanh Phương – Phó Trưởng phòng nghệ thuật Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh cũng lo ngại, tình trạng vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Điện ảnh ngày càng có chiều hướng tinh vi hơn. TPHCM hiện chưa đủ điều kiện về khoa học kỹ thuật chuyên dụng cũng như nguồn nhân lực công nghệ chất lượng cao phục vụ cho công tác quản lý Nhà nước lĩnh vực điện ảnh trên không gian mạng.
PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú – Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam nêu lên tình trạng vi phạm bản quyền trong phim tài liệu và phim hoạt hình. Trong đó, ở phim tài liệu việc sử dụng các hình ảnh các phim đã có hoặc lấy trên không gian mạng dùng cho phim mới, nhưng chỉ ghi “trong phim có sử dụng tư liệu của một số đồng nghiệp” chính là vi phạm bản quyền kéo dài nhiều năm nay…
Các hình thức vi phạm và giải pháp xử lý
Luật sư Quản Văn Minh – Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình Việt Nam nêu rõ: Điều quan trọng để đưa ra các cơ chế xử lý các dịch vụ vi phạm, người xử lý phải biết các dịch vụ xâm phạm là những dịch vụ gì, sau đó đưa ra các giải pháp.
Ở đây, các đối tượng cung cấp các dịch vụ xâm phạm thường qua các website tên miền quốc tế và các dịch vụ ẩn dấu thông tin hoạt động công khai và thay đổi tên miền liên tục khi bị chặn.
Các hình thức vi phạm phổ biến là phim chiếu rạp bị phát tán trên mang xã hội. Các đối tượng quay lén không đưa toàn bộ nội dung lên mà cắt thành những clip ngắn đưa lên các hội nhóm. Hầu hết các tài khoản quay phim lén đều mới lập và người xem chỉ lướt qua các phân đoạn là gần như nắm rõ nội dung chính của phim, gây tổn hại lớn đến quyền lợi của đơn vị sản xuất phim.
Rồi review phim dưới dạng video ngắn trên YouTube hay Facebook, TikTok, tóm tắt nội dung, thể hiện quan điểm, lời bình khiến người xem nắm rõ nội dung và không còn hấp dẫn để họ bỏ chi phí xem trọn vẹn phim.
Một số giải pháp đặt ra, đáng chú ý là phải hoàn thiện hành lang pháp lý từ việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu, trình các cấp có thẩm quyền đề xuất gia nhập 2 Hiệp ước của WIPO về quyền tác giả, quyền liên quan trên không gian mạng.
Về cơ chế xử phạt vi phạm hành chính phải tăng mức phạt để đủ sức răn đe. Chặn nguồn thu quảng cáo của các trang web lậu là biện pháp hữu hiệu và đã được nhiều nước trên thế giới thực hiện. Tăng cường, tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật…