Như mọi đơn vị thành viên của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam ở vùng Quảng Ninh, Công ty CP Than Núi Béo đã chịu những ảnh hưởng nặng nề từ bão số 3. Dù đã nhanh chóng củng cố lại nhà xưởng, bắt tay vào sản xuất, ra than ngay sau bão, nhưng Than Núi Béo vẫn gặp rất nhiều khó khăn về địa chất.
Bão số 3 đã khiến toàn bộ hệ thống cung cấp điện, cấp nước, cấp hơi, cấp khí nén cho mọi vị trí sản xuất của Than Núi Béo bị “tê liệt” trong gần 1 tuần. Nhà điều hành, nhà che của trạm quạt gió chính bị đổ khiến thiết bị ẩm ướt, các tủ biến tần cũng bị hỏng. Nhiều công trình kiến trúc và hệ thống băng tải ngoài mặt bằng bị gió bão giật đổ, tốc mái, vỡ kính, sập trần… Dưới lò, một số đường lò bị nước chảy vào từ cửa lò cuốn theo đá gây ngập cục bộ nhiều vị trí.
Đáng kể, điện lưới bị cắt trong khoảng 1 tuần đã khiến hai hệ thống trục tải giếng đứng chính và phụ của Than Núi Béo ngừng hoạt động. Đây là hai công trình đặc biệt quan trọng đối với công tác vận tải của Than Núi Béo, có nhiệm vụ vận chuyển toàn bộ đất đá, than nguyên khai, nhân công và vật tư thiết bị lên, xuống lò để phục vụ sản xuất.
Ông Trần Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Công ty CP Than Núi Béo – Vinacomin cho biết: Toàn bộ khu nhà vận hành trục tải, nhà che tháp giếng chính và tháp giếng phụ, nhà vận hành hệ thống quang lật tròn bị tốc mái trong bão số 3. Nước mưa tràn xuống cùng lúc điện lưới bị cắt đã làm ngưng trệ hoạt động vận tải của Công ty CP Than Núi Béo trong 1 tuần.
Một cách khẩn trương, đơn vị đã nhanh chóng tổ chức thi công lắp đặt lại mái tôn nhà che miệng giếng và nhà chứa thiết bị trục tải 2 giếng; đánh giá tình trạng kỹ thuật toàn bộ hệ thống thiết bị và kết hợp thí nghiệm hiệu chỉnh thiết bị trục tải cả 2 giếng đứng chính và phụ. Từ ngày 11/9/2024, các dây chuyền sản xuất của đơn vị đã hoạt động trở lại bình thường. 10 ngày sau khi hoạt động ổn định trở lại, Than Núi Béo đã sản xuất trên 33.000 tấn than và đào hơn 330 mét lò.
Ông Đoàn Đắc Thọ, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty khẳng định: Bão số 3 đã đi qua và những hậu quả nặng nề do thiên tai gây ra cũng đã được khắc phục. Chúng tôi đã ra than sớm nhất có thể trong điều kiện an toàn nhất. Hầm bơm, trạm điện – trái tim của mỏ được bảo toàn. Mọi dây chuyền, thiết bị sản xuất trọng yếu đã khởi động nhanh chóng trở lại ngay sau bão. Có thể nói, nỗ lực của cả một tập thể giàu truyền thống kỷ luật và đồng tâm đã được đền đáp xứng đáng. Trong khó khăn, đội ngũ lãnh đạo và những người lao động Than Núi Béo vẫn sát cánh, cùng nhau khôi phục thần tốc hệ thống sản xuất của mỏ để dòng than tuôn chảy.
“Dù vậy, Núi Béo vẫn chưa khi nào hết khó khăn. Những khoáng sàng nhiều đá và kẹp vốn là một “đặc sản” ở mỏ này. Chất lượng than nguyên khai bị ảnh hưởng bởi trong quá trình khai thác nhiều khu vực gặp đứt gãy uốn nếp tương đối phức tạp. Ngoài ra, trong vỉa xuất hiện thêm các lớp kẹp có thành phần là sét than, sét kết làm độ tro (Ak) tăng cao. Thêm vào đó, lò chợ cơ giới hóa trong quá trình chuyển diện gặp áp lực nước lớn, ảnh hưởng đến sản lượng khai thác” – vị giám đốc chia sẻ thêm.
Để giải quyết những vấn đề khó khăn về địa chất, Than Núi Béo đã chủ động nhận diện và xây dựng các biện pháp thi công hiệu quả, Công tác thăm dò luôn được Công ty đi trước một bước, khoanh vùng các khu vực có nguy cơ xuất hiện đứt gãy và có phương án khấu vượt để hạn chế tối đa cắt đá. Để đảm bảo tiết kiệm tài nguyên và chất lượng than, công tác tách lọc đá ngay tại gương lò trước khi vận tải ra ngoài mặt bằng luôn được chú trọng. Ngoài ra, với các vùng khai thác gặp điều kiện áp lực mỏ lớn, Công ty tập trung các biện pháp điều chỉnh kết cấu chống phù hợp, tổ chức chống đội, hạ nền, xén sửa đường lò… đảm bảo an toàn.
Theo kế hoạch năm 2024, Công ty cổ phần Than Núi Béo triển khai đào lò khoanh vùng và khai thác các lò chợ CGH 21108; Lò chợ Giá xích 21117, lò chợ Giá xích 41009 và Lò chợ Giá xích 30703. Quá trình đào lò khoanh vùng các lò chợ, về cơ bản điều kiện địa chất ít biến động, đảm bảo điều kiện kỹ thuật đưa các lò chợ vào khai thác theo kế hoạch.
Tuy nhiên, quá trình khai thác các lò chợ trên đã gặp điều kiện địa chất biến động, sai khác so với tài liệu ban đầu lập thiết kế, gặp đứt gãy giữa lò chợ ngoài dự kiến, dẫn đến lò chợ phải khoan nổ mìn cắt một phần đá khu vực tiếp giáp đứt gãy nên làm ảnh hưởng chất lượng than khai thác.
Khi gặp đứt gãy giữa lò chợ ngoài dự kiến, dẫn đến lò chợ phải khấu cắt một phần đá khu vực tiếp giáp đứt gãy, Công ty đã chủ động triển khai nhiều giải pháp để khắc phục.
Theo ông Nguyễn Văn Định, Trưởng phòng Kỹ thuật – Công nghệ Mỏ, Công ty đã tổ chức bố trí chu kỳ khai thác hợp lý, điều chỉnh linh hoạt thời gian vận tải than, đá để tách riêng than đá khi khấu các lò chợ. Đồng thời, Công ty cũng đã vận dụng tối đa sự linh hoạt của kết cấu chống giữ lò chợ giá xích để thay đổi góc dốc chống giữ (khấu nâng nền và hạ nền) đảm bảo giảm tối đa khối lượng cắt đá và khai thác tối đa tài nguyên.
Khi gặp đứt gãy giữa chợ với biên độ lớn, chia lò chợ thành hai phần (cánh nâng và cánh hạ) chủ động tách tuyến vận tải theo hai hướng lò dọc vỉa vận tải và lò dọc vỉa thông gió để phù hợp thông số của thiết bị vận tải trong lò chợ.
Để xác định biên độ của đứt gãy, hình thái của điều kiện biến động, Công ty tiến hành khoan thăm dò bằng máy khoan tầm trung, tầm dài trong lò; đồng thời kiểm tra xác định vỉa than phía trước theo phương khấu để kịp thời đưa ra phương án, công nghệ khai thác hợp lý, nhằm tăng tối đa chất lượng than nguyên khai và khai thác tối đa tài nguyên.